Bát nháo đường vào đại học và hệ lụy - Bài 1: Tuyển sinh thời cạnh tranh

Chưa bao giờ các trường đại học, cả trường công lẫn trường tư thục, lại cạnh tranh rất gay gắt trong tuyển sinh như hiện nay. Từ việc quảng cáo, tư vấn trực tiếp và gián tiếp, tư vấn trực tuyến, đến cả hiệu trưởng cũng thức trắng đêm để tư vấn tuyển sinh. Thậm chí, có những trường còn “chi hoa hồng” trên mỗi thí sinh cho hiệu trưởng các trường THPT nếu có học sinh trúng tuyển vào trường.

Tính đến nay, cả nước có đến 235 trường đại học (170 trường công lập và 65 trường tư thục), chưa tính các trường, học viện khối an ninh, quốc phòng, thì có đến trên 90% số trường sử dụng phương án xét tuyển bằng học bạ THPT. Chưa dừng lại đó, phương thức tổ chức thi riêng, thi đánh giá năng lực đang được các trường áp dụng triệt để nhằm “vơ vét” thí sinh. Như vậy, việc hơn 900.000 thí sinh (lớp 12) trên cả nước và các hệ đào tạo thấp hơn (từ trung cấp đến cao đẳng) gần như đều có thể vào học đại học bằng một trong nhiều phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là chất lượng đào tạo có đảm bảo, trong khi tỷ lệ người có trình độ từ đại học đến thạc sĩ thất nghiệp vẫn cao và nguồn nhân lực lại luôn thiếu và yếu?  

Cửa vào đại học rộng mở

Hiện nay, câu nói “khó như thi đại học” dường như không còn xuất hiện, mà phải nói rằng “khó trượt đại học”. Bởi lẽ, thí sinh không trúng tuyển bằng phương thức này thì cũng sẽ trúng tuyển bằng phương thức khác!

Thực tế cho thấy, hiện nay trong tổng số 235 trường đại học thì gần như hơn 90% xét tuyển bằng học bạ THPT (trừ một số trường tốp trên như Y Hà Nội, Y Dược TPHCM…). Trung bình hiện nay mỗi trường có ít nhất từ 3 phương án tuyển sinh trở lên. Vì vậy, thí sinh có rất nhiều cơ hội học đại học.

Trường Đại học Công nghiệp TPHCM sau nhiều năm vẫn e dè với phương án xét tuyển học bạ THPT thì năm 2019 dành 10% - 30% trong tổng số 7.740 chỉ tiêu cho cả cơ sở TPHCM và Quảng Ngãi để xét tuyển bằng điểm học bạ lớp 12.

Như vậy trường này có 3 phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia 2019, xét tuyển học bạ lớp 12. 

Bát nháo đường vào đại học và hệ lụy - Bài 1: Tuyển sinh thời cạnh tranh ảnh 1 Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ THPT vào Trường Đại học Văn Hiến 

Theo PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban Đại học (Đại học Quốc gia TPHCM), trong năm 2019, Đại học Quốc gia TPHCM có tổng cộng 5 phương thức tuyển sinh cho các trường, khoa thành viên gồm: Xét tuyển thẳng (ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD-ĐT); Ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Đại học Quốc gia TPHCM dành cho học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu thuộc các trường đại học, tỉnh thành trên toàn quốc và những trường trong tốp 100 trường THPT có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất các năm từ 2015 đến 2018; Xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia 2019; Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, BI, A-level... đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các năm học ở THPT và có hạnh kiểm tốt.

Ngoài ra, Trường Đại học Quốc tế còn có thêm phương án thứ 6 là xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức. 

Với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngoài phương thức tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT, trường có thêm phương thức xét tuyển kết hợp (tuyển thẳng) với 2 đối tượng là: Thí sinh tham gia vòng thi tuần “Đường lên đỉnh Olympia” và có tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2019 của 3 môn bất kỳ (có môn Toán) đạt từ 18 điểm trở lên; Thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22-6-2019) đạt IELTS 6.5 trở lên, hay TOEFL ITP 550 trở lên, TOEFL iBT 90 trở lên và có tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2019 của môn Toán cùng 1 môn bất kỳ (trừ môn Tiếng Anh) đạt từ 14 điểm trở lên (gồm cả điểm ưu tiên). 

Trường Đại học Ngoại thương tuyển sinh theo 4 phương thức: Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; Xét tuyển thẳng.

Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng năm nay có đến 5 phương án tuyển sinh gồm: Xét học bạ THPT; Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019; Xét tuyển đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài; Xét kết quả kỳ thi do trường tổ chức; Xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM. 

Nhiều chiêu để hút thí sinh

Đến hẹn lại lên, vào cao điểm tuyển sinh đại học là các trường đồng loạt công bố chương trình học bổng để thu hút thí sinh. Xét về mặt tích cực, đây là chương trình ý nghĩa nhằm tiếp sức cho thí sinh giỏi, thí sinh hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện hoàn thành ước mơ đại học.

Song, mặt trái của những loại học bổng với không tới ở nhiều trường lại gây phản cảm khi đưa ra với mục đích chủ yếu là “câu” thí sinh, chứ không xuất phát từ cái tâm của môi trường sư phạm. Hàng loạt trường đại học như Quốc tế Hồng Bàng, Công nghệ TPHCM, Văn Hiến, Nguyễn Tất Thành, Gia Định, Kinh tế Tài chính TPHCM… luôn công bố các mức học bổng tuyển sinh đại học lên đến hàng chục tỷ đồng dành cho thí sinh xét tuyển vào trường.

Các mức học bổng mà những trường này hay dùng là 100%, 50% và 25%. Tuy nhiên, mức điểm mà những trường này đưa ra từ các năm 2017-2018 là “quá hớp” với thí sinh.

Bát nháo đường vào đại học và hệ lụy - Bài 1: Tuyển sinh thời cạnh tranh ảnh 2 Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ THPT vào Trường Đại học Văn Hiến

Một cán bộ tuyển sinh thổ lộ: Nhiều trường tư và cả trường công lập tại TPHCM còn cạnh tranh bằng “chiêu độc”, đó là có chính sách miễn giảm học phí 50% - 100% cho con em của hiệu trưởng các trường THPT, con em lãnh đạo các sở GD-ĐT ở các tỉnh, thành phố trúng tuyển vào trường.

Thậm chí, năm 2018, nhiều trường tư thục còn mạnh tay hơn khi “vét” thí sinh bằng cách chi hoa hồng cho hiệu trưởng, ban giám hiệu trường THPT trên mỗi học sinh lớp 12 đăng ký vào học. Nhiều trường công  cũng không chịu lép vế.

Có trường tại TPHCM tặng bằng “vinh danh” hiệu trưởng trường THPT vì “đã có thành tích có nhiều học sinh trúng tuyển và học tại trường”. Một cán bộ đi tư vấn tuyển sinh cho biết, có trường còn chơi chiêu bằng cách cho tiền, tặng quà cho học sinh để đứng lên đặt câu hỏi về ngành nghề đào tạo của trường, giúp ban tư vấn có cơ hội trả lời. 

Nguyên phó hiệu trưởng một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ: Hiện nay các trường tận dụng triệt để công nghệ thông tin và mạng xã hội để đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh.

Nhiều trường lập kênh truyền hình, YouTube để tư vấn trực tuyến, livestream để tư vấn, hiệu trưởng và cả ban giám hiệu cùng tư vấn tuyển sinh trực tuyến… Có trường còn thỏa thuận mức lương, hoa hồng cho các cán bộ phụ trách tuyển sinh, nhưng nếu tuyển sinh không đạt chỉ tiêu thì ngay lập tức bị thôi việc hoặc bị chuyển sang vị trí khác.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, mùa tuyển sinh năm 2019, bên cạnh việc sử dụng các phương thức như điểm của kỳ thi THPT quốc gia, điểm học bạ THPT thì nhiều trường sẽ sử dụng kỳ thi riêng để chọn lọc hoặc là làm phương thức xét tuyển độc lập. Với nhiều phương thức tuyển sinh như vậy thì cửa vào đại học dành cho thí sinh sẽ thêm rộng mở. Tuy nhiên, trước sự đa dạng về phương thức xét tuyển, thí sinh đừng quá ham, mà nên xác định rõ bản thân phù hợp với ngành nghề nào.

Tin cùng chuyên mục