Bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Sáng 11-12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Trưởng ban phòng chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát đã đến Nam Trung bộ trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão tại hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.
Bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

(SGGPO).- Sáng 11-12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Trưởng ban phòng chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát đã đến Nam Trung bộ trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão tại hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa), Bộ trưởng Cao Đức Phát ghi nhận sự chủ động của địa phương trong việc chống bão. Bộ trưởng cũng lưu ý địa phương phải thường xuyên hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn, tránh rủi ro khi bão đến, đặc biệt là đến đột ngột và nhiều người chủ quan bão suy yếu. Trong trường hợp cần thiết, các vùng dân cư ven biển cần thiết phải dời; người nuôi tôm trên các lồng bè phải vận động, đưa họ vào bờ để tránh đau thương có thể xảy ra.

Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra công tác chống bão tại TP Cam Ranh, Khánh Hòa. Ảnh: Văn Ngọc

Phát biểu tại cuộc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận chiều 11-12, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá Ninh Thuận làm công tác ứng phó với cơn bão số 5 rất nhanh chóng. Tuy vậy, ông Phát cũng lưu ý tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh Nam Trung bộ nói chung về nguy hiểm của cơn bão số 5. Mặc dù cơn bão đã giảm cấp độ, có thể suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng khi đổ bộ lại vào ban đêm, có thể tạo ra lốc xoáy nên các tỉnh không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác. Các vùng xung yếu ven biển phải có lực lượng túc trực thường xuyên, luôn cảnh giác cao và trong trường hợp khẩn phải di dời nhanh chóng các hộ dân một cách an toàn. Đặc biệt, ngoài bão, hiện nay do ảnh hưởng thêm của đợt không khi lạnh nên dự báo trong tối nay và các ngày tiếp theo sẽ có mưa to và rất to tại Nam Trung bộ. Do đó, các địa phương phải chủ động các phương án ứng phó với lũ lớn trên các sông, đặc biệt là lũ quét ở các vùng núi.

Để ứng phó với cơn bão số 5, lãnh đạo Ninh Thuận đã chỉ đạo hoãn cuộc họp HĐND tỉnh hôm 11-12. Theo báo cáo ban đầu của Ninh Thuận, xác định Ninh Thuận là tâm bão nên địa phương đã thông báo cho chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân cảnh giác cao độ trong việc chống bão. Hiện Ninh Thuận cũng đã bố trí lực lượng túc trực 24/24 tại các vùng dân cư ven biển, nếu bão đổ bộ vào và có thể gây ra nguy hiểm thì sẽ di dời dân đến nơi an toàn một cách nhanh nhất. Tỉnh cũng đã thông báo, kêu gọi 2.730 tàu thuyền /16.913 lao động của địa phương đang hoạt động trên vùng biển vào nơi trú bão an toàn. Thông báo, di dời 23 phương tiện thủy nội địa; 437 bè nuôi thủy sản. Ngoài ra, bố trí cho tàu thuyền của các địa phương khác đang neo đậu tại các cảng cá của Ninh Thuận là 179 chiếc/447 lao động.

Chiều 11-12, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bình Thuận cho biết đã sẵn sàng phương án di dời dân khi bão số 5 đổ bộ trực tiếp. Theo đó, có trên 7.100 hộ dân với gần 32.000 khẩu tại 7 huyện, thị, thàh phố của Bình Thuận nằm trong diện phải sơ tán. Trong đó, nhiều nhất là TP Phan Thiết (trên 2.700 hộ), thị xã La Gi (2.500 hộ), huyện Tuy Phong (trên 1.000 hộ). Phương án sơ tán đã được các địa phương lên kế hoạch chu đáo, thông báo cho nhân dân khu vực phải sơ tán biết trước và sẵn sàng sơ tán khi có lệnh của Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố.

Từ 15 giờ, ngày 10-12, tỉnh đã lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và hoạt động đánh bắt trên biển. Đến 15 giờ, ngày 11-12, tỉnh đã kêu gọi trên 7.000 tàu thuyền vào bờ neo đậu tránh bão. Tuy nhiên, theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Thuận, vẫn còn 19 chiếc (98 lao động) của TP Phan Thiết đang hoạt động trên biển. Các tàu thuyền này vẫn giữ liên lạc với các đồn biên phòng và Đài thông tin duyên hải khu vực, đồng thời trên đường vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn.

Tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu cá địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tậo trung chỉ đạo, chỉ huy ứng phó bão số 5.


Văn Ngọc - Nguyên Vũ

Tin cùng chuyên mục