Bất cập phân loại rác tại nguồn

Sau hơn nửa tháng thực hiện Quyết định 44/2018 của UBND TPHCM về phân loại rác tại nguồn, việc phân loại, thu gom rác vẫn còn nhiều trở ngại, lúng túng từ người dân, chính quyền và cả lực lượng thu gom rác.

Người dân: Có nghe nhưng chưa “thông”

Một buổi sáng gần giữa tháng 12-2018, sau khi đi chợ về, bà Nguyễn Thị Diễm (ngụ phường 4 quận 4) bày rau, củ, thịt, cá ra các thau, rổ. Các túi ni lông đựng đồ, bà chọn ra cái nào sạch thì giữ lại, cái nào dơ bà cho vào một túi cùng với gốc rau, đầu cá và bỏ túi rác vào thùng đựng rác ngoài sân.

Bà Diễm cho hay có nghe hàng xóm truyền tai nhau về quy định phân loại rác tại nguồn, nhưng chưa thấy tổ trưởng, chính quyền phổ biến.

Do đó, bà vẫn đựng rác thải như thói quen lâu nay. Bà Diễm phân trần: “Tôi có nghe nói phải dùng những túi màu khác nhau để đựng các loại rác và chứa trong các thùng rác khác màu. Nhưng nhà tôi nhỏ quá, nếu để 3 thùng rác thì chật chội lắm. Mà đâu ai hướng dẫn nên tôi cũng chưa biết phân loại như thế nào cho đúng”.

Tại các khu phố của phường 8 quận 4, chúng tôi cũng nhận thấy hầu hết trước cửa nhà các gia đình cũng dùng một thùng rác, chứa tất cả các loại rác từ thực phẩm, túi ni lông, chai nhựa, chai thủy tinh… Sau đó, người thu gom đến từng nhà để lấy, đổ tất cả rác vào một chiếc chiếc xe ba gác.

Bà Trần Thị Thủy, một người thu gom rác dân lập tại quận 4, cũng cho biết chưa được phổ biến về việc phải phân loại rác cũng như chưa được tập huấn về cách phân loại. Vì thế, 2 vợ chồng bà vẫn dùng một chiếc xe và thu gom rác như cả chục năm qua.

Bất cập phân loại rác tại nguồn ảnh 1 Sự chưa chuẩn hóa phương tiện thu gom rác, nhất là hệ thống rác dân lập, là nguyên nhân chính dẫn đến việc phân loại rác tại nguồn gặp nhiều khó khăn. (Trong ảnh: Thu gom rác bằng xe thô sơ). Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Trong khi đó, bà Trần Thanh Mai (phường Tân Thành, quận Tân Phú) khẳng định gia đình bà đã hưởng ứng ngay sau khi nghe thông tin về việc phải phân loại rác tại nguồn.

Bà Mai cho biết, việc này cũng nhằm giúp cho các con nhỏ của bà có ý thức phân loại rác để bảo vệ môi trường. Cụ thể, gia đình bà Mai dùng 2 thùng rác cùng túi màu khác nhau và hướng dẫn con cách phân loại.

“Nghe nói phải phân thành 3 loại rác, nhưng nay chưa được hướng dẫn nên gia đình tôi phân 2 loại. Bước đầu vẫn còn loay hoay nhưng tôi tin dần dần cả nhà sẽ có thói quen tốt này. Nhưng các hộ chung cư như tôi phải bỏ vào một đường ống gom rác. Do đó, các túi rác từ tầng cao trượt xuống sẽ rách toạc và như thế, công gia đình tôi phân loại rác cũng tan biến”, bà Mai băn khoăn.

Đó cũng là thắc mắc chung của nhiều người dân sống tại chung cư, có ý thức trong việc phân loại rác tại nguồn. Ngay cả tại phường Bến Nghé (quận 1) - một địa phương tích cực vận động người dân ở 27 chung cư (đều là chung cư cũ) phân loại rác tại nguồn - cũng gặp khó tương tự.

Chính quyền: “Khó thay đổi ý thức người dân”

Hơn nửa tháng qua, ghi nhận của phóng viên Báo SGGP trên các tuyến đường lớn trên địa bàn TPHCM, công tác phân loại rác vẫn chưa thật sự có chuyển biến. Trên các tuyến đường có bố trí thùng rác để người dân qua lại bỏ rác cũng chỉ có một loại thùng, chứ chưa bố trí các thùng rác hai ngăn cùng dòng chữ hướng dẫn để phân loại.

Tại các điểm tập kết rác, chúng tôi cũng chưa ghi nhận được các xe rác chuyên dụng có dòng chữ phân loại rác, dù đây là một yêu cầu được lãnh đạo thành phố, cũng như người dân thường xuyên đề cập.

Nói về khó khăn khi thực hiện Quyết định 44 của UBND TPHCM, nhiều quận/huyện cho rằng ngoài gặp khó trong việc thay đổi ý thức của người dân thì khâu thu gom rác đang là mấu chốt của vấn đề.

Cụ thể, lực lượng thu gom rác dân lập chưa chuyên nghiệp đã góp phần kéo giảm hiệu quả của chương trình. Từ đó, các quận/huyện đề xuất cần nhanh chóng chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các công ty, hợp tác xã hoặc liên minh hợp tác xã, phải có tổ chức rõ ràng, hoạt động có quy chế, có chế tài, người lao động có hợp đồng, thu nhập ổn định, được trang bị bảo hộ lao động, có chế độ chính sách về bảo hiểm… “Phải chuyên nghiệp từ con người, sẵn sàng về phương tiện thì mới có hiệu quả”, đại diện một địa phương phân tích.

Nhất trí với những ý kiến trên, ông Quách Kiều Long, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận 3, cho biết mỗi ngày trên địa bàn quận phát sinh 190 - 200 tấn rác thải sinh hoạt và lực lượng thu gom rác dân lập chiếm 60% lao động thu gom rác trên địa bàn.

Quận đã triển khai quy định phân loại rác tại nguồn đến toàn bộ người dân trên địa bàn nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Theo ông Long, khâu thu gom, vận chuyển của lực lượng thu gom rác dân lập là vấn đề cần được quan tâm, giải quyết để đạt được mục tiêu phân loại rác theo yêu cầu của thành phố.

“Người trực tiếp thu gom rác dân lập thường làm việc không ổn định, hoạt động tự phát không theo một quy chế nào, nên khó quản lý. Vì vậy, để đạt mục tiêu năm 2020 toàn thành phố sẽ thực hiện phân loại rác tại nguồn thì cần “chuyên nghiệp và ổn định” lực lượng thu gom rác này”, ông Long nhấn mạnh.

Trong khi đó, công ty dịch vụ công ích của một số quận/huyện thì cho rằng việc trang bị và phân loại thùng thu gom, xe vận chuyển theo từng nhóm rác thải không chỉ gây khó khăn về kinh phí mà còn khó khăn trong việc tìm điểm tập kết thùng và xe rác.

Một số đơn vị thu gom rác cũng đề xuất thành phố có phương án giảm lãi suất vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường và kéo dài thời gian cho vay để các đơn vị thu gom rác có điều kiện vay vốn, đổi mới phương tiện thu gom rác cho phù hợp tiêu chuẩn.

Mặc khác, nhiều đơn vị này cũng khẳng định, việc thu gom rác theo ngày chẵn - lẻ (theo Quyết định 44/2018) đã vấp phải không ít phản đối của người dân, đặc biệt là việc lưu lại rác thực phẩm trong nhà 2 ngày làm bốc mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường. 

Bà NGÔ NGUYỄN NGỌC THANH, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT TPHCM): Phải tuyên truyền đến từng hộ dân

Hiện nay hiệu quả công tác tuyên truyền không xả rác bảo vệ môi trường nói chung và phân loại rác tại nguồn chưa cao, bởi chưa tiếp cận được đối tượng cần tuyên truyền.

Một phần do trong các cuộc họp tổ dân phố ở các địa phương đều chỉ có người già đi họp, một số gia đình có điều kiện thì người giúp việc đi họp, do đó đối tượng cần tuyên truyền là các chủ hộ gia đình thì chúng ta chưa tiếp cận được.

Mặt khác, dân số ở TPHCM khoảng trên 8 triệu dân nhưng lượng người có mặt mỗi ngày trên địa bàn thành phố là hơn 13 triệu người, như vậy tính ra hơn 5 triệu người ở nơi khác tới sinh sống và làm việc nhưng chúng ta cũng khó tiếp cận được nhóm đối tượng này, trong khi đó đây là nhóm đối tượng cần quan tâm, giám sát về vấn đề xả rác và phân loại rác. 

Do đó, để công tác tuyên truyền có hiệu quả, các ngành, các cấp và các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, có phương án tới tuyên truyền sâu, rộng vào từng hộ gia đình, từng cơ quan, trường học và các cơ sở sản xuất, kinh doanh…

PGS-TS VÕ LÊ PHÚ, Phó Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên Trường Đại học Bách khoa TPHCM: Cần có trang thiết bị thu gom đúng chuẩn

Theo tôi, mấu chốt của việc phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả còn do công tác thu gom, xử lý rác chưa thuyết phục người dân. Trong khi người dân bỏ thời gian và công sức phân loại rác tại nhà thì người đi thu gom rác lại đổ chung vào một xe, rồi rác đó được xử lý thế nào cũng chưa được công khai.

Như vậy, vô hình trung làm mất ý nghĩa của công tác tuyên truyền. Để triển khai một việc gì đó, thông thường sẽ phải chuẩn bị trước về hạ tầng, về phương pháp và trang thiết bị.

Nếu thành phố chưa có hạ tầng, chưa thay đổi được phương pháp thu gom rác, chưa triển khai được cơ sở xử lý rác thải thì chưa nên vận động người dân phân loại rác tại nguồn.

Với Quyết định 44/2018 của UBND TPHCM có hiệu lực, ngoài việc triển khai theo quyết định về thay mới phương tiện thu gom thì tôi nghĩ thành phố còn cần công khai quy trình xử lý rác thải, thông tin cho người dân biết rõ với chất thải tái chế được xử lý ở đâu, thành phẩm là gì, hiệu quả như thế nào.

Ông VÕ QUỐC HƯNG, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, quận 1: Tuyên truyền để người dân thấy ý nghĩa thật sự

Thói quen của người dân là bỏ rác mỗi ngày, hơn nữa trên địa bàn phường có nhiều nhà hàng, cao ốc, quán ăn, còn nhà dân thì diện tích nhỏ hẹp, nên việc lưu rác trong 2 ngày theo quy định của Quyết định 44 để chờ thu gom là điều rất khó thuyết phục. 

Ngoài ra, cư dân trên địa bàn phường không nhiều, chủ yếu là cư dân nơi khác tới làm việc, học tập, nên công tác tuyên truyền khó tiếp cận được với lực lượng này.

Dưới góc độ của phường, từ việc trực tiếp tuyên truyền, tiếp xúc với người dân, chúng tôi thấy rằng bằng hình thức nào đó, thành phố cần phải cho người dân thấy được ý nghĩa của việc phân loại rác, rác thải sẽ được xử lý như thế nào, dùng vào việc gì. Có thể tổ chức tham quan nhà máy xử lý rác trực tiếp hoặc gián tiếp qua phim ảnh, từ đó mới tác động được vào ý thức của người dân.

Tin cùng chuyên mục