Bão số 11 hướng thẳng vào miền Trung

Trong cuộc họp trực tuyến chiều 13-10, tại Hà Nội của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương với các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Phú Yên, bàn các biện pháp ứng phó với cơn bão số 11 (tên quốc tế là Nari), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 11 để ứng phó kịp thời
Bão số 11 hướng thẳng vào miền Trung

(SGGP).- Trong cuộc họp trực tuyến chiều 13-10, tại Hà Nội của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương với các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Phú Yên, bàn các biện pháp ứng phó với cơn bão số 11 (tên quốc tế là Nari), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 11 để ứng phó kịp thời

Tàu thuyền của ngư dân miền Trung vào trú bão số 11 tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Tàu thuyền của ngư dân miền Trung vào trú bão số 11 tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố kiên quyết kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm di chuyển vào bờ; đồng thời tập trung tổ chức, hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để lại người ở tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. Các tỉnh, thành phố kiểm tra, đôn đốc các hồ vận hành xả nước phù hợp với tình hình thực tế, riêng các hồ chứa không đảm bảo an toàn thì không được tích nước. Đồng thời kiểm tra hệ thống cảnh báo lũ, thông tin liên lạc, phương án sơ tán dân vùng hạ du để kịp thời cảnh báo và sơ tán dân khi xả lũ; rà soát phương án sơ tán dân, di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão; khẩn trương chằng chống nhà cửa, công trình, cắt tỉa cành cây. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo thực hiện cấm các phương tiện lưu thông tại những khu vực nguy hiểm khi bão đổ bộ vào đất liền.

Bộ Thông tin - Truyền thông chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường lực lượng, phương tiện để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn thành lập 2 đoàn công tác xuống kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 11 tại địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị các tỉnh, thành phố gồm: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị cần hoàn thành công tác phòng chống bão số 11 trước 19 giờ ngày 14-10 và căn cứ tình hình thực tế có thể cho học sinh nghỉ học vào ngày 15-10. Riêng tỉnh Quảng Bình nên triển khai công tác sơ tán người già, trẻ nhỏ ở những khu vực nguy hiểm trước 19 giờ ngày 14-10.

Bão sẽ đổ bộ vào đất liền

Chiều 13-10, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, chiều 13-10, tâm bão số 11 đã ở vào khoảng 15,3 độ vĩ Bắc và 113,7 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240km về phía Đông Nam và đang mạnh hơn. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km/giờ), giật cấp 15-16. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km. Khoảng chiều 14-10, tâm bão sẽ cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 170km về phía Đông đồng thời mạnh thêm 1 cấp.

Theo tính toán, từ đêm 13-10, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 13-14, giật cấp 15-16. Biển động dữ dội. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng lên kết hợp với thủy triều cao 3-4m. Từ đêm 14-10 đến trưa 15-10, tâm bão số 11 sẽ đổ bộ vào đất liền thuộc các khu vực miền Trung. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15-16. Biển động dữ dội.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, hiện ở ngoài khơi thuộc phía Đông Philippines còn xuất hiện một cơn bão khác có tên quốc tế là Wipha (được coi là một siêu bão) và đang tương tác với bão số 11. Do đó, đường đi của bão số 11 sẽ khó lường hơn, cần đề phòng sự đổi hướng.

28 hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn

Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên, cho biết, hiện các địa phương ở miền Trung tiếp tục triển khai các biện pháp để ứng phó với bão số 11. Trong đó, tập trung kiểm tra các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn.

Sau cơn bão số 10, hiện nay các hồ chứa trên địa bàn miền Trung đã tích đầy nước, riêng các hồ chứa từ Quảng Bình đến Đà Nẵng dung tích ở mức 60-80% so với thiết kế. Ngoài ra, có 5 hồ đã đầy và vượt qua tràn, như: hồ Tiên Lang, Minh Cầm, Trung Thuần (Quảng Bình); Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế); Khe Tân (Quảng Nam).

Điều đáng lo hiện nay là có 28 hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn khi mưa lớn xảy ra, như hồ Khối 7, Hương Lể, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu - Trọt Đen (Quảng Trị); Đồng Bào, Nam Giản (Thừa Thiên - Huế), Hố Trầu, An Long, Đá Vách (Quảng Nam); hồ Cây Khế, Tôn Dung, Ông Thơ, Hốc Cầy, Đá Bàn, Tân An, Phước Hòa, Đội 14 (Quảng Ngãi); hồ Kim Sơn, Mỹ Đức, Đồng Quang, Chuối, Phú Khương, Đá Bàn, Giao Hội, Hóc Quăng (Bình Định). Hiện các địa phương đang tích cực huy động vật tư, nhân lực tổ chức gia cố, lên phương án sẵn sàng sơ tán người dân ở khu vực các hồ chứa này, tránh để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc.

Đưa tàu cá về đất liền

Sau khi tiếp nhận thông tin về cơn bão số 11, 20 tàu cá của Quảng Ngãi với 164 lao động đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã khẩn trương di chuyển vào bờ và dự kiến trưa ngày 14-10 sẽ về đến đất liền. Ngoài ra, 57 tàu với 631 lao động của Quảng Nam và Bình Định đang hoạt động ở khu vực giữa biển Đông cũng khẩn trương di chuyển khỏi vùng ảnh hưởng của bão. Ngoài ra, đối với 2 tàu cá của Phú Yên, 1 tàu của Quảng Ngãi và 1 tàu của Bình Định bị hỏng máy, trôi dạt trên biển cũng đã được ứng cứu và đang lai dắt vào bờ. Đối với tàu cá QNg 92852 của Quảng Ngãi, trên tàu có 12 lao động, do ông Trần Văn Viết (ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa) làm thuyền trưởng, trong lúc chạy tránh bão thì đến 15 giờ ngày 12-10, tàu bị sóng đánh chìm, cách Cửa Gianh, Quảng Bình khoảng 20 hải lý. May mắn, các thuyền viên được các phương tiện cùng quê Quảng Ngãi và Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cứu kịp thời và đưa vào bờ an toàn.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục