Báo SGGP và Hội Nhà Văn TPHCM phát động cuộc thi truyện ngắn "Con người và cuộc sống hôm nay"

Nhà thơ, nhà báo Trần Thế Tuyển, TBT Báo SGGP, Trưởng ban Tổ chức: Cuộc thi góp phần phát triển đời sống văn học thành phố
Báo SGGP và Hội Nhà Văn TPHCM phát động cuộc thi truyện ngắn "Con người và cuộc sống hôm nay"

(SGGPO).- Văn học phải đi sâu vào đời sống để phản ánh, phân tích, giải mã những cái tốt, mặt tốt cũng như cái xấu, mặt xấu còn đang tồn tại, đồng thời dự báo xu hướng tình hình xã hội và cuộc sống mai sau. Chính vì thế, Báo SGGP cùng Hội Nhà văn TPHCM tổ chức cuộc thi truyện ngắn với chủ đề “Con người và cuộc sống hôm nay”. Buổi lễ phát động cuộc thi đã diễn ra long trọng tại TPHCM vào sáng nay 22-7.

Các nhà văn lão thành, tên tuổi tham dự lễ phát động cuộc thi. Ảnh: AN DUNG

Các nhà văn lão thành, tên tuổi tham dự lễ phát động cuộc thi. Ảnh: AN DUNG

Vì sao là truyện ngắn?

Phát biểu tại buổi lễ phát động cuộc thi, Nhà văn Lê Văn Thảo nhấn mạnh rằng truyện ngắn là dạng văn học có thế mạnh bậc nhất. Truyện ngắn có hai ưu điểm chính, đầu tiên là lượng bạn đọc nhiệt tình, hầu hết các tác phẩm văn học tạo tiếng vang thời gian gần đây đều là truyện ngắn. Thứ hai, truyện ngắn là một hình thức văn chương phù hợp với việc chuyển tải trên trang báo vốn có yêu cầu giới hạn về lượng chữ. Vì thế, không phải ngẫu nhiên truyện ngắn đã và đang trở thành người bạn đồng hành trong văn hóa đọc của bạn đọc trong cuộc sống hôm nay. Có được những truyện ngắn hay, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao luôn là điều mong đợi của độc giả. Và trong bối cảnh đó, truyện ngắn có tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần và diện mạo văn hóa hiện nay cũng như có ảnh hưởng đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người đặc biệt là ở lớp trẻ.

Nhà văn Lê Văn Thảo phát biểu tại buổi lễ phát động cuộc thi. Ảnh: A.D

Nhà văn Lê Văn Thảo phát biểu tại buổi lễ phát động cuộc thi. Ảnh: A.D

Đi sâu hơn vào vấn đề chọn truyện ngắn, nhà văn lão thành Trần Kim Trắc chia sẻ: Viết truyện ngắn vừa dễ lại vừa khó. Dễ là viết ngắn, nhanh; nhưng khó là: viết cái gì?. Chọn đề tài cho truyện ngắn không đơn giản, người viết truyện ngắn cần tránh kiểu viết chung chung, không có vấn đề để bạn đọc chú ý, ghi nhớ. Cuộc thi truyện ngắn “Con người và cuộc sống hôm nay” có một điểm đặc biệt là phần đề tài rất ngắn gọn: “Các tác phẩm viết về cuộc sống và con người Việt Nam hôm nay ở mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài”. 

Nhà văn Trần Kim Trắc cũng nêu gợi ý đề tài phản ánh các mặt đặc trưng trong đời sống - sinh hoạt của người dân TPHCM hiện nay.

Nhà văn Trần Kim Trắc phát biểu tại lễ phát động cuộc thi. Ảnh: A.D

Nhà văn Trần Kim Trắc phát biểu tại lễ phát động cuộc thi. Ảnh: A.D

Đề tài khuyến khích sáng tác

Đó chính là ý kiến của nhà văn Vũ Hạnh, ông cho rằng cuộc sống hiện nay rất phức tạp, và sự phức tạp đó cũng đồng thời là chất liệu tuyệt vời cho nhà văn sáng tác. Với việc đưa ra một khung nội dung đề tài ngắn gọn nhưng lại có tính mở rộng rất cao, cuộc thi đã tạo nên một sự khuyến khích cho nhà văn sáng tác, không bị bó hẹp trong những giới hạn như một số cuộc thi khác.

Nhà văn Vũ Hạnh phát biểu. Ảnh: A.D

Nhà văn Vũ Hạnh phát biểu. Ảnh: A.D

Nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM đã trao đổi với các nhà văn nhất là những nhà văn trẻ tham gia cuộc thi về một số kinh nghiệm trong sáng tác. Ông cho rằng đề tài rộng mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng đồng thời có nhiều khó khăn mà đầu tiên chính là tính mới trong nội dung truyện ngắn. Nhiều vấn đề của cuộc sống đã trở nên quá quen thuộc, ít ai chú ý, dễ bị bỏ qua. Tìm ra cái mới trong con người và cuộc sống hôm nay không phải dễ. Đó là chưa kể giới hạn lượng chữ cho truyện ngắn cũng là một thử thách đối với người sáng tác.

Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Lê Quang Trang.
Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Lê Quang Trang.

Thổi lên ngọn lửa đam mê sáng tác

Nhận xét vai trò của cuộc thi truyện ngắn “Con người và cuộc sống hôm nay”, nhà văn Vũ Hạnh cho biết: “Không có cuộc thi thì nhà văn vẫn sáng tác thôi, nhưng khi có cuộc thi sẽ hâm nóng hơn nữa nhu cầu viết của nhà văn, khích lệ, tạo động lực để nhà văn tập trung hơn nữa vào công việc sáng tác”.

Nhà văn Trần Thanh Giao phát biểu tại buổi phát động cuộc thi. Ảnh: A.D

Nhà văn Trần Thanh Giao phát biểu tại buổi phát động cuộc thi. Ảnh: A.D

Điều này được phản ánh rõ nét ngay trong buổi lễ phát động cuộc thi sáng nay. Nhà văn trẻ Phương Huyền khi đọc qua kế hoạch của cuộc thi, nhất là phần đề tài sáng tác, đã nhiệt tình tham gia gửi tác phẩm dự thi.

Nhà văn trẻ Trương Anh Quốc (giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 do báo Tuổi Trẻ tổ chức) còn cho biết, thời gian gần đây anh tạm ngưng sáng tác nhằm tập trung đọc các tác phẩm văn học để tìm tòi hướng sáng tác mới cho mình, khi biết đến cuộc thi, ngọn lửa sáng tác trong anh lại cháy lên và gần như chắc chắn sẽ gửi tác phẩm tham gia, những tác phẩm mà anh hứa hẹn sẽ thể hiện một Trương Anh Quốc mới lạ hơn những gì mọi người đã từng đọc.

Nhà văn trẻ Trần Huy Minh Phương phát biểu cụ thể: từ vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long lên TP, Phương ấp ủ đề tài viết về cuộc sống của người nông dân trong một đô thị hiện đại như TPHCM, một đề tài còn ít ai viết.

Nhà văn trẻ Trương Anh Quốc

Nhà văn trẻ Trương Anh Quốc

Bên cạnh sự nồng nhiệt của các nhà văn trẻ, các nhà văn lão thành cũng sôi nổi không kém, nhà văn Trần Thanh Giao góp ý nên có thêm phần “Hưởng ứng cuộc thi” cho các nhà văn thành danh góp tác phẩm, không phải để dự thi mà chỉ góp thêm sắc màu, tạo thêm không khí đa dạng cho cuộc thi. Nhà báo Lam Điền (Báo Tuổi Trẻ TPHCM) đề xuất ý kiến báo SGGP Online và trang web của Hội Nhà văn TPHCM nên mở thêm mục giới thiệu về cuộc thi, từ thể lệ đến tác phẩm để tạo chú ý hơn nữa đến người sáng tác cũng như bạn đọc.

Tổng biên tập báo SGGP Trần Thế Tuyển (giữa) trao đổi cùng các nhà văn

Tổng biên tập báo SGGP Trần Thế Tuyển (giữa) trao đổi cùng các nhà văn

Khép lại chương trình ra mắt cuộc thi, nhà thơ, nhà báo Trần Thế Tuyển, Tổng biên tập báo SGGP hy vọng cuộc thi sẽ đón nhận những tác phẩm văn học hay, hấp dẫn, phản ánh được những vấn đề của cuộc sống hôm nay cả ở mặt tích cực cũng như tiêu cực để từ đó góp phần vẽ nên hình ảnh con người và cuộc sống của đất nước trong thời kỳ đổi mới hiện nay.

Thể lệ cuộc thi

Cuộc thi bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1-8-2011 đến hết ngày 1-8-2012. Tất cả các tác giả trong và ngoài nước đều có thể gửi tác phẩm dự thi, Không hạn chế số lượng tác phẩm và số lần gửi tác phẩm. Tác phẩm không dài quá 1800 từ. Trên mỗi tác phẩm ghi rõ bút danh, tên thật, địa chỉ, số điện thoại, email…

Dự kiến, ngày 2-9-2012 sẽ  trao thưởng cho các tác giả đoạt giải gồm Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 2 Giải Nhì mỗi giải 10 triệu đồng; 4 Giải Ba mỗi giải 5 triệu đồng; 5 Giải Khuyến khích mỗi giải 3 triệu đồng.

Nơi nhận tác phẩm dự thi: Ban Văn hóa Văn nghệ, Báo SGGP số 399 Hồng Bàng, P.14, Q.5, TPHCM. Ngoài phong bì xin ghi rõ “Bài dự thi truyện ngắn viết về Con người và cuộc sống hôm nay”.

Tác phẩm gửi qua email vui lòng gửi về địa chỉ: vhvn@sggp.org.vn hoặc toasoan@sggp.org.vn. Tiêu đề thư xin ghi rõ “Bài dự thi truyện ngắn viết về Con người và cuộc sống hôm nay”.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục