Bất ổn chính trị tại Sri Lanka: LHQ kêu gọi đảm bảo an ninh cho người dân

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 10-11 đã kêu gọi Chính phủ Sri Lanka đảm bảo hòa bình và an toàn cho toàn bộ người dân Sri Lanka, đồng thời tôn trọng các giá trị dân chủ và các điều khoản, quy trình hiến pháp trong bối cảnh khủng hoảng chính trị ngày càng sâu rộng ở nước này.

Phó phát ngôn viên LHQ Farhan Haq ngày 10-11 cho biết ông Guterres đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng các tiến trình và thể chế dân chủ, cũng như giải quyết bất đồng phù hợp với qui định luật pháp và thủ tục pháp lý.

Bất ổn chính trị tại Sri Lanka: LHQ kêu gọi đảm bảo an ninh cho người dân ảnh 1 Những người ủng hộ Thủ tướng bị sa thải Wickremesinghe tụ tập bên ngoài phủ thủ tướng trong ngày 28-10, lên án Tổng thống Sirisena và Thủ tướng mới Rajapaksa. Ảnh: AP
Sri Lanka đã đối mặt với bất ổn chính trị từ ngày 26-10, khi Tổng thống nước này Maithripala Sirisena cách chức Thủ tướng Ranil Wickremesinghe và bổ nhiệm cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse giữ chức vụ này.

Tuy nhiên, ông Wickremesinghe đến nay vẫn khẳng định mình là Thủ tướng hợp hiến và yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội để thể hiện ông vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ.

Bất ổn chính trị tại Sri Lanka: LHQ kêu gọi đảm bảo an ninh cho người dân ảnh 2 Thủ tướng mới được bổ nhiệm của Sri Lanka Mahinda Rajapaksa và Tổng thống Maithripala Sirisena (phải) nói chuyện trong một cuộc biểu tình gần quốc hội tại Colombo, Sri Lanka ngày 5-11-2018. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, đảng Liên minh tự do nhân dân đoàn kết (UPFA) của Tổng thống Sirisena thừa nhận ông Rajapakse vẫn chưa được đủ số phiếu ủng hộ cần thiết để vượt qua cuộc "sát hạch" chức thủ tướng. 

Trong diễn biến mới nhất, ngày 9-11, Tổng thống Sirisena đã tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử vào đầu năm tới - cụ thể là ngày 5-1-2019. Trên thực tế, Quốc hội Sri Lanka đã bị đình chỉ hoạt động từ ngày 27-10.

Tin cùng chuyên mục