Bất an ở bar vũ trường

Vụ cháy lớn xảy ra lúc 3 giờ sáng mới đây tại một quán bar trên đường Lý Thái Tổ (quận 3, TPHCM), tiếp tục gây thêm bất an trong cộng đồng về sự an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở những tụ điểm vui chơi, giải trí vào dịp cuối năm.

Nguy cơ nhan nhản 

Hàng trăm người dân sống xung quanh quán bar trên đường Lý Thái Tổ, quận 3, đã may mắn thoát nạn. Nhưng không phải vụ việc nào cũng gặp may như thế. Trước đó, tại một bar không tên ở tầng trệt khu vực Zone 9 (thuộc quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), chỉ trong vòng 30 phút xảy ra hỏa hoạn đã có 19 người phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu, trong đó có tới 6 người tử vong.

Ngay cả lực lượng cảnh sát PCCC cũng có 10 chiến sĩ được đưa đi cấp cứu do ngộ độc khói. Ngoài ra còn nhiều vụ cháy quán bar, vũ trường khác, mặc dù không gây chết người nhưng thiệt hại về tài sản rất lớn. Điển hình như vụ cháy khách sạn - vũ trường Golf ở TP Cần Thơ, quán bar Barocco ở TPHCM, vũ trường New Phương Đông ở TP Đà Nẵng, quán bar Shisha Night Club ở Hà Nội…

Thông tư 47/2015/TT-BCA ngày 6-10-2015 của Bộ Công an đã quy định rõ về đảm bảo an toàn PCCC tại các vũ trường, karaoke: Tường, vách ngăn và trần treo của đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang thoát nạn, các gian phòng tập trung đông người được thiết kế bằng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy hoặc khó cháy.

Hệ thống âm thanh, hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện và việc bố trí thiết bị này trong công trình bảo đảm các yêu cầu an toàn PCCC. Lối thoát nạn của công trình phải bảo đảm có không ít hơn 2 lối ra thoát nạn theo quy định tại QCVN 06:2010/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

Bất an ở bar vũ trường ảnh 1 Bar vũ trường là nơi giải trí của nhiều người vào mỗi cuối tuần
Vị trí lắp đặt biển quảng cáo không che kín cả nhà, công trình, che lấp các lối thoát nạn, ban công. Chủ cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke phải quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất dễ gây cháy nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt; thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; chất sinh lửa, sinh nhiệt; đồng thời, phải thường xuyên, định kỳ kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và có biện pháp khắc phục kịp thời... 

Mặc dù vậy, theo kết quả ghi nhận từ những đợt kiểm tra an toàn PCCC chuyên đề vũ trường, karaoke của lực lượng chức năng thời gian qua thì vẫn còn rất nhiều cơ sở thuộc nhóm đối tượng trên phớt lờ các quy định của pháp luật.

Trong đó, vi phạm phổ biến nhất tập trung vào các nội dung vừa nêu trên, như: vật liệu trang trí nội thất, tường cách âm, cách nhiệt sử dụng vật liệu dễ cháy; hệ thống điện, các nguồn sinh lửa, sinh nhiệt không được quản lý chặt chẽ; chỉ có một lối thoát nạn chung; biển quảng cáo lắp đặt che kín toàn bộ mặt tiền công trình...

Hậu quả của việc này là tình hình cháy nổ tại các vũ trường trên địa bàn cả nước thời gian qua diễn ra hết sức phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự xã hội. 

Tăng cường giám sát 

Để cuộc vui tại những vũ trường trong thời gian tới không còn kết thúc trong lửa khói, tro tàn và nước mắt, thiết nghĩ các bên liên quan cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại vấn đề này. Từ đó, thắt chặt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn PCCC vốn đang còn khá nhiều bất cập tại các vũ trường hiện nay.

Theo đó, ngoài việc tăng cường sự quản lý của chính quyền địa phương; đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền của lực lượng PCCC Công an TPHCM… các chủ cơ sở kinh doanh vũ trường phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm đối với việc phòng chống cháy nổ như tuân thủ nghiêm quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và văn bản khác của pháp luật có liên quan; các chủ cơ sở phải tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC cho người lao động làm việc tại cơ sở; tổ chức huấn luyện cho người lao động làm việc tại cơ sở biết sử dụng dụng cụ, phương tiện PCCC đã được trang bị; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện PCCC; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại cơ sở theo quy định; chấp hành việc hướng dẫn, kiểm tra an toàn về PCCC của cơ quan có thẩm quyền… 

Cách xử lý ở vũ trường, karaoke

1. Khi xảy ra cháy, người phát hiện bằng mọi cách phải báo ngay cho người xung quanh biết, đồng thời báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC qua số điện thoại 114.

2. Chủ cơ sở hoặc người được giao quản lý cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke huy động nhanh nhất lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý để dập tắt đám cháy và thực hiện các quy định sau đây:

- Tập trung cứu người, cứu tải sản và ngăn chặn cháy lan.
- Tổ chức bảo vệ tài sản, hàng hóa tại khu vực cháy.
- Chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy (nếu có).
- Tham gia bảo vệ hiện trường vụ cháy, cung cấp những thông tin liên quan về vụ cháy cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục