Bất lực nhìn tôm chết

Tình trạng tôm chết ở các tỉnh ĐBSCL ngày càng lan rộng khiến hàng loạt hộ nuôi tôm mất ăn mất ngủ. Mặc dù các ngành chức năng đang nỗ lực khống chế dịch bệnh nhưng tôm vẫn chết. Ngoài chuyện thiệt hại tiền tỷ, còn mối lo lớn nhất hiện nay là môi trường nuôi bị nhiễm độc do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Bất lực nhìn tôm chết

Tình trạng tôm chết ở các tỉnh ĐBSCL ngày càng lan rộng khiến hàng loạt hộ nuôi tôm mất ăn mất ngủ. Mặc dù các ngành chức năng đang nỗ lực khống chế dịch bệnh nhưng tôm vẫn chết. Ngoài chuyện thiệt hại tiền tỷ, còn mối lo lớn nhất hiện nay là môi trường nuôi bị nhiễm độc do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật…

  • Vô phương cứu chữa

Xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang có diện tích tôm chết nhiều nhất tỉnh Trà Vinh. Không chỉ hộ nuôi mới bị thiệt hại, ngay cả những người nuôi có kinh nghiệm lâu năm cũng chịu chung số phận. Ông Nguyễn Văn Út, ở ấp 5 xã Mỹ Long Nam, một trong những “tỷ phú tôm” ở vùng này, chua chát nói: “Chưa bao giờ người nuôi tôm khốn đốn như năm nay, tôm vừa thả nuôi được 2 tuần trở lên là bắt đầu chết mà không cách nào trị được”.

Vụ này ông Út thả 220.000 con giống chưa đầy 1 tháng tuổi đã chết sạch, thiệt hại 120 triệu đồng. UBND xã Mỹ Long Nam, cho biết toàn xã thả được gần 620ha tôm, thì 90% diện tích có tôm chết, mức thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay. Theo thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT Trà Vinh, ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành có hơn 4.400ha tôm chết, ước thiệt hại hơn 400 tỷ đồng.

Nhiều nông dân nuôi tôm ở ĐBSCL bị thiệt hại do sử dụng thuốc có nguồn gốc thảo dược. Ảnh: SONG HỶ

Nhiều nông dân nuôi tôm ở ĐBSCL bị thiệt hại do sử dụng thuốc có nguồn gốc thảo dược. Ảnh: SONG HỶ

Tại Bạc Liêu, đến nay có hơn 3.440ha tôm chết, nhiều nông dân gọi đây là mùa “tôm đắng”. Ông Nguyễn Văn Cảnh, ở huyện Giá Rai, thở dài: “Tôm chết nhiều quá làm nông dân bất an, không biết đâu mà lường và cũng không dám thả nuôi tiếp. Hiện tại nhiều hộ đã cạn vốn, trong khi nợ ngân hàng đang bị siết chặt, vụ tôm này tiếp tục thất trắng thì nông dân nguy mất”.

Nếu như mọi năm trước, tôm chết tập trung chủ yếu vào mô hình nuôi công nghiệp hoặc bán công nghiệp, nay mô hình nào cũng… chết, kể cả tôm nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến - những mô hình được coi gần gũi với thiên nhiên và ít rủi ro. Điều này cho thấy nghề nuôi tôm đang bất ổn. Tại Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau… tình trạng tôm chết ở mức báo động. Không chỉ tôm sú chết mà tôm thẻ chân trắng cũng chết đầy đồng, có hộ thả 2- 3 đợt vẫn chết mà không cách điều trị.

  • Hệ lụy... môi trường

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, hiện tượng tôm chết năm nay khác thường so các năm trước. Tôm chết kéo dài và liên tục phần lớn do triệu chứng teo gan tụy. Đặc biệt, tôm chết ở những vùng độ mặn cao và vùng nuôi thâm canh. Một vấn đề đáng lưu ý là sự tự mãn của người nuôi sau nhiều vụ tôm thắng lớn đã bỏ đi ao lắng lọc, mà trực tiếp lấy nước từ môi trường công cộng, xử lý hóa chất trong ao nuôi nên dẫn đến hệ lụy xấu cho môi trường.

Đáng lo ngại là nhiều hộ lạm dụng hóa chất diệt cá tạp, giáp xác… có nguồn gốc của thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã làm cho nhiều đồng tôm bị “lão hóa”, đất nuôi tôm nhiễm độc, góp phần phát sinh dịch bệnh. Tại Trà Vinh, kết quả phân tích dư lượng thuốc BVTV của Trung tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam, cho thấy nồng độ vượt quá giới hạn cho phép.

Cụ thể, 6 mẫu nước lấy tại các tuyến sông đầu nguồn: La Bang, Cầu Rạch Gốc, Thâu Râu, Long Vĩnh, Hiệp Mỹ, Long Toàn, qua phân tích đều phát hiện dư lượng thuốc BVTV Cypermethrin với các nồng độ dao động từ: 0,010 – 0,042µg/l, và 1 mẫu nước lấy từ ao tôm có sử dụng loại thảo dược EVIRO, phát hiện thuốc BVTV Cypermethrin với nồng độ 0,014 µg/l, Permethrin 0,008 µg/l. Nhiều hộ nuôi tôm ở Trà Vinh cũng thiệt hại nặng khi sử dụng thảo dược EVIRO của Công ty TNHH VIBO.

Những hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu thừa nhận, nếu sử dụng các loại thuốc xử lý ao nuôi theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp như Sapnoin, Chlorice… nông dân mất từ 5 - 6 triệu đồng/ha, trong khi sử dụng các loại thuốc BVTV khác chỉ tốn 300 - 400 ngàn đồng/ha. Do đó, nông dân cứ lạm dụng các loại thuốc BVTV cấm, giá rẻ… cuối cùng dẫn đến hậu quả.

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, tình trạng thuốc thú y thủy sản không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái… xuất hiện nhiều trên thị trường đang rất khó kiểm soát. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần phối hợp với công an, quản lý thị trường… nhằm tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận gây thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng xấu đến môi trường nuôi tôm bền vững. Bên cạnh đó, người nuôi cần nắm vững khi sử dụng thuốc BVTV, không nên lạm dụng, dùng thuốc không rõ nguồn gốc… 

Đ.CẢNH - S.HỶ 

Người nuôi tôm hùm thiệt hại nặng 

Ông Huỳnh Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, vừa cho biết: Tại Khánh Hòa, tính đến thời điểm này đã có khoảng 50 tấn tôm hùm nuôi bị chết (chủ yếu do bệnh sữa), ước thiệt hại cho người nuôi trên 50 tỷ đồng. Hiện nay, phác đồ mới điều trị bệnh sữa trên tôm hùm chỉ mới áp dụng thực nghiệm trên 10 hộ nuôi tại huyện Vạn Ninh. Kết quả còn chờ Bộ NN-PTNT thẩm định, đánh giá. Theo ông Khánh, hiện người nuôi tôm đang lạm dụng thuốc kháng sinh để chữa bệnh cho tôm.

Tại Phú Yên, thủ phủ nuôi tôm hùm cả nước, cũng lo lắng trước dịch bệnh trên tôm. Bà Trần Thị Ái Linh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, 100% hộ nuôi tôm hùm tại Phú Yên đều có tôm nhiễm bệnh, tùy theo mức độ nặng nhẹ. Cá biệt, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu có 6.800 lồng nuôi thì tất cả đều nhiễm bệnh, tôm chết có trọng lượng từ 0,3 – 1kg/con.

V.NGỌC

Tin cùng chuyên mục