Bắt nhịp với y tế thông minh

Những năm qua một số bệnh viện (BV) tại TPHCM đã bắt đầu đưa vào ứng dụng các phần mềm điện tử, từng bước cải tiến chất lượng dịch vụ hướng tới phát triển y tế thông minh trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT). Hiệu quả ban đầu, thủ tục hành chính đã trở nên gọn lẹ, công tác quản trị hoạt động bệnh viện đồng bộ, bệnh nhân cảm thấy hài lòng.

Những BV không giấy tờ

Không còn phải xếp hàng chờ đợi từ sáng sớm, ngày 15-2, chị Lê Thị Nga (ngụ quận 5) đăng ký lấy số hẹn giờ khám bệnh trên website của BV Đại học Y Dược TPHCM bằng điện thoại di động. Đúng giờ đã hẹn, chị đến BV và được gọi vào khám ngay.

Sau đó, chị Nga được chỉ định thực hiện các xét nghiệm lâm sàng. Chưa đầy 15 phút sau, các kết quả xét nghiệm được tự động gửi đến điện thoại di động của chị, đồng thời kết quả này cũng được chuyển đến bác sĩ điều trị thông qua máy tính bảng. Hoàn tất việc khám bệnh, lấy thuốc, chị Nga đến thẳng quầy ATM của BV thanh toán trực tuyến. Toàn bộ quy trình đều không cần dùng đến một tờ giấy nào.

“Khám bệnh bây giờ nhanh gọn thật, tôi chỉ mất vài giờ đồng hồ là xong thay vì mất cả buổi và phải đi lại nhiều lần giữa các phòng ban như trước đây. Đúng là thời đại CNTT, đi khám bệnh nhàn hẳn”, chị Nga vô cùng hài lòng chia sẻ.

Là một trong những BV có số lượng bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú đông bậc nhất cả nước, để cải tiến chất lượng dịch vụ, bắt đầu từ năm 2016, BV Đại học Y Dược TPHCM đã ứng dụng CNTT nhằm rút ngắn quy trình khám chữa bệnh. Đây là đơn vị có những ứng dụng công nghệ mạnh mẽ nhất trong mục tiêu trở thành “BV thông minh” đầu tiên tại Việt Nam. Một trong những thành tựu nổi bật về CNTT của BV Đại học Y Dược TPHCM là triển khai thành công bệnh án điện tử toàn viện đồng bộ và hệ thống lưu trữ, truyền hình ảnh trong y khoa (PACs).

Với mục tiêu đặt sự an toàn của người bệnh lên hàng đầu, hệ thống phần mềm cho phép cảnh báo các trường hợp dị ứng thuốc, tương tác thuốc, phụ nữ có thai, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, triển khai kháng sinh dự phòng, cho phép dược lâm sàng tham gia trong chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ điều trị... Thông qua bệnh án điện tử, việc điều trị cho người bệnh luôn được công khai, minh bạch, rõ ràng, tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra.

Bắt nhịp với y tế thông minh ảnh 1 Với bệnh án điện tử, việc điều trị cho người bệnh luôn được công khai, minh bạch
PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết trong tương lai BV tiếp tục phát triển bệnh án điện tử trong quản lý thuốc, chỉ định cận lâm sàng, quản lý vật tư y tế, nhằm hỗ trợ tích cực trong việc thực hiện thuốc, tổng hợp các y lệnh trong ngày, theo dõi thời gian thực hiện các cận lâm sàng. Ngoài ra, BV cũng sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu trung tâm (Data Center) trên nền tảng ứng dụng Blockchain.

Trước đó, BV Quận Thủ Đức là BV tuyến quận/huyện đầu tiên trong cả nước tiên phong ứng dụng bệnh án điện tử. Từ năm 2017, thay vì làm hồ sơ bệnh án bằng giấy, các thông tin đã được số hóa và lưu trữ trên máy tính thông qua hệ thống internet. Khi đến BV, bệnh nhân chỉ cần mang theo thẻ bảo hiểm y tế, nhân viên y tế sẽ thực hiện tra cứu mã số, từ đó từng bước hướng dẫn quy trình khám chữa bệnh tiếp theo, mà không cần phải nộp sổ khám bệnh chờ đợi như trước kia.

Y tế thông minh - Xu thế tất yếu

Mặc dù ứng dụng công nghệ để trở thành BV thông minh là xu thế đang diễn ra rầm rộ trên thế giới, thế nhưng tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, điều này vẫn còn khá hiếm hoi. Tại TPHCM, ngoài BV Đại học Y Dược và BV Quận Thủ Đức lập bệnh án điện tử, thì hiện chỉ mới có một số BV ứng dụng một vài phần mềm đơn giản để kiểm soát kê đơn thuốc, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến như Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Nhi đồng 1…

Theo kế hoạch, trên nền tảng CNTT của “Thành phố thông minh” mà UBND TPHCM đang xây dựng, Sở Y tế cũng đang thực hiện xây dựng kho dữ liệu tập trung của ngành y tế; trong đó nổi bật là ứng dựng Blockchain trong lập và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân. Đây dự kiến sẽ là bước đột phá để ngành y tế TP hướng đến mục tiêu công nghệ hóa, bước đầu hòa mình vào xu hướng y tế thông minh.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Quận Thủ Đức, việc áp dụng công nghệ đã giúp việc quản lý BV trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Bản thân giám đốc BV không cần phải luôn túc trực tại BV mà vẫn có thể theo dõi, nắm tình hình hoạt động và đưa ra các chỉ đạo cần thiết từ xa. Quan trọng hơn, ứng dụng CNTT giúp giảm phiền hà cho người bệnh, mọi hoạt động của nhân viên y tế đều diễn ra công khai, minh bạch trước mắt người dân làm tăng sự hài lòng, tăng niềm tin của bệnh nhân đối với BV. Đây cũng chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa thu hút bệnh nhân trong xu hướng các BV phải tự chủ tài chính.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhìn nhận việc ứng dụng CNTT trong các cơ sở y tế đã được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đồng bộ. Hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các BV mới chỉ đáp ứng yêu cầu ở mức cơ bản, nhân lực lĩnh vực này cũng còn yếu và thiếu. Quan trọng hơn, một số lãnh đạo BV vẫn giữ tư duy cũ, không quyết tâm thực hiện “công nghệ hóa”.

Theo ông Tăng Chí Thượng, ứng dụng công nghệ sẽ giúp BV cải tiến chất lượng phục vụ người bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi; đồng thời tạo môi trường làm việc thuận lợi, giảm bớt áp lực thủ tục hành chính cho nhân viên y tế để họ có thêm điều kiện chăm sóc, theo dõi người bệnh tốt hơn. Đây cũng là công cụ giúp lãnh đạo các BV nâng cao chất lượng quản lý.

Ứng dụng AI trong khám chữa bệnh

Chiều 22-2, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức hội thảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế. Theo lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, với sự phát triển của công nghệ, ngành y tế đang ngày càng nhận được những sự hỗ trợ lớn từ công nghệ và AI trong hoạt động khám, chẩn đoán bệnh, xác định phác đồ điều trị cho bệnh nhân và quản lý bệnh viện.

Để công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân ngày càng được tốt hơn, Bộ Y tế đã và đang đẩy mạnh phát triển y tế thông minh. Trong đó sẽ triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh từ tháng 3-2019. Bệnh án điện tử là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án giấy quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

GS Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Toulouse (Pháp), cho biết thị trường AI y tế tăng trưởng rất nhanh, từ 2,1 tỷ USD trong năm 2018 sẽ lên 36 tỷ USD trong năm 2025 (chiếm 20% toàn bộ thị trường AI). Quan trọng hơn AI sẽ làm giảm 50% chi phí khám chữa bệnh, đồng thời tăng 40% hiệu quả khám chữa bệnh. Chỉ tỉnh riêng ở Mỹ, nhờ có hệ thống chăm sóc đặc biệt sử dụng AI mà các bệnh nhân giảm được 35% thời gian nhập viện và giảm 30% tỷ lệ tử vong, khoảng 1.000 người đã được hỗ trợ cứu sống nhờ y tế thông minh và tiết kiệm được chi phí y tế tới 150 tỷ USD.

Trình bày tại hội thảo, GS-TS Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản, đã giới thiệu kết quả xây dựng một số công nghệ nền về AI để khai thác bệnh án điện tử ở Việt Nam; Tập đoàn FPT cũng giới thiệu hệ thống quản lý bệnh viện FPT.eHospital ứng dụng AI và công nghệ 4.0 với nỗ lực thúc đẩy phát triển y tế thông minh tại Việt Nam.

                                                                       KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục