Bát nháo tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ

Rất nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh nhưng số chương trình có ý nghĩa thì rất ít, đa phần chương trình đã bị biến tướng, thương mại hóa. 
Học sinh cần thêm nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp thiết thực (Trong ảnh: Tìm hiểu chương trình đào tạo tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM)
Học sinh cần thêm nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp thiết thực (Trong ảnh: Tìm hiểu chương trình đào tạo tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM)
Cùng với đổi mới thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), những năm gần đây thông tin tuyển sinh của các trường liên tục điều chỉnh, thay đổi nên nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt thông tin của thí sinh là rất lớn. Nắm bắt nhu cầu này, rất nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh được ra đời nhưng số chương trình có ý nghĩa thì rất ít, đa phần chương trình đã bị biến tướng, thương mại hóa. Nhiều trường lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến chương trình tư vấn tuyển sinh.
Mượn danh truyền thông để mời tài trợ  
Những ngày gần đây, nhiều trường ĐH, CĐ xôn xao khi nhận được thư mời tài trợ của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cùng Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM tổ chức ngày hội tuyển sinh. Theo thư mời tài trợ, thì chương trình có đến 16 kênh thông tin truyền thông có uy tín. Kèm theo đó là hàng loạt logo của các cơ quan truyền thông. Tuy nhiên thực tế các cơ quan truyền thông trên hoàn toàn không biết gì về chương trình tư vấn tuyển sinh này. Quá bức xúc trước thông tin trên, một số cơ quan truyền thông đã yêu cầu hai đơn vị trên gỡ bỏ logo và có văn bản xin lỗi về sự việc trên. 
Bát nháo tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ ảnh 1 Hiện có nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh nhưng chương trình có uy tín rất ít.  Ảnh: Thanh Hùng 
Một trường ĐH khác cho biết, trong email gửi mời tài trợ dài đến 29 trang, một người tên P. xưng là trực thuộc Phòng Truyền thông Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam gửi thông tin về chương trình ngày hội tuyển sinh diễn ra từ ngày 9 đến 10-7 tại Taka Plaza, Sense Market Công viên 23-9, quận 1, kèm theo mức phí giá của 1 gian hàng là 12 triệu đồng/gian hàng (dài 3m, rộng 2m, cao 2,5m), hỗ trợ 1 bàn, 4 ghế, bảng tên đơn vị. Giá in cẩm nang giới thiệu về đơn vị trường: 6 triệu đồng/trang (in 20.000 cuốn). Nếu đăng ký gian hàng và in cẩm nang thì được ưu đãi với giá 16 triệu đồng (12 triệu đồng/gian hàng + 4 triệu đồng/cẩm nang). 
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam, khẳng định ông không hề biết gì về chương trình trên. Trao đổi với Báo SGGP, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho biết: “Tôi chỉ biết là có phối hợp với Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM thực hiện chứ còn đối tác truyền thông với các báo là chưa có. Để tôi nhắc lại yêu cầu họ điều chỉnh thông tin”.  
Mượn cớ để làm kinh tế
Cầm một xấp thư ngỏ, thư mời tham gia chương trình tư vấn xét tuyển ĐH, cẩm nang tuyển sinh, trưởng phòng tuyển sinh của một trường ĐH công lập tại TPHCM ngao ngán: “Chúng tôi nhận được cả chục thư mời tham gia tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ, làm cẩm nang của các đơn vị. Trong đó, cùng một đơn vị nhưng lại có đến hai bộ phận cùng mời tham gia chương trình. Với trường công lập thì chúng tôi phải “né” bớt các chương trình làm theo kiểu thương mại là chính”.  
Hiện nay xuất hiện khá nhiều chương trình do các công ty mượn danh đơn vị này, đơn vị kia làm chương trình tư vấn theo kiểu chụp giật, sáng trường này, trưa trường kia. Thành phần tư vấn không phải là các chuyên gia mà chính là đại diện các trường tham gia tài trợ. Nội dung tư vấn hầu hết là tranh thủ thời gian để giới thiệu về thông tin tuyển sinh của trường mình. Đáng nói hơn, ngay cả một số trường THPT tại TPHCM đã tranh thủ để làm kinh tế khi tổ chức chương trình tư vấn với ý nghĩa là hướng nghiệp nhưng thực tế là giới thiệu về các trường ĐH, CĐ, trung tâm đào tạo, trung tâm du học cho học sinh khối 11 và 12. Tham gia vào chương trình này, mỗi trường ĐH, CĐ… phải bỏ ra cho trường từ 2 - 3 triệu đồng. Một điều đáng nói nữa là chuyện thương mại hóa trong tư vấn tuyển sinh đã làm lãnh đạo một số trường THPT bị cuốn theo. Người ta trơ trẽn “bồi dưỡng” cho ban giám hiệu để được tiếp cận tư vấn học sinh. Thậm chí, nhiều trường ĐH còn “đặt hàng” chỉ tiêu cho hiệu trưởng các trường THPT nếu có nhiều học sinh của trường trúng tuyển và học tại trường ĐH đó thì sẽ được chia hoa hồng với mức vài triệu đồng/học sinh. 
Theo một chuyên gia tư vấn tuyển sinh tại TPHCM, có rất nhiều công ty tổ chức chương trình tư vấn rất luộm thuộm, mượn danh các chuyên gia tư vấn để quảng cáo cho một số trường. ĐH Quốc gia TPHCM đã từ chối một số đoàn học sinh do các công ty tổ chức tour du lịch đến ĐH này nghe tư vấn tuyển sinh. ĐH Quốc gia TPHCM khẳng định không hoạt động hướng nghiệp vì mục đích lợi nhuận và gửi thông báo đến các trường THPT lưu ý “tránh bị các công ty lợi dụng uy tín của ĐH Quốc gia TPHCM nhằm thương mại hóa hoạt động tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp”.

Tin cùng chuyên mục