Bảo vệ cảnh quan dự án ven sông

Trong một đô thị phát triển dày đặc công trình như TPHCM thì những vùng đất ven sông, kênh, rạch được xem là đất “vàng”, vì thế giá đất cao hơn nơi khác 30% - 40%. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có nhiều nguy cơ về tai biến địa chất, nhất là sạt lở đất. Cần làm gì để “vàng” của TP không trôi tuột xuống sông?
Hàng ngàn tỷ đồng đã và đang được TPHCM chi ra để làm kè chống sạt lở và di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, nhưng chỉ giải quyết được phần nhỏ trong số hàng ngàn tuyến sông, kênh, rạch của TP.
Bảo vệ cảnh quan dự án ven sông ảnh 1 Khu vực quỹ đất hành lang bảo vệ bờ sông Rạch Chiếc, đoạn chảy qua quận 9, khá lộn xộn
Giao đất bảo vệ hành lang kèm dự án
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có một số kiến nghị liên quan đến việc đầu tư chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Cụ thể, theo Quyết định số 22/2017 của UBND TP (quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn TPHCM), hành lang bảo vệ trên bờ là chiều rộng khu đất nằm dọc hai bên bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng, được tính từ mép bờ cao quy hoạch vào bên trong phía đất liền, dao động từ 3m - 50m. Quỹ đất hành lang bảo vệ bờ được sử dụng để xây dựng các công trình chống sạt lở, hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng phục vụ cho người dân như công viên cây xanh, thể dục thể thao, bến tàu khách, bãi giữ xe...
HoREA đã kiến nghị UBND TPHCM xem xét, điều chỉnh quy định để giao ranh đất dự án đến mép cao bờ sông rạch cho các dự án đầu tư mới. Chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng kè bờ bảo vệ (kết hợp với chỉnh trị dòng chảy và làm đẹp cảnh quan), đường ven sông, công viên, mảng xanh, các công trình dịch vụ phục vụ công cộng trong khu vực quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch và được quyền khai thác, sử dụng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với các dự án cũ trước đây mà chưa giao quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch, thì cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các chủ đầu tư dự án đó, hoặc mời gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư, khai thác kinh doanh để sử dụng hiệu quả quỹ đất ven sông rạch phục vụ công cộng, hoặc khai thác kinh doanh có thời hạn.
Lý giải về kiến nghị này, HoREA cho biết, thời gian qua, tại những dự án phát triển các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn TP, chủ đầu tư thường được giao ranh dự án đến ranh bảo vệ trên bờ. Nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng chủ đầu tư chỉ xây tường bảo vệ trong ranh dự án, không chịu trách nhiệm đầu tư đối với quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch ngoài ranh dự án được giao. Điều này dẫn đến khu vực quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch không được kè bờ cứng để bảo vệ chống sạt lở, không xây dựng đường ven sông, lối đi bộ, công viên, các công trình dịch vụ phục vụ công cộng…, nên không phát huy được nguồn lực rất lớn của quỹ đất này và làm giảm giá trị cảnh quan đô thị.
Không để chủ đầu tư “độc chiếm”
GS-TS Lê Mạnh Hùng, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT), đã nghiên cứu nhiều về vấn đề chỉnh trị sông ngòi tại TPHCM. Theo GS Lê Mạnh Hùng, xây dựng kè không chỉ để chống sạt lở mà còn là chỉnh trang đô thị, không để cỏ rác, bùn đất bầy hầy gây mất mỹ quan. Tuy nhiên, với khoảng 3.000km chiều dài các tuyến sông, kênh, rạch, ngân sách TP không kham nổi, vì thế đề xuất xã hội hóa nguồn lực đầu tư chống sạt lở của HoREA cũng là một giải pháp đáng lưu ý.
Tuy nhiên, mỗi dòng sông, đoạn sông có tính chất khác nhau nên giải pháp chống sạt lở cũng khác nhau. “Dù khác nhau nhưng chúng phải hòa hợp và thống nhất với nhau, bởi việc tác động sai đến một đoạn sông không chỉ gây sạt lở, xói mòn đoạn sông ấy mà còn liên đới các đoạn lân cận và cả dòng sông.
Các khu đất ven sông Rạch Chiếc không chỉ tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ mà kế thừa cả cảnh quan tự nhiên khá đẹp do hình thế uốn lượn của dòng sông tạo thành. Nhiều dự án được giao cả quỹ đất hành lang bảo vệ bờ, thế nhưng hiện trạng đầu tư khá lộn xộn: Có khu vực dự án đầu tư kè và trồng cây xanh khá bài bản, nhưng có dự án bờ kè xuống cấp, rào chắn chỗ có chỗ không, rất nguy hiểm cho người dân khi đi dạo, thậm chí là chưa đầu tư kè chống sạt lở.
Đáng nói, có một số dự án bảo vệ chốt chặn “ngoại bất nhập” nên chỉ có người mua nhà trong dự án mới được tiếp cận bờ sông, trong khi theo quy định của Quyết định 22/2017 (và trước đó là Quyết định 150/2004) của UBND TPHCM, quỹ đất hành lang bảo vệ bờ phải được sử dụng cho mục đích công cộng. 
Tình trạng của sông Rạch Chiếc còn được nhìn thấy tại nhiều dòng sông, con kênh khác ở TPHCM. Vì thế, cần có một chính sách và cơ chế để bảo vệ và khai thác tốt quỹ đất hai bên bờ sông, kênh, rạch. 
Trong khi đó, mỗi chủ đầu tư dự án chỉ tính toán trong phạm vi dự án của mình để xây dựng, không tính đến các khu vực lân cận. Vì họ không có khả năng và nhiệm vụ phải làm điều đó. Mỗi đoạn sông có tính chất khác nhau nên kết cấu kè cũng khác nhau.
Nếu muốn giao đất cho doanh nghiệp ra đến mép bờ cao như đề xuất của HoREA, TPHCM cần chuẩn bị trước quy hoạch chỉnh trị sông để yêu cầu nhà đầu tư thực hiện cho đúng, tránh tình trạng mỗi nhà đầu tư làm mỗi phách. Lúc đó, không giảm được sạt lở mà ngược lại còn tạo thêm nguy cơ về vấn đề này”, GS Lê Mạnh Hùng phân tích.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống sông, kênh, rạch của TPHCM chảy len lỏi trong TP, bề rộng và sức nước vừa phải, dòng chảy hài hòa, nên rất có tiềm năng để phát triển cảnh quan.
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, cho rằng lợi thế ven sông làm tăng giá trị kinh tế cho các khu đất so với những khu vực khác, nhưng đây là quỹ đất hữu hạn nên cần có chiến lược khai thác hiệu quả. Có thể xem việc đầu tư các công trình chống sạt lở, công viên cây xanh và các công trình công cộng khác như điều kiện để nhà đầu tư được giao đất ven sông. 
“Trong quyết định giao đất cần quy định rõ chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm xây dựng các hạng mục gì trong quỹ đất hành lang bảo vệ bờ, nếu không thực hiện đúng sẽ bị xử phạt hoặc thu hồi đất. Đồng thời, quỹ đất này có tính chất công cộng, trừ một số khu vực đặc biệt có công trình kỹ thuật đầu mối chẳng hạn, còn lại thì người dân đều phải được tiếp cận. Trong quá khứ, TP đã giao nhiều khu đất ven sông nhưng do chưa có quy định về hành lang bảo vệ bờ nên đầu tư tràn lan, mỗi dự án mỗi kiểu và chủ đầu tư “độc chiếm”, người dân không thể tiếp cận được, điển hình như nhiều dự án ở quận 2”, ông Sơn kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục