Bất an với tàu “già”

Một trong những loại phương tiện giao thông đường thủy liên quan trực tiếp đến tính mạng của nhiều người là tàu cánh ngầm. Đây là loại phương tiện vận chuyển hành khách với số lượng lớn từ TPHCM đi Vũng Tàu và ngược lại nhưng thường xuyên xảy ra sự cố khiến hành khách hoảng loạn.

Một trong những loại phương tiện giao thông đường thủy liên quan trực tiếp đến tính mạng của nhiều người là tàu cánh ngầm. Đây là loại phương tiện vận chuyển hành khách với số lượng lớn từ TPHCM đi Vũng Tàu và ngược lại nhưng thường xuyên xảy ra sự cố khiến hành khách hoảng loạn.

Bình quân mỗi ngày có khoảng 15 chuyến (ngày cao điểm có thể lên đến 30 chuyến) tàu cánh ngầm từ TPHCM đi Vũng Tàu và mỗi năm các tàu cánh ngầm chuyên chở trên 1 triệu lượt hành khách. Những năm qua, năm nào cũng xảy ra sự cố tàu cánh ngầm.

Theo Sở GTVT TP, từ đầu năm 2013 đến nay đã xảy ra 6 vụ TNGT đường thủy, làm chết 9 người. TPHCM có trên 200 cảng, bến, trong đó có 4 cảng lớn: Sài Gòn, Tân Cảng, Bến Nghé và Nhà Bè; hơn 40 bến đò lớn nhỏ vận chuyển hành khách. Từ năm 2011 đến đầu 2013 đã kiểm tra, xử phạt hơn 75.000 vụ vi phạm, thu 18 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động của 11 bến thủy.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết, hiện có 14 tàu cánh ngầm của ba hãng Greenlines, Vina Express và Petro Express hoạt động trên tuyến TPHCM và Vũng Tàu. Trong đó, nhiều tàu sử dụng quá lâu, không thay thế máy móc gây các sự cố, tai nạn trong hoạt động vận tải chở khách bằng tàu cao tốc. Các tàu cánh ngầm đang hoạt động trên địa bàn đều có thời gian sử dụng trên 20 năm nhưng không thể cấm các con tàu già nua này hoạt động vì Luật Giao thông đường thủy nội địa không quy định niên hạn sử dụng.

Các tàu cánh ngầm thường mắc các lỗi như nhân viên phục vụ không biết sử dụng phao cứu sinh, cửa thông gió khoang hành khách không kín nước, không có bảng hướng dẫn sử dụng phao cứu sinh. Nguy hiểm hơn là thuyền viên không biết sử dụng thiết bị chữa cháy khi tàu gặp hỏa hoạn.

Ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP) cho rằng, tàu cánh ngầm hoạt động tuyến TPHCM - Vũng Tàu và ngược lại còn tồn tại các hạn chế cần khắc phục ngay như máy móc cũ kỹ, chở quá tải... Các tàu cánh ngầm phải được đem đi kiểm định vỏ, máy móc hàng năm đạt yêu cầu mới được phép lưu thông. Tuy nhiên, hiện nay một số tàu cánh ngầm chưa đảm bảo sự an toàn cho hành khách, thời gian qua thường xuyên chết máy. Sở chỉ kiểm tra về số lượng hành khách, áo phao, bằng cấp của lái tàu và một số quy định bề ngoài của vỏ tàu. Về độ an toàn của máy và kiểm định hay đăng kiểm thuộc về Cục Đăng kiểm Việt Nam. Chi cục Đăng kiểm 6 cho rằng, có nhiều sự cố như lỗi kỹ thuật của máy khiến tàu đang chạy thì máy bị tắt đột ngột, tàu đang chạy bị vướng vào các vật cản ở dưới nước như rác... Có trường hợp tàu chạy trên tuyến đâm nhau do sự chủ quan của người điều khiển phương tiện, đây là sự cố nguy hiểm nhất.

Thực tế thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn do tàu bị hỏng máy và trôi dạt trên hành trình. Hơn nữa, trên hành trình từ Vũng Tàu - TPHCM các tàu cánh ngầm phải đi qua vịnh Gành Rái, nơi giao thoa giữa vùng sông và biển, thường có sóng to gió lớn, nhất là vào mùa mưa bão và có nhiều tàu bè qua lại. Nếu xảy ra sự cố và tai nạn thì hậu quả sẽ rất khó lường... Hiện nay, TPHCM đang thiếu bến đậu, nên nhiều tàu thuyền đỗ không đúng quy định. Tình trạng lấn chiếm bờ sông, kênh rạch đã gây ra nhiều vụ tai nạn nhưng chưa xử lý triệt để. Trong khi đó nhiều quận, huyện chưa quan tâm đúng mức tới công tác xử lý lấn chiếm sông rạch.

UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở GTVT, Công an TP và UBND các quận, huyện có sông nước trên địa bàn TP có trách nhiệm phối hợp, thường xuyên tăng cường kiểm tra trang bị an toàn và điều kiện hoạt động của phương tiện thủy nội địa trên địa bàn theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, kể cả đình chỉ hoạt động nếu không trang bị đầy đủ điều kiện an toàn, không bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện hoặc lái tàu ghe không có chứng chỉ hành nghề chuyên môn phù hợp.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục