Bất cập giấy phép 1 năm

Những ngày qua, giới nghệ sĩ hoạt động sân khấu hoang mang, lo lắng vì phát hiện Nghị định 15/2016/NĐ-CP quy định thời hạn hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa chỉ 12 tháng.
Nghị định 15/2016/NĐ-CP được ban hành vào ngày 15-3-2016, là nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012, quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2016 với nội dung cụ thể được sửa đổi ở điều 6 (khoản d) về hiệu lực của giấy phép như sau: “Giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp hạn chế về địa điểm biểu diễn quy định trong giấy phép. Thời hạn có hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình ca, múa, nhạc tối đa 6 tháng và giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa 12 tháng”. Như vậy, từ thời điểm này trở đi, tất cả những vở diễn sau khi phúc khảo sẽ chỉ được cấp phép biểu diễn đúng 1 năm. Khi các sân khấu có nhu cầu tiếp tục trình diễn thì bắt buộc phải xin cấp phép lại. 

Việc hạn chế về thời gian cấp phép biểu diễn các tác phẩm sân khấu, được hiểu bao gồm cả sân khấu cải lương, kịch nói, hát bội… đang gây nhiều phản ứng, bức xúc, bất bình trong giới nghệ sĩ. Trước khi NĐ 15/2016/NĐ-CP được ban hành, các vở diễn chỉ cần được Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) Sở VH-TT duyệt một lần, dựa trên tiêu chí: Vở diễn không có sai phạm gì về chính trị, đạo đức, thuần phong mỹ tục; với những tác phẩm sân khấu chưa được chỉn chu, còn “sạn”, HĐNT sẽ góp ý thêm về chuyên môn để ê kíp thực hiện hoàn thiện vở diễn, sau đó vở được cấp phép, công diễn. Đó chính là giấy phép không thời hạn và các sân khấu cứ thế biểu diễn tác phẩm liên tục trong nhiều năm, hoặc công diễn một thời gian, tạm ngưng biểu diễn, rồi sau đó tái diễn, đáp ứng theo nhu cầu hoạt động thực tiễn và thị hiếu của khán giả. 

Có vài trường hợp, một vở diễn đã được cấp phép nhưng HĐNT phải kiểm duyệt lại thì nguyên nhân chủ yếu là do vở diễn đã được một sân khấu khác dàn dựng theo phiên bản mới, hoặc do các ông bà “bầu” sân khấu muốn khẳng định tác phẩm đã thuộc về sân khấu mình.

Trở lại với việc giấy phép biểu diễn chỉ được gia hạn trong vòng 1 năm, đó là khi có sân khấu xã hội hóa bị nhắc nhở phải đăng ký lại vở đang công diễn vì “hết phép”. Thông tin lan đi nhanh chóng, nhiều nghệ sĩ sân khấu xã hội hóa hoang mang, bất bình, vì nghị định ban hành cả năm, nhưng không mấy ai biết. Ngay cả các thành viên HĐNT Sở VH-TT cũng bày tỏ sự ngạc nhiên với thời hạn cấp phép vở diễn sân khấu của Nghị định 15/2016/NĐ-CP. 

Thực tế, một vở diễn sau khi được cấp phép tổ chức biểu diễn, tuổi thọ dài hay ngắn phụ thuộc vào sự ủng hộ của khán giả. Nếu khán giả chê, vở diễn chỉ diễn vài suất là xếp kho, nếu được công chúng yêu thích, ủng hộ thì diễn suốt nhiều năm. Thế nên, việc cấp giấy phép biểu diễn cho các tác phẩm sân khấu chủ yếu mang tính chất quản lý của cơ quan quản lý văn hóa. Bên cạnh đó, nếu các vở diễn có vấn đề sau khi được cấp phép thì phải có công tác hậu kiểm sao cho chính xác, hiệu quả. Thế nên, việc gia hạn thời gian giấy phép biểu diễn là một bất cập, gây thêm nhiều khó khăn cho những người làm sân khấu hiện nay.

Tin cùng chuyên mục