Bầu cử Quốc hội giữa kỳ ở Mỹ: Câu trả lời cho chính sách “Nước Mỹ trước tiên”

Kết quả kiểm phiếu cuộc đua vào Quốc hội giữa kỳ ở Mỹ đã ngã ngũ với việc 2 sắc đỏ (đảng Cộng hòa) và xanh (đảng Dân chủ) chia nhau thống trị bản đồ bầu cử nước Mỹ. 
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu ở Virginia
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu ở Virginia

Đúng như dự đoán, đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump đã bảo toàn lực lượng tại Thượng viện, trong khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện.

Bước dọn đường

Đảng Dân chủ đã giành được 220 ghế Hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ, vượt qua tổng số ghế cần thiết để chiếm thế đa số (218/435 ghế), qua đó chính thức giành quyền kiểm soát Hạ viện. Như vậy, đảng Cộng hòa đã không thể duy trì thế thống trị của mình tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Trước đó, cuộc bầu cử Thượng viện cho kết quả đảng Cộng hòa giành được 51 ghế, bảo toàn được quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này, trong khi đảng Dân chủ mới chỉ giành được 44 ghế.

Theo giới quan sát, kết quả này là câu trả lời cho chính sách “Nước Mỹ trước tiên” gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Mỹ trong 2 năm vừa qua, đồng thời cũng cho thấy, nước Mỹ đang chia rẽ hơn bao giờ hết.

Với việc đảng Dân chủ giành thế đa số tại Hạ viện, chặng đường 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự báo sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với nửa đầu nhiệm kỳ, khi phe Cộng hòa kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội. Điều này cũng báo hiệu sự giằng co trong tiến trình thông qua các chính sách quan trọng khi những quan điểm và ưu tiên của hai đảng luôn trong tình trạng đối đầu. Áp lực sẽ đến với ông Donald Trump từ nhiều vấn đề đối nội, như chương trình cải cách y tế, chế độ nhập cư và thuế, kiểm soát súng đạn…

Các nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ tận dụng thế đa số mới để đảo ngược những gì mà họ cho là cách tiếp cận theo chủ trương không can thiệp của các nghị sĩ đảng Cộng hòa đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump và sẽ thúc đẩy biện pháp ứng phó cứng rắn hơn với Nga, Saudi Arabia và Triều Tiên.

Đảng Dân chủ cũng có thể thúc đẩy thông qua việc sử dụng vũ lực tại những điểm nóng như Iraq và Syria. Tuy nhiên, với một số nơi khác như Trung Quốc và Iran thì khó có khả năng thay đổi hiện trạng. Thắng lợi tại Hạ viện còn được coi là bước đầu tiên dọn đường cho đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua giành chiếc ghế tổng thống thứ 46 của nước Mỹ vào năm 2020. Đây là lý do khiến cuộc bỏ phiếu ngày 6-11 được ví như “sự bắt đầu” của 2 năm tới.

Đánh trúng tâm lý

Vừa tròn 29 tuổi vào giữa tháng trước, Alexandria  Ocasio-Cortez là phụ nữ trẻ nhất vừa được bầu vào Quốc hội trong lịch sử Mỹ. Người nắm giữ kỷ lục này trước đó là Nghị sĩ New York Elise Stefanik, vào quốc hội năm 30 tuổi.
Kết quả này được xem là thắng lợi lớn của đảng Dân chủ khi muốn lật lại thế cờ ở Hạ viện Mỹ. Các tầng lớp dân chúng luôn lo ngại và cho rằng cần lập lại thế cân bằng trong cơ quan lập pháp để hạn chế những quyết sách gây tranh cãi của chính phủ.
Trong buổi tiệc mừng chiến thắng tại thủ đô Washington, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi tuyên bố các nghị sĩ của đảng này sẽ kiềm chế và kiểm soát chính phủ của Tổng thống Donald Trump. Dự kiến, bà Pelosi sẽ nhắm tới vai trò Chủ tịch Hạ viện, vị trí mà bà từng nắm giữ trong 4 năm, từ năm 2007.
Theo CNN, một số nguồn tin ở Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Donald Trump dự định thay đổi các thành viên trong nội các để chuẩn bị cho 2 năm cuối nhiệm kỳ. Quá trình “thay máu” này sẽ không diễn ra chóng vánh vì  thời gian thay đổi các vị trí sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ.

Trong thời gian kiểm phiếu và công bố kết quả, bầu không khí căng thẳng bao trùm Nhà Trắng.

Theo giới phân tích, ông Donald Trump dường như tránh đề cập đến thất bại của đảng Cộng hòa khi có nhiều ý kiến cho rằng thất bại của đảng Cộng hòa ở Hạ viện là do những chính sách gây tranh cãi thời gian qua của Tổng thống Donald Trump. Hiện còn nhiều ý kiến trái chiều về tác động của kết quả bầu cử giữa kỳ đến tương lai chính trị của Tổng thống Donald Trump. Trong khi một số chuyên gia cho rằng, việc đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện là một “đòn” giáng vào nội các của ông, số khác cho rằng điều này có thể giúp ích cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của ông Donald Trump. Tuy nhiên, với tất cả các vấn đề chính trị mà Mỹ phải đối mặt hiện nay, vẫn phải chờ xem liệu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này có thể tạo ra một sự chuyển biến tích cực hay không.

Những kỷ lục mới

Ngoài chi phí kỷ lục chi cho bầu cử được dự đoán vượt mốc 5 tỷ USD,  số cử tri đi bỏ phiếu cao hơn so với các cuộc bầu cử giữa kỳ trước đó. Theo Dự án Bầu cử Mỹ - nguồn cung cấp số liệu cho hệ thống bầu cử Mỹ, 38,8 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử 6-11, vượt qua con số 27,4 triệu người bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014.

Số lượng đại diện nữ được bầu vào Hạ viện Mỹ lần này đạt con số kỷ lục. Số phụ nữ tham gia cuộc đua cao gấp 2 lần so với năm 2016, với phần lớn trong số này đến từ đảng Dân chủ. Bà Kelly Dittmar, Phó Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Rutgers và là học giả tại Trung tâm Chính trị và Phụ nữ Mỹ, gọi đây là “làn sóng hồng”.

Tính đến chiều 7-11 (giờ Việt Nam), có 116 đại diện nữ của các bang đã được bầu vào Quốc hội và vị trí thống đốc bang. Trong số những phụ nữ đầu tiên được bầu vào Quốc hội, có 2 phụ nữ Hồi giáo và 2 phụ nữ gốc thổ dân châu Mỹ. Lãnh thổ Guam của Mỹ cũng có nữ thống đốc đầu tiên.

Theo bà Kelly Dittmar, kết quả của cuộc bầu cử năm 2016 và những lo ngại về chính sách “rút lui” khỏi những di sản mà kỷ nguyên cựu Tổng thống Barack Obama  gây dựng dường như là một chất xúc tác và động lực để nhiều phụ nữ tham gia tranh cử trong năm 2018. Dự báo, các nữ nghị sĩ trong Quốc hội có thể sẽ thúc đẩy luật pháp về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nạn quấy rối tình dục và nhiều vấn đề khác.

Giới quan sát cho rằng chiến thắng của đảng Dân chủ tại Hạ viện sẽ mở đường cho một loạt cuộc điều tra do các nghị sĩ đảng này dẫn đầu nhằm vào Tổng thống Donald Trump, từ các hoạt động kinh doanh của ông tới những cáo buộc về sự can thiệp của Nga trong chiến dịch tranh cử của ông hồi năm 2016.

Tin cùng chuyên mục