“Bảo tàng Bác Hồ”

Ở độ tuổi ngoài 80, lẽ ra đã dành thời gian nghỉ ngơi bên con cháu, nhưng người cựu binh này vẫn miệt mài với việc sưu tầm tư liệu của Bác Hồ để làm nên một bảo tàng có một không hai giữa xứ trầm hương Khánh Hòa…
Ông Bùi Xuân Phước giới thiệu về một kỷ vật của Bác Hồ mà ông dày công sưu tầm được
Ông Bùi Xuân Phước giới thiệu về một kỷ vật của Bác Hồ mà ông dày công sưu tầm được
Những ngày tháng 5 này, chúng tôi tìm về thôn Phước Điền - nơi có “Bảo tàng Bác Hồ” do cựu binh Bùi Xuân Phước (83 tuổi, ở thôn Phước Điền, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang) lập nên.
Giữa trưa, ông Phước và những tình nguyện viên xã Phước Đồng đội nắng sắp xếp lại khuôn viên bảo tàng cho gọn gàng, chuẩn bị ngày 19-5 tới đây sẽ làm lễ kỷ niệm sinh nhật Bác. Dù bận bịu, nhưng khi có khách đến, ông Phước vẫn chào đón bằng cái bắt tay gần gũi, bằng những lời hỏi han ân cần.
Anh Nguyễn Tấn Vũ, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Phước Đồng, cho biết nghe ông Phước gọi qua giúp khiêng đồ, dọn dẹp khuôn viên, anh em gác lại mọi công việc để sang đây. Hàng chục năm qua, ông Phước một tay làm nên bảo tàng này, nay sức ông đã yếu, anh em trong xã phải có trách nhiệm giữ gìn, làm cho bảo tàng đẹp hơn.  

Ông Phước vốn là người gốc Đà Nẵng, do mưu sinh nên đã định cư ở đất Phú Khánh (nay là Phú Yên và Khánh Hòa). Rót chén trà nóng mời khách, ông Phước kể: Từ năm 1976, khi còn làm ở Bảo tàng Phú Khánh, hễ nghe ở đâu có hiện vật hay tư liệu liên quan đến Bác Hồ, ông đều tìm đến, xin được in sao. Năm 1994, khi về hưu, ông quyết tâm xây dựng khu trưng bày về Bác tại tư gia. Ông đi xe máy khắp trong Nam ngoài Bắc tìm gặp đồng đội cũ, nêu ý tưởng, nhờ giúp đỡ. Với 5 cây vàng tích lũy được cùng tiền vay mượn của đồng đội, năm 1997, ông bắt tay vào việc. Công việc đôi lúc bị dừng vì thiếu kinh phí nhưng ông vẫn luôn nhận được sự động viên, ủng hộ của gia đình, bạn bè. Hồi đó, ông Phước đã thực hiện 4 chuyến xuyên Việt bằng xe máy để nhờ giúp đỡ và sưu tầm tư liệu. Nhờ vậy mà đến năm 2000, đền thờ về Bác Hồ tại nhà ông Phước được khai trương và đến năm 2010, nhà trưng bày về Bác cũng chính thức hoàn thành. Mới đây, ông Phước xây dựng thêm khu nhà hội họp làm chỗ nghỉ ngơi, giao lưu của đồng đội và phục vụ khách tham quan.

Trong hơn 100 bức ảnh, hiện vật được phục chế từ hiện vật gốc về Bác Hồ đang được trưng bày, đáng chú ý có bức ảnh về thời khắc Bác lâm chung. Bức ảnh có khổ gốc 18cm x 24cm, được vợ của một cán bộ cao cấp từng phục vụ cận kề Bác mang tới tận nhà tặng khi biết ông đang xây nhà trưng bày. Bức ảnh được phóng khổ lớn, đặt trang trọng trong hộp kính chính giữa nhà trưng bày. Ông Phước nói đó là bảo vật quý nhất mà ông có được trong cuộc đời sưu tầm tư liệu về Bác. Thời đó (năm 1995), ở Nha Trang không có tiệm ảnh nào đủ khả năng phục chế ảnh thành khổ lớn, ông Phước phải lặn lội vào TPHCM để làm việc này. “Ngày tôi nhận bức ảnh, cả tuần không sao chợp mắt, cứ mãi ngắm hình ảnh Bác và nghĩ là Bác đang ngủ. Tôi vô cùng biết ơn người đã đem bảo vật quý giá đến cho tôi”, ông Phước bùi ngùi.

Trên khu đất hơn 2.500m² của gia đình, ban đầu ông Phước dựng đền thờ Bác Hồ để thắp hương, ghi nhớ công ơn của Người, cũng như những người có công với đất nước. Sau đó, được sự tư vấn, giúp đỡ của các cựu đồng nghiệp, các chuyên gia về bảo tàng, ông đã tạo dựng một phòng trưng bày sinh động tư liệu về Bác Hồ, mà ông gọi đó là “Bảo tàng những điểm son về cuộc đời và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Từ khi khu trưng bày về Bác của ông Phước hoàn thành, người dân các nơi đến thăm ngày một đông, đặc biệt là lớp lớp học sinh các cấp trên địa bàn xã Phước Đồng, các thầy cô thường liên hệ cho học sinh đến đây học ngoại khóa. Sau mỗi buổi học, học sinh lại thích thú được nhìn tận mắt, nghe tận tai về những gì mà các em chỉ mới biết đến trên những trang giấy, qua lời truyền đạt nên rất thú vị. Bảo tàng của ông Phước về Bác Hồ được khách tham quan và ngay cả những chuyên gia bảo tàng cũng cho rằng đó thực sự là một “Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ” giữa lòng phố biển Nha Trang.
Dẫn khách vào tham quan phòng trưng bày, ông Phước đã làm khách bất ngờ khi thuyết minh hết sức tường tận, hùng hồn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Phước tâm sự dự định sẽ chỉnh trang lại khuôn viên ngôi nhà, để thực hiện việc triển lãm ngoài trời, tuyên truyền cho các sự kiện trọng đại của đất nước. Giống như cuộc sống gắn bó, yêu quý thiên nhiên của Bác, ông Phước đã đào một cái ao rộng 11m, dài 20m và ấp ủ ý định nuôi giống cá nơi khu nhà sàn của Bác Hồ. 

Tin cùng chuyên mục