Bất cập trong quản lý phòng cháy chữa cháy

Sáng 10-5, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì phiên họp giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn thành phố.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì phiên họp
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì phiên họp

Chưa nghiệm thu PCCC, chung cư đã cho dân vào ở

Ông Trương Lâm Danh, Ban Pháp chế HĐND TPHCM, băn khoăn tình trạng chung cư chưa nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư bất chấp nguy hiểm, đưa dân vào ở diễn ra phổ biến, nhiều vụ cháy chung cư xảy ra xuất phát từ nguyên nhân này. Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết theo quy định, công trình xây dựng nói chung, chung cư nói riêng, khi chưa nghiệm thu PCCC thì không được đưa vào vận hành, kể cả kinh doanh hay cho dân vào ở. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn vi phạm. Thời gian qua, ngành PCCC TP đã phối hợp với các quận huyện nghiên cứu nhiều hướng xử lý, trong đó có việc đình chỉ và tạm đình chỉ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc đình chỉ gặp nhiều khó khăn, chưa thể triển khai. “Nếu đình chỉ, không để chung cư vận hành, cư dân sẽ ở đâu?”, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng phân trần. 

Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng cho biết, hiện nay lực lượng cảnh sát PCCC thành phố có 10 xe thang, trong đó xe thang cao nhất 75m. Thực tiễn công tác chữa cháy cho thấy xe thang là phương tiện hỗ trợ chữa cháy đắc lực, tuy nhiên không phải là giải pháp duy nhất. Đối với các tòa nhà cao tầng, trong thiết kế được thẩm duyệt, cơ quan chức năng đã tính đến phương án chữa cháy, cứu nạn. Trường hợp tòa nhà xảy ra cháy ở vị trí cao hơn xe thang, lính cứu hỏa sẽ sử dụng hệ thống thang này để phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn. Do đó, việc chữa cháy ở các đám cháy trên cao không phải phụ thuộc hoàn toàn vào xe thang.

Giải trình về việc nhiều chung cư cũ trên địa bàn thành phố xảy ra cháy trong thời gian gần đây, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng cho biết thành phố hiện có 474 chung cư cũ, xây dựng trước khi có Luật PCCC. Hầu hết các chung cư này vi phạm PCCC nhưng công tác khắc phục rất chậm. “Có chung cư không thể khắc phục bởi không có ban quản lý, ban quản trị, cư dân đa phần là người lao động có thu nhập thấp, không có kinh phí”, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng nêu thực tế.

Thắt chặt kiểm soát địa bàn

Kết luận phiên họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh vai trò của việc tuyên truyền công tác PCCC. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ khẳng định cháy nổ còn xảy ra nhiều chủ yếu do người dân thiếu ý thức, chưa nhận thức rõ mối nguy hiểm từ hiểm họa này. Do đó, thời gian tới công an TP và các sở ngành phải phối hợp chặt chẽ hơn, nâng cao hiệu quả từ việc tuyên truyền.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị Công an TPHCM phải thắt chặt hơn trong quản lý, giám sát, theo dõi địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm ngay khi mới phát sinh. Trong đó cần tập trung xử lý vi phạm về PCCC, thoát nạn ở các chung cư, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh hóa chất, các khu vui chơi, giải trí, nơi tập trung đông người. Phải tham mưu cho UBND TPHCM xử lý triệt để các vi phạm nghiêm trọng như chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở chung cư. Riêng Công an TPHCM phải chủ động rà soát, phối hợp với ngành cấp nước thành phố sớm nghiên cứu, trình thành phố bộ định mức trụ nước cứu hỏa, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, lắp mới. 

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ lưu ý, ngành điện thành phố phải có trách nhiệm hơn trong việc chung tay phòng ngừa cháy nổ. Không lấy lý do chỉ vì quản lý từ nguồn điện đến đồng hồ mà làm ngơ với các trường hợp, hộ dân sử dụng điện không an toàn, vi phạm về PCCC trong sử dụng điện.

Tin cùng chuyên mục