Bảo vệ mình trước “giặc lửa”

Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Cô Bùi Thị Khánh, Trưởng khu phố 13, phường 12, quận Gò Vấp, hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy
Cô Bùi Thị Khánh, Trưởng khu phố 13, phường 12, quận Gò Vấp, hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy
 Từ chỗ xem công tác này là nhiệm vụ chỉ riêng của lực lượng Cảnh sát PCCC, nay người dân đã thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình hơn trong việc PCCC. “Mọi tai nạn, sự cố về cháy nổ nếu được phát hiện ngay từ đầu và có sự chuẩn bị các điều kiện để xử lý tình huống xảy ra thì đám cháy sẽ sớm được dập tắt và thiệt hại sẽ không đáng kể”, đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, nhận định về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền PCCC.

“Cắt ngọn” nhanh hơn 300 vụ cháy

Tối 7-2, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Ấn Tượng Việt (trên đường  Lê Văn Quới, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM). Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân đã điều động 11 xe chuyên dùng cùng 68 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường. Tuy nhiên, trên đường đến đám cháy, đơn vị nhận được tin lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở đã sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập tắt được đám cháy nên Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân chỉ đến hỗ trợ thêm chứ không triển khai đội hình chữa cháy.

Vụ cháy không gây thiệt hại về người, thiêu hủy 10m2 diện tích cùng một số tài sản khác của cơ sở, ước tính thiệt hại chỉ khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó, với sự tích cực và chuyên nghiệp của mình, lực lượng PCCC tại chỗ đã bảo vệ được 350m2 nhà xưởng, kho và nhà dân xung quanh.

Đó là một trong hàng trăm vụ cháy từ đầu năm đến nay được lực lượng tại chỗ khống chế thành công, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn. Có được kết quả đó, một phần quan trọng nhờ vào công tác huấn luyện kỹ năng PCCC tại các cơ sở được chú trọng; lực lượng PCCC tại chỗ tiếp tục phát huy được vai trò tích cực trong hoạt động PCCC, xử lý hiệu quả các nguy cơ phát sinh cháy nổ ban đầu, góp phần kéo giảm số vụ cháy, thiệt hại do cháy gây ra và các tai nạn, sự cố. 

Thường xuyên tham gia tuyên truyền cho người dân các khu dân cư, thượng úy Lê Quốc Thanh, Phòng Cảnh sát PCCC quận 11, cho rằng lực lượng PCCC tại chỗ chính là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Vì thế, việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho họ là vô cùng quan trọng; giúp công tác chữa cháy ban đầu đạt hiệu quả; giảm thiệt hại do cháy nổ, sự cố tai nạn gây ra.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Nắm rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, hàng năm, Cảnh sát PCCC TPHCM đã tổ chức hàng ngàn buổi tuyên truyền cho nhiều đối tượng khác nhau với các hình thức đa dạng, phong phú như phát tờ rơi, tổ chức các lớp tập huấn, các hoạt động đoàn thể, chương trình học đường, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hội thi nghiệp vụ PCCC và cứu hộ - cứu nạn, hội thi tiểu phẩm tuyên truyền... 
Ngoài ra, Cảnh sát PCCC đã đưa ra nhiều mô hình, sáng kiến trong công tác PCCC, như: “Phong trào 3 có: Có aptomat, có đèn pin hay đèn sạc, có phương tiện chữa cháy”; “Phong trào 3 biết: Biết xử lý các tình huống, biết các kiến thức PCCC, biết sử dụng bình chữa cháy”; “Phong trào 3 không: Không sử dụng bình gas mini, không sang chiết gas trái phép, không kinh doanh gas khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC” (quận 3); phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” (quận Gò Vấp) và nhiều phong trào khác như “Hiến đất mở rộng hẻm” (quận Phú Nhuận), “Tôn hóa, tường hóa” (quận 1, quận 3, quận Bình Tân), “Đăng ký không để xảy ra cháy” (quận 9), “Hộp thư PCCC” (quận 11)… Những mô hình, sáng kiến này đang được người dân ủng hộ và nhân rộng tại các khu dân cư trên địa bàn TP. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà (32 tuổi, ngụ tại 25/15 đường Cửu Long, phường 2, quận Tân Bình) cho biết: “Vì tâm lý “trời kêu ai nấy dạ” nên trước đây bản thân tôi không coi trọng công tác PCCC. Nhưng sau 2 lần tham gia lớp tập huấn an toàn PCCC do UBND phường tổ chức, suy nghĩ của tôi thay đổi hoàn toàn. Cả nhà giờ ai cũng hiểu phải có ý thức sắp xếp đồ đạc trong nhà cho gọn gàng, biết cách sử dụng thiết bị điện, cách sử dụng gas an toàn. Ngoài ra, còn mua sắm bình chữa cháy xách tay để đề phòng và kịp thời xử lý khi xảy ra cháy nổ”.

Những kết quả đạt được về công tác PCCC trong thời gian qua đã minh chứng cho chủ trương đúng đắn việc đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC. Tuy nhiên, bên cạnh đó, với việc nỗ lực không ngừng của cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền an toàn PCCC, vẫn còn một bộ phận người dân còn lơ là với công tác PCCC. Trong một số đợt tuyên truyền, các đơn vị Cảnh sát PCCC gặp khó khăn trong việc tổ chức, vận động người dân tham gia. Hoặc tham gia nhưng không chú ý lắng nghe,  khiến hiệu quả tuyên truyền không đạt kết quả như ý. 

Thiếu kiến thức về PCCC là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc xảy ra các vụ cháy gây chết người và thiệt hại lớn về tài sản. Nguyên nhân là do nạn nhân lúng túng, không biết cách sử dụng các thiết bị chữa cháy, tổ chức chữa cháy và đặc biệt là thoát nạn, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. “Cán bộ tuyên truyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về  PCCC cho người dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng hơn nữa. Bên cạnh đó, yêu cầu người dân phải bảo vệ mình bằng chính ý thức của mình. Đối với những trường hợp xem nhẹ công tác PCCC, cần cảnh báo, chấn chỉnh, tăng cường các chế tài xử phạt theo vi phạm PCCC”, đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục