Bất an với con nghiện

Không chỉ cướp giật táo tợn trên đường phố, những ngày qua, phóng viên Báo SGGP liên tục tiếp nhận phản ánh của người dân thể hiện sự bức xúc, bất an trước nạn đối tượng nghiện liên tục giở trò làm tiền, cướp đoạt tài sản người dân.
Bất an với con nghiện

Không chỉ cướp giật táo tợn trên đường phố, những ngày qua, phóng viên Báo SGGP liên tục tiếp nhận phản ánh của người dân thể hiện sự bức xúc, bất an trước nạn đối tượng nghiện liên tục giở trò làm tiền, cướp đoạt tài sản người dân.

Trước quán ốc cạnh Ngân hàng ACB (đối diện Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM) chúng tôi ghi nhận mỗi ngày có khoảng 4 - 5 thanh niên tụ tập thu tiền khi khách đậu xe trên vỉa hè. Không chỉ thế, các thanh niên còn liên tục giở trò bằng cách chủ động va quẹt vào người đi đường rồi ăn vạ. Dù va quẹt sơ sơ nhưng người đi đường muốn yên thân phải đưa chúng từ 100.000 đồng trở lên. Theo nhiều người dân, nhóm thanh niên này nghiện ngập.

Con nghiện chích ma túy công khai tại Công viên 23-9. Ảnh: M.B.

Trong khi đó, chị Thanh Tuyền, làm việc tại Tạp chí Sức Khỏe (trụ sở tại quận 5, TPHCM) cho biết, vừa bị các đối tượng nghiện ma túy vào văn phòng đánh cắp điện thoại di động để trên bàn làm việc.

Chị Tuyền nhớ lại, khoảng 9 giờ sáng, chị và 3 đồng nghiệp đang làm việc thì một thanh niên chừng 27 tuổi, dáng cao, ốm, nước da xanh mướt trên tay cầm một xấp giấy tờ đẩy cửa bước vào nói giao tài liệu cho anh Thái. Cô tiếp tân bảo ở đây không có ai tên Thái thì thanh niên này bảo cho gặp quản lý. Khi được chỉ đến bàn làm việc của chị, thanh niên này đặt lên bàn chị mấy tờ giấy, trong đó có cả tờ rơi quảng cáo. Quan sát, chị thấy thanh niên này nhìn dáo dác xung quanh, linh tính mách bảo chị đây là kẻ lừa đảo.

“Tôi vội đứng dậy và mời anh ta ra ngoài vì ở đây không có ai tên Thái. Chị cầm xấp giấy tờ trả lại nhưng người này không lấy mà đi thẳng ra cửa. Ra khỏi cửa, thanh niên nói với một người khác ngồi trên xe chờ bên ngoài rằng đi nhầm địa chỉ rồi bỏ đi. Quay vào trong tôi mới phát hiện chiếc điện thoại để trên bàn gần xấp giấy tờ mà người thanh niên kia bỏ trên bàn đã không cánh mà bay”, chị Tuyền kể.

Không chỉ xông thẳng vào văn phòng, nhà dân trộm cắp, đối tượng nghiện còn dàn cảnh để cướp giật táo tợn giữa chốn đông người. Chị Ngọc Mai (nhà quận Tân Bình) bức xúc kể: “Lúc đó mới gần 6 giờ chiều, đang chạy xe tới vòng xoay lăng Cha Cả, tôi nghe phía sau có tiếng người nói: “Chị ơi rơi tiền”. Không quan tâm, tôi đi tiếp. Câu nói ấy lại vang lên to và gần hơn. Tôi nghĩ mình không để tiền ở ngoài nên chắc không phải nói mình.

Vừa sau đó, một người chạy xe lên chặn ngay đầu xe của tôi quát lớn: “Tao nói rơi tiền sao không dừng lại nhặt”. Tiếp đó một tên nữa chạy lên trước xe tôi. Tôi vội vàng quay ngược xe thì thấy 3 tên trên 2 xe chặn ở phía sau, nhìn tôi chằm chằm. Hốt hoảng tôi rẽ ngang tháo chạy trong tâm trạng hoảng loạn. Nếu không chạy kịp, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Một chiêu thức khác của các đối tượng nghiện là vờ hỏi đường rồi ép xe người dân vào lề, lấy kim tiêm có dính máu ra hù dọa để cướp hoặc xin đểu. Anh Ngọc Hiếu (nhà quận 6) cho biết mình vừa là nạn nhân của vụ xin đểu mà đối tượng là 2 tên nghiện đi xe máy có sử dụng kim tiêm. Sau khi anh lấy bóp ra định cho chúng ít tiền để được yên thân thì chúng đã nhanh tay cướp lấy rồi rồ ga chạy mất.

Từ thực tế trong công tác quản lý địa bàn, ông Trần Hữu Thành, Phó trưởng Công an phường Cầu Ông Lãnh (quận 1, TPHCM), nhận định, các đối tượng nghiện thực hiện hành vi cướp giật ngày càng liều lĩnh. Thậm chí, chúng còn dùng kim tiêm có dính máu đánh trả lực lượng công an, dân phòng khi bị truy đuổi. Về hình thức, chúng tạo ra những tình huống để người bị hại sơ hở và ra tay, như vờ làm quen, hỏi thăm đường, địa chỉ nhà… Chiêu trò đến các cơ quan, doanh nghiệp giả làm người đưa thư, chào hàng để lừa bảo vệ, công nhân viên sau đó trộm điện thoại, máy tính xách tay đang khá phổ biến. Vì thế người dân cần hết sức cảnh giác.

VÂN ANH - THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục