Bảo tồn báu vật của đại ngàn

Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia trên thế giới còn sót lại quần thể thủy tùng quý hiếm - loài thực vật xuất hiện cùng thời khủng long kỷ băng hà. Sau nhiều năm nghiên cứu, các viện khoa học nông lâm nghiệp đã nhân giống thành công lứa thủy tùng đầu tiên, hứa hẹn phát triển loài thực vật quý hiếm này.

Đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

Trên mảnh đất Tây Nguyên có nhiều cánh rừng nguyên sinh với hàng ngàn loài thực vật quý hiếm, nhưng ít ai biết được nơi đây tồn tại một khu rừng nguyên sinh được xem là kho báu của đại ngàn. Đó là 2 quần thể thủy tùng lớn nhất trên thế giới sót lại ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo và xã Ea Hồ, huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk).

Theo TS Trần Vinh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cây thủy tùng xuất hiện cách đây 10 triệu năm, cùng thời khủng long ở kỷ băng hà. Thủy tùng thuộc dòng quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện nay, trên thế giới thủy tùng chỉ mọc rải rác ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và tỉnh Khâm Muộn (Lào).

Việt Nam là nước thứ 3 có thủy tùng và là nước duy nhất trên thế giới có quần thể thủy tùng tự nhiên gồm 161 cây. Hơn nửa thế kỷ nay, do nhiều yếu tố, nên không một cây con thủy tùng nào phát triển, dẫn đến thủy tùng trở thành “vô sinh”, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Bảo tồn báu vật của đại ngàn ảnh 1 Cây thủy tùng hơn 600 năm tuổi tại Trạm Trấp Ksor
Xuôi theo đường Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm đến Trạm quản lý bảo tồn sinh cảnh thủy tùng Ea Ral tại thôn 4, xã Ea Ral để tìm hiểu về những báu vật này. Đặt chân đến khu vực đầm lầy Ea Ral, trước mắt chúng tôi là một khu rừng nguyên sinh với hàng trăm loài thực vật đa dạng.

Theo chân ông Võ Thành Tám, Trưởng trạm quản lý bảo tồn sinh cảnh Ea Ral, men theo con đường tuần tra ngoằn ngoèo quanh khu vực đầm lầy, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều cây thủy tùng xanh tốt, mọc thẳng tắp, cao đến vài chục mét, đường kính 3 người ôm không xuể. Ông Tám cho hay, hiện nay tại 2 quần thể thủy tùng tại xã Ea Ral và Ea Hồ, cây nhỏ nhất cũng trên 50 năm tuổi, nhiều cây gần 700 năm.

Đứng dưới cánh rừng thủy tùng nguyên sinh, chúng tôi cảm nhận được mùi hương nhẹ từ loại cây quý này. “Tại Trung Quốc, Lào, thủy tùng chỉ mọc rải rác ở các vùng ven hồ, sông, suối. Theo đánh giá của các nhà khoa học, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có quần thể thủy tùng lớn và hiện nay được xem là báu vật của đại ngàn”, ông Tám nói. Chỉ tay về phía khu vực lòng hồ Ea Ral có diện tích mặt nước hơn 10ha, ông Tám cho biết thêm, nơi đó được xem là “nghĩa địa” thủy tùng.

Lý giải về “nghĩa địa thủy tùng”, cụ Mna Ksor, buôn trưởng buôn A Riêng, xã Ea Ral, cho hay, vào những thập niên 80 của thế kỷ trước, khu vực đầm lầy Ea Ral là một khu rừng thủy tùng nguyên sinh. Để phục vụ cấp nước tưới cho cây nông nghiệp, chính quyền địa phương đã thực hiện dự án xây dựng đập thủy lợi.

Thời điểm thi công dự án, một phần cánh rừng thủy tùng đã bị san ủi, cưa hạ để phục vụ xây dựng công trình. Sau khi thủy lợi đưa vào hoạt động tích nước, 2/3 cánh rừng thủy tùng đã bị nhấn chìm dưới lòng hồ. Thời điểm đó, chưa ai biết đến giá trị của thủy tùng nên xem chúng như một loại gỗ tạp, không dùng đến.

Đến những năm 2009-2010, thủy tùng được đồn thổi chữa được bệnh ung thư thì người dân bắt đầu săn lùng. Lòng hồ Ea Ral bị xăm hại, băm nát từng mét đất để tìm những thân gỗ thủy tùng dưới sình lầy. Đến nay, dưới lòng hồ vẫn còn rất nhiều gốc, gỗ thủy tùng, nhiều người cũng đã trục vớt để bán nhưng không thể nào hết được.

Gian nan bảo vệ

Ông Tám cũng cho biết, vào những năm 2009-2010, khi biết giá trị của thủy tùng, người dân săn lùng loại gỗ này như vàng. Chính vì lẽ đó, những cây thủy tùng còn sót lại luôn bị các đối tượng lâm tặc hăm he cưa hạ. Để bảo vệ loài thực vật quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng, năm 2011 UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt dự án bảo tồn thủy tùng. Thời điểm này, khi điều tra để lập dự án bảo tồn thủy tùng, cơ quan lập dự án là Đại học Tây Nguyên đã kiểm đếm còn 255 cây ở Đắk Lắk.

Trong đó, quần thể Ea Ral còn 219 cây, quần thể Trấp K’sơr (huyện Krông Năng) là 31 cây và 5 cây ở Cư Né (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk). Thế nhưng, đến tháng 8-2012, Ban Quản lý Khu bảo tồn sinh cảnh thủy tùng mới được thành lập thì thủy tùng còn lại là 161 cây. Trong đó, quần thể thủy tùng ở Cư Né với số lượng 5 cây, có độ tuổi từ 400-600 năm, đã bị lâm tặc triệt hạ.

Sau khi Ban Quản lý Khu bảo tồn sinh cảnh thủy tùng được thành lập, 2 quần thể thủy tùng được canh giữ, bảo vệ cẩn thận nên đã khôi phục lại vẻ hoang sơ vốn có. Ông Tám chia sẻ: “Thời điểm thành lập ban cũng là thời điểm rộ về tình trạng săn lùng thủy tùng. Các đối tượng lâm tặc hăm he cưa trộm thủy tùng. Do lực lượng ít, các cán bộ trong ban phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Cả giám đốc, phó giám đốc ban cũng phải chia ca tuần tra. Đêm đến, anh em mắc võng ngủ ngoài rừng để túc trực canh giữ 24/24 giờ. Có những cán bộ lội sình, đỉa cắn đến nỗi phải đi cấp cứu, muỗi đốt đến sốt rét cũng thường xuyên”.

Mặc dù được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng vào tháng 10-2017, lợi dụng mưa bão, 5 đối tượng đã lẻn vào Khu bảo tồn Ea Ral dùng cưa tay cắt hạ phần thân trên của một cây thủy tùng 306 tuổi. Rất may, lực lượng Trạm quản lý Ea Ral đã phát hiện và bắt giữ giao cho công an xử lý.

Nhân giống thử nghiệm thủy tùng

Đưa chúng tôi về Trạm Trấp Ksor, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Khu bảo tồn sinh cảnh thủy tùng Đắk Lắk, chỉ cho tôi thấy 3 dạng nhân giống thử nghiệm thủy tùng đang được triển khai. Trong đó, ông Võ Thành Tám tự mày mò nghiên cứu, thực hành ghép được hàng chục cụm chồi qua các rễ thở của cây mẹ. Những phần rễ xung quanh cây thủy tùng mọc nhô trên mặt nước giúp cây hô hấp, hàng chục chồi non được ghép cẩn thận, phát triển xanh tốt.

Ngoài ra, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới Gia Lai cũng đã nghiên cứu thành công phương pháp ươm hom thủy tùng. TS Trần Vinh cũng nghiên cứu thành công phương pháp ghép chồi thủy tùng trên cây bụt mọc.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Khương, Trạm trưởng Trạm Trấp Ksơr, trong 3 phương pháp nhân giống thủy tùng thì phương pháp ươm hom của Viện Khoa học nhiệt đới có tỷ lệ cây sống được khoảng 20%, cây phát triển khá kém. Phương pháp ghép chồi trên cây bụt mọc của TS Trần Vinh, tỷ lệ cây sống đạt 70%, cây phát triển tốt hơn.

Đến nay, sau 5 năm trồng thử nghiệm, số cây thủy tùng TS Trần Vinh ghép trên cây bụt mọc trồng tại Trạm Trấp Ksor đã có chiều cao trên 3m, đường kính từ 10-15cm.

Theo TS Trần Vinh, phương pháp ghép chồi trên rễ thở của Ban Quản lý Khu bảo tồn sinh cảnh thủy tùng cũng là một phương pháp hay để nhân giống thủy tùng. Tuy nhiên, ông Trần Vinh lo ngại rằng, phương pháp ghép chồi trên rễ thở vẫn còn nhiều bất cập, do rễ thở của thủy tùng gắn liền với cây mẹ, không thể tách rời hay di chuyển được. Cây ghép trên rễ thở sẽ bị ảnh hưởng khi cây mẹ già chết.

Ngoài ra, cấu tạo rễ thở vốn xốp, mềm, nhẹ, khi cây thủy tùng ghép trưởng thành, cấu trúc gỗ cứng, nặng, liệu bộ rễ già của cây mẹ có chịu nổi không. Nói về phương pháp nhân ghép trên cây bụt mọc, ông Vinh cho biết, ông đã trồng thử nghiệm nhiều nơi tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng và cây đang phát triển tốt. Tuy nhiên, để đánh giá chất lượng gỗ, tinh dầu của cây ghép này có gì khác thủy tùng nguyên chủng thì phải cần thêm thời gian…

Nhìn về cánh rừng thủy tùng nguyên sinh, ông Trần Xuân Phước tâm tư, do kinh phí của dự án còn hạn hẹp nên các cơ sở hạ tầng của đơn vị chưa đảm bảo, đời sống cán bộ còn nhiều thiếu thốn và công tác bảo tồn gặp nhiều khó khăn.

“Hiện UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chủ trương kêu gọi nhà đầu tư phát triển Khu bảo tồn Ea Ral và Trấp Ksor, phát triển ngành du lịch để có thêm kinh phí đầu tư cơ sở cho đơn vị và đảm bảo bảo đời sống cho cán bộ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào. Trong 2 quần thể thủy tùng do khu bảo tồn bảo vệ, hiện có 2 cây thủy tùng độ tuổi trên 500 năm. Đơn vị  đã đề nghị cơ quan chức năng công nhận đây là cây di sản Việt Nam nhằm bảo tồn và phát triển loài thực vật này”, ông Phước cho biết.

Tin cùng chuyên mục