Bất cập quy định xử lý vi phạm giao thông trên đường cao tốc

Sự việc đáng tiếc xảy ra trên Km25+600 cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên ngày 15-9 khiến tài xế xe Lexus Nguyễn V.H. tử vong do xe tải đâm từ phía sau trong khi xuống xe làm việc với CSGT đặt ra nhiều câu hỏi: CSGT có được quyền dừng xe vi phạm trên cao tốc? Quy định về dừng xe, biển báo tín hiệu như thế nào?  
Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên
Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

Theo Thông tư số 01/2016 quy định về quyền hạn của cảnh sát giao thông (CSGT) và Thông tư 03/2016 quy định về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên đường cao tốc của CSGT, CSGT dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu: an toàn, đúng quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông; khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Còn theo Khoản 1 Điều 12, Luật Giao thông đường bộ 2008, việc dừng xe trên đường cao tốc sẽ gây mất an toàn giao thông đường bộ, có thể gây mất an toàn cự ly tối thiểu giữa hai xe.

Về việc này, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, có sự mâu thuẫn trong các quy định. CSGT có quyền tuần tra, kiểm soát giấy tờ, phương tiện tham gia giao thông theo các phương thức tuần tra, kiểm soát cơ động, một điểm hoặc kết hợp trên đường cao tốc trong khi Điều 5, Thông tư 03/2016 lại yêu cầu bảo đảm an toàn, đúng quy định pháp luật là không khả thi thực tế.

“Chúng ta đều biết các phương tiện trên đường cao tốc thường di chuyển với tốc độ cao, có thể dao động 100-120km/giờ tùy thuộc vào từng tuyến đường. Với việc phương tiện giao thông di chuyển nhanh như vậy mà CSGT bất ngờ yêu cầu người điều khiển phương tiện phải dừng lại đột ngột thì có thể gây tai nạn cho chính người đang điều khiển phương tiện và những xe đang đi với tốc độ nhanh ở phía sau, thậm chí nguy hiểm cho cả những đồng chí cảnh sát giao thông đang thực thi nhiệm vụ”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Luật sư này cho rằng, việc dừng xe trên đường cao tốc như trên còn mâu thuẫn, đi ngược lại quy định về tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cũng như quy định về khoảng cách giữa hai xe đươc ghi nhận tại Khoản 1 Điều 12 Luật Giao thông đường bộ 2008, gây mất an toàn.

Cũng theo luật sư Trần Tuấn Anh, sự việc tài xế chiếc xe Lexus vừa qua trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bị tử vong do xe tải đâm từ phía sau là tai nạn đáng tiếc, bộc lộ những bất cập trong quy định hiện hành.

“Để xảy ra vụ việc trên, có lẽ cần xem xét trách nhiệm của tổ công tác CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông liên quan đến vụ việc. Mặc dù quy định pháp luật cho phép tổ công tác được xử phạt trên đường cao tốc, tuy nhiên, vì việc xử phạt đã gián tiếp dẫn đến cái chết của thương tâm tài xế xe Lexus nên tổ công tác CSGT, tài xế xe tải gây tai nạn sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho người bị hại”, ông Trần Tuấn Anh nói thêm.

Cùng quan điểm, luật sư Bùi Đính Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, CSGT được dừng xe vi phạm trên đường cao tốc trong các trường hợp phát hiện phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vị trí dừng các phương tiện ở đâu? Nếu trên đường cao tốc việc dừng xe vi phạm lực lượng CSGT phải đảm bảo ở các vị trí nhất định được cho phép.

“Việc dừng xe xử lý vi phạm phải đảm bảo tầm nhìn thông thoáng cho các phương tiện giao thông khác, không gây cản trở cho các phương tiện tham gia giao thông. Nếu trên đường cao tốc phải dừng đỗ trên các làn đường khẩn cấp. CSGT được quyền dừng đỗ các phương tiện vi phạm trên đường cao tốc nhưng không phải vị trí nào cũng được dừng xe. Trường hợp vừa qua trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là sự việc cụ thể, dừng xe cần đảm bảo khoảng cách, khi dừng đỗ các phương tiện trên đường phải bật đèn cảnh cáo, đèn tín hiệu” - luật sư Bùi Đính Ứng cho hay.

Ông Ứng lưu ý thêm: “Cũng có trường hợp CSGT dừng xe kiểm tra trên các làn đỗ khẩn cấp, không đặt biển cảnh báo, không bật đèn tín hiệu cảnh báo mà phương tiện giao thông khác đâm vào thì đó là lỗi hỗn hợp, trách nhiệm này là chung. Để xác định được lỗi trong trường hợp trên cần xem CSGT có bật đèn tín hiệu hay không. Bên cạnh đó, phải xem phương tiện dừng đỗ bị kiểm tra có bật đèn tín hiệu không để cảnh báo, nếu không bật đèn cũng có lỗi của xe vi phạm”.

Theo các luật sư, bài được rút ra qua sự việc trên không chỉ với những nhà làm luật (trong việc xem xét, nghiên cứu và sửa đổi những bất cập còn tồn tại trong các quy định) mà còn với những người thực thi pháp luật. CSGT khi xử lý các hành vi vi phạm giao thông không nên áp dụng một cách cứng nhắc mà có thể vận dùng pháp luật một cách linh hoạt. Làm sao có thể đảm bảo hành vi vi phạm được xử lý kịp thời mà vẫn đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, đối với người tham gia giao thông khi lưu thông trên đường cao tốc cũng cần chấp hành đúng quy định pháp luật giao thông đường bộ về tốc độ, khoảng cách để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh. 

Tin cùng chuyên mục