Bão số 5 vào miền Bắc - Ít nhất 2 người chết

* Đề phòng lũ quét(SGGP).- Mặc dù đêm 17-8, bão Kaitak (số 5) mới đổ bộ vào miền Bắc, tập trung vào tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng, nhưng từ trước khi bão đổ bộ 6-10 giờ, mưa gió lớn đã hoành hành dữ dội ở Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc. Chiều và tối qua, ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng đã có gió giật cấp 7, cấp 8.
Bão số 5 vào miền Bắc - Ít nhất 2 người chết

* Đề phòng lũ quét

(SGGP).- Mặc dù đêm 17-8, bão Kaitak (số 5) mới đổ bộ vào miền Bắc, tập trung vào tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng, nhưng từ trước khi bão đổ bộ 6-10 giờ, mưa gió lớn đã hoành hành dữ dội ở Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc. Chiều và tối qua, ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng đã có gió giật cấp 7, cấp 8.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo - khí tượng thủy văn Trung ương, vào đêm 17-8, bão số 5 đã đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, gây mưa gió lớn, rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sáng nay 18-8, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển sâu vào đất liền thuộc các tỉnh vùng núi phía Bắc. Ông Hải cho biết, bão số 5 di chuyển nhanh, hút nhiều mây nên sẽ gây mưa diện rộng. Vì vậy, nguy cơ xảy ra mưa to, lũ ống, lũ quét sau hoàn lưu bão ở các tỉnh miền Bắc.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, bão số 5 là một siêu bão, di chuyển khá nhanh, mỗi giờ được 25-30km, vì vậy đổ vào đất liền khá sớm. Sau khi đi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) vào vịnh Bắc bộ, bão còn mạnh thêm một cấp, giật tới cấp 13-14.

Sáng và chiều qua, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã tổ chức hai cuộc họp khẩn để chỉ đạo các giải pháp ứng phó với bão dữ. Theo đánh giá tại cuộc họp, bão số 5 là cơn bão “ma”, cường độ hoạt động phức tạp, có hướng di chuyển liên tục thay đổi kể từ khi hình thành.

Từ 12 giờ trưa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu toàn bộ các phương tiện tàu vận tải, tàu du lịch và lồng bè nuôi thủy sản ở khu vực Bãi Cháy, vịnh Hạ Long, Vân Đồn phải vào khu neo đậu an toàn cùng lệnh cấm biển, không cấp phép cho các tàu đưa đón khách. Phần lớn các hộ dân nuôi trồng thủy sản đã được đưa vào bờ an toàn trước khi bão đổ bộ. Lực lượng biên phòng đã bắn 54 quả pháo báo bão để ngư dân trở về bờ.

Chiều qua, tại TP Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu dừng các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 5 đổ bộ. Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng tập trung kiểm tra lại hệ thống đê điều, đặc biệt là hệ thống đê biển Cát Hải và có kế hoạch di dân cụ thể.

Cây đổ ngổn ngang như trong rừng ngay trên đường Phùng Hưng, Hà Nội vào chiều 17-8.

Cây đổ ngổn ngang như trong rừng ngay trên đường Phùng Hưng, Hà Nội vào chiều 17-8.

Theo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, từ sáng 17-8 ở thủ đô đã có mưa trên diện rộng. Tuy nhiên, từ chiều qua mưa mới bắt đầu lớn. Chỉ trong chưa đầy một giờ vào lúc tan tầm, lượng mưa đo được ở nhiều nơi đã lên tới 40mm. Các khu vực nội thành có lượng mưa lớn nhất là Vân Hồ, Xuân Đỉnh, Trúc Bạch… Để chống úng ngập cho toàn Hà Nội, trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm cục bộ phải vận hành liên tục để hạ mực nước trên toàn hệ thống ra sông Hồng.

Tại trạm bơm nước hồ Thiền Quang, do cây đổ nên mất điện. Tuy nhiên, hồ đã được bơm hạ mực nước trước nên vẫn đủ khả năng điều hòa. Ở nhiều điểm “đen” về úng ngập trên các tuyến đường Nguyễn Đức Cảnh (khu vực đang triển khai thi công xây dựng cống thoát nước), Lê Trọng Tấn, Trường Chinh, Thái Thịnh, Nguyễn Khuyến, ngã ba Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương… vẫn xảy ra ngập nặng.

Thống kê sơ bộ, trên địa bàn Hà Nội có ít nhất 2 người chết do cây đổ đè vào người ở khu vực Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) và Cửa Bắc (quận Ba Đình).

Mưa lớn đã làm nhiều cây xanh bị gãy đổ, chắn ngang mặt đường nhiều tuyến như Sơn Tây, Nguyễn Thái Học, Liễu Giai, Thụy Khuê, Trường Chinh, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng... vào giờ cao điểm nên làm giao thông càng thêm hỗn loạn. Dọc đường Nguyễn Du có 2-3 cây đổ cùng một chỗ, 2 cây cổ thụ trên đường Lý Thường Kiệt cũng bật gốc. Theo thống kê sơ bộ, có ít nhất 4-5 ô tô, taxi và xe máy các loại bị cây to đổ đè ngang, làm bẹp hoặc hư hỏng nặng.

Tại ngã tư Nguyễn Du - Trần Bình Trọng, một cây xà cừ cổ thụ đổ ập ngang đường lúc 2 xe máy đang chạy ngang qua, làm một thanh niên bị cây đè bất tỉnh. Ngoài ra, trên các phố Phùng Hưng, Trần Huy Liệu - Kim Mã đều có taxi, ô tô con bị cây đổ đè lên, rất may không có tai nạn về người. Một taxi đang di chuyển theo hướng Phạm Đình Hổ đi Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến trước số nhà số 97 Lò Đúc bị cây xà cừ đổ ụp xuống. Chiếc taxi Kia Morning 29A - 268.80 được xác định của hãng Mai Linh, bị bẹp rúm hoàn toàn, lái xe chết ngay tại chỗ.

Ở khu vực đường Trần Huy Liệu cắt đường Kim Mã, gió to cũng quật đổ nhiều cây xanh và 2 cột điện, đè nát đầu một chiếc taxi 30L-4649 của hãng ABC, làm hỏng một xe máy và một xe đạp. Rất may, không có thiệt hại về người. Toàn bộ đường Trần Huy Liệu bị tê liệt trong nhiều giờ. Mưa còn làm nhiều người dân bị thương, trong đó thông tin sơ bộ thì một nhà sàn tại ngõ 68 phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) bị đổ sập bất ngờ trong mưa bão, làm 4 người dân bị thương nặng.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, hơn 20 giờ tối qua, tâm bão số 5 đã tiếp cận đất liền ở phía Nam TP Móng Cái (Quảng Ninh) với sức gió mạnh cấp 7, cấp 8, gió giật cấp 9, cấp 10. Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ninh, hồi 21 giờ đêm qua, tâm bão đi vào khu vực giữa huyện Hải Hà và Móng Cái, sức gió lên tới cấp 11-12. Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện trên địa bàn đang có 23 hồ đập được điều tiết phòng chống lũ và 86 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá đã được di dời.

Do nhận định sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại khi bão đổ vào, chiều 17-8, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Trưởng ban Chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát dẫn đầu đã có mặt tại tỉnh Quảng Ninh và đến huyện Hải Hà để chỉ đạo phòng chống bão.

Tính đến chiều 17-8, lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh đã thông tin về tình hình bão số 5 cho gần 30.000 phương tiện, với khoảng 100.000 người đang hoạt động trên biển. Các đơn vị biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi duy trì 3.000 cán bộ chiến sĩ với 231 phương tiện các loại ứng trực đối phó bão số 5. Hơn 20.000 cán bộ, chiến sĩ, điều động 8 máy bay, 72 xe tăng và gần 1.500 ô tô, xuồng cứu hộ đã được chuẩn bị, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, khoảng 1.200 tàu thuyền cũng đã trở về bờ, được neo đậu chắc thành cụm tại các lạch, cảng để đảm bảo không bị sóng đánh vỡ.

VĂN PHÚC


  • Kiểm tra toàn bộ các công trình hồ đập trên cả nước 

(SGGP).- Ngày 17-8, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp bàn về đánh giá mức độ an toàn của các hồ thủy lợi, thủy điện trên cả nước.

Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có gần 7.000 hồ đập thủy điện lớn nhỏ. Trong đó, phần lớn các công trình được đánh giá là chất lượng tốt, tuy nhiên có những công trình chất lượng đang có vấn đề, tác động không tốt đối với xã hội. Đặc biệt, gần đây có những công trình gây tranh cãi lớn như công trình thủy điện Sông Tranh 2 với hiện tượng thấm nước.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng của các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc tổng kiểm tra toàn bộ các công trình hồ đập để tránh xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tập trung đánh giá hiện trạng làm việc của các hồ đập đã tích nước thông qua kết quả kiểm tra trực quan xem có các biểu hiện bất thường như thấm, nứt và các hư hỏng khác ảnh hưởng đến chất lượng an toàn đập. Bên cạnh đó, các chuyên gia sẽ kiểm tra, đánh giá an toàn đập thông qua các số liệu quan trắc đập được thực hiện từ khi tích nước theo quy định, đồng thời kiểm tra công tác quản lý, vận hành, điều tiết, duy tu bảo dưỡng của chủ đầu tư, chủ đập… 

B.QUYÊN

  • Quảng Ngãi: 89 ngư dân gặp nguy hiểm do bão 

(SGGP).- Chiều 17-8, ông Lê Viết Chữ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị phía Trung Quốc cho 9 tàu cá với 89 lao động ở huyện Đức Phổ đang đánh bắt tại 18000’N - 112020’E phía Bắc quần đảo Hoàng Sa vào trú tránh tại đảo Hải Nam do đang bị ảnh hưởng của bão.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Lạc, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã liên lạc với các phương tiện đang đánh bắt trên biển qua hệ thống Icom; phối hợp với gia đình của chủ tàu để theo dõi, kiểm soát quá trình hoạt động của ngư dân trên biển, hướng dẫn cho tàu thuyền hướng di chuyển của bão để có cách phòng tránh trên biển. 

H.MINH

  • Quảng Nam: Đề nghị thủy điện xả nước cứu lúa 

(SGGP).- Ngày 17-8, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết UBND tỉnh này chính thức có công văn khẩn đề nghị Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo Nhà máy thủy điện ĐăkMi 4 khẩn trương khắc phục sự cố tại các tổ máy phát điện để huy động tối đa công suất của nhà máy, xả nước bổ sung trên sông Thu Bồn và mở cống xả sâu, bổ sung nguồn nước cho vùng hạ du sông Vu Gia.

Đề nghị Nhà máy thủy điện A Vương thường xuyên huy động công suất tối đa 1 tổ máy, chạy 24 giờ/ngày với lưu lượng khoảng 39m³/giây; từ 17 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau, huy động thêm 1 tổ máy nữa để gia tăng lưu lượng xả lên nhằm bổ sung đảm bảo nguồn nước cho sông Vu Gia và một phần cho sông Thu Bồn (qua sông Quảng Huế). Yêu cầu Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, tăng cường thực hiện việc xả nước phát điện để mực nước hồ chỉ bằng hoặc thấp hơn mực nước chết (140m) với mục tiêu vừa xử lý chống thấm đập, vừa bổ sung nguồn nước cho hạ du.

Hiện hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn hiện có trên 2.000ha lúa Hè Thu trong thời kỳ trỗ bông bị thiếu nước nghiêm trọng, nhiều diện tích lúa đã bị khô héo do nguồn nước bị nhiễm mặn. 

N.KHÔI 

  • Diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển Cửa Đại 

(SGGP).- Ngày 17-8, tại biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam), hơn 200 chiến sĩ thuộc các lực lượng biên phòng, quân y, hội chữ thập đỏ và hàng trăm người dân địa phương đã tham gia buổi diễn tập cứu nạn quy mô lớn trên biển. 15 tàu gồm tàu cứu nạn, tàu khách, ca nô và mô tô nước, cùng 5 xe cứu thương, hàng chục thúng chai của ngư dân… tham gia tình huống giả định cứu nạn trên biển.

Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn triển khai tình huống giả định cứu tàu và người bị nạn trên biển và cửa sông trong 2 giờ.  

N.KHÔI

*****

- Thông tin liên quan:

>> Bão số 5 đang mạnh lên trên đường tiến vào đất liền, cuối tuần Bắc bộ có mưa lớn

Tin cùng chuyên mục