“Bầu” Kiên bị bắt vì kinh doanh trái phép

“Bầu” Kiên bị bắt vì kinh doanh trái phép

(SGGPO). – Sáng nay 21-8, tại cuộc họp giao ban báo chí ở Hà Nội, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã xác nhận việc ông Nguyễn Đức Kiên (ảnh) - Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và là cổ đông sở hữu cổ phần của một số ngân hàng lớn bị cơ quan công an bắt giữ.

  • Bị bắt vì kinh doanh trái phép

Theo đó, vào chiều tối qua  20-8, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã bắt giữ ông Kiên để làm rõ hành vi "kinh doanh trái phép". Cũng trong tối hôm qua, sau khi tiến hành khám nhà ông Kiên tại ngõ 27 đường Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội, công an đã thu giữ một số tài liệu phục vụ quá trình điều tra.

Ông Nguyễn Đức Kiên sinh năm 1964 tại Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1981, sau một năm học tại Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự), ông Kiên được chọn đi du học tại Trường kỹ thuật quân sự Zalkamatê, Hungary. Sau khi học xong về nước năm 1985, ông là cán bộ của Tổng Công ty Dệt May Việt Nam. Sau 8 năm làm việc trong ngành dệt may, ông bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng và trở thành cổ đông sáng lập tại nhiều ngân hàng thương mại như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) và sở hữu cổ phần của một số ngân hàng khác như: VietBank, Eximbank và Sacombank...

Cùng với việc đầu tư vào ngành ngân hàng, ông Nguyễn Đức Kiên hay còn gọi là “Bầu” Kiên là Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội và là người sáng lập VPF. 

  • Thông tin từ Ngân hàng ACB

Thông tin từ Ngân hàng ACB cho biết, việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt là việc của cá nhân, ông Kiên không còn là cổ đông lớn của ngân hàng cũng không phải thành viên Hội đồng quản trị, không tham gia ban điều hành của Ngân hàng ACB nên không ảnh hưởng đến hoạt động quản trị cũng như hoạt động bình thường của ACB.

Ngân hàng ACB cũng xác nhận, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB đang hợp tác với cơ quan điều tra và cung cấp thông tin. Ngân hàng ACB cũng cho biết, việc vắng mặt của ông Lý Xuân Hải không ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngân hàng do đã có nhân sự chủ chốt tạm thời thay thế, dưới sự giám sát của Hội đồng quản trị.

Theo đại diện Ngân hàng ACB, sau khi có lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên, trong chiều qua, Ngân hàng ACB đã có báo cáo Ngân hàng nhà nước. Hơn nữa, Ngân hàng ACB cũng đã có những phương án xử lý nếu có những xáo động và luôn đảm bảo khả năng chi trả cho khách hàng trong mọi tình huống.

Đại diện Ngân hàng ACB cũng cho biết vẫn chưa thấy gì bất thường hay e ngại từ khách hàng ngoài những người gọi điện thoại hỏi thăm thông tin. Tuy nhiên, ghi nhận tình hình tại hội sở Ngân hàng ACB sáng ngày 21-8 cho thấy, khá nhiều người đến ngân hàng này để rút tiền. Ghi nhận trong buổi sáng, có đến vài chục khách hàng rút tiền với tổng số tiền khoảng vài chục tỷ đồng và vài chục ngàn USD. Ông Đ. đang thực hiện giao dịch rút 2 tỷ đồng và 6.000 USD tại đây cho biết, tháng sau ông mới cần số tiền này nhưng nghe thông tin (liên quan đến “bầu” Kiên bị bắt và Tổng Giám đốc ACB Lý Xuân Hải đã bị triệu tập để điều tra – PV) cũng ớn quá nên tôi rút trước mặc dù chưa đến thời gian đáo hạn, mất lời. Chị H. cũng đã rút hết số tiền VND và USD trong 6 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 300 triệu đồng và gần 3.000 USD cho biết chị rút ra để mua vàng. 

Tuy nhiên, vẫn có 1 số khách hàng vẫn đến gửi tiền tại đây. Chị N. đến thời điểm đáo hạn cũng chỉ rút tiền lời vẫn gửi lại ngân hàng hơn 100 triệu đồng cho biết: “Ngân hàng này cũng lớn mà, chắc không đến nỗi phá sản, hơn nữa rút tiền về cũng không biết làm gì, để ở nhà thì cũng nguy hiểm”- chị N nói. Mặc dù hết giờ giao dịch (11h30) nhưng đến 11h45 phút sáng nay 21-8 tại ngân hàng này vẫn còn một số khách hàng chờ để rút tiền. 

Một số khách hàng đặt câu hỏi liên quan đến lãnh đạo ngân hàng bị bắt, liệu gửi tiền tại ngân hàng này có an toàn hay không. Các nhân viên tại ngân hàng cho biết, đó là vấn đề cá nhân của những người đó chứ không liên quan gì đến hoạt động của ngân hàng. “Từ sáng đến giờ, các hoạt động giao dịch của ngân hàng vẫn được thực hiện bình thường, tụi em vẫn làm việc rất vui vẻ”- một nhân viên ngân hàng trấn an khách. 

Theo báo cáo thường niên năm 2010 của Ngân hàng ACB, ông Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu, trụ sở đặt tại 57B Phan Chu Trinh, phường Phan Chu Trinh - Hoàn Kiếm – Hà Nội. Trước khi thôi làm thành viên HĐQT của ACB, vợ chồng Nguyễn Đức Kiên và ba người em của ông nắm giữ 9,71% cổ phần của ACB , trong đó, ông Kiên nắm giữ 3,75% và bà Đặng Ngọc Lan - vợ ông Kiên  nắm giữ 4,11%.

Dư luận cho rằng, ngoài số cổ phiếu đang nắm giữ tại ACB, ông Kiên còn nắm giữ cổ phiếu của một số ngân hàng khác. Tuy nhiên, trao đổi với lãnh đạo của các ngân hàng được cho là ông Trần Đức Kiên có cổ phần như: Ngân hàng cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng cổ phần Phương Nam (Southern Bank), Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Kiên Long… các vị lãnh đạo và đại diện của ngân hàng này đều cho biết ông Kiên không nắm, nắm cổ phần ít và không ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng mình.

Quang cảnh giao dịch tại Hội sở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu chiều 21-8-2012. Ảnh: CAO THĂNG

Quang cảnh giao dịch tại Hội sở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu chiều 21-8-2012. Ảnh: CAO THĂNG

  • Giá vàng trong nước tiệm cận 43 triệu đồng/ lượng

Ngày 21-8, mặc dù giá vàng thế giới tăng nhẹ nhưng giá vàng trong nước có thời điểm đã vượt lên mức 43 triệu đồng/lượng vào khoảng 10 giờ sáng. 

Vào lúc 9 giờ sáng, giá vàng trong nước giảm khoảng 70.000 đồng/lượng so với chiều hôm trước. Cụ thể, tại thời điểm này, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 42,48 triệu đồng/lượng mua vào và 42,53 triệu đồng/lượng bán ra. Đến 10 giờ, giá vàng đã quay đầu tăng mạnh ở mức 42,89 triệu đồng/lượng mua vào và 42,95 triệu đồng/lượng bán ra. Đến khoảng 10 giờ 20 phút, giá vàng đã tăng vọt lên 42,98 triệu đồng/lượng mua vào và 43,08 triệu đồng/lượng bán ra, tăng gần 500.000 đồng/lượng so với đầu đầu giờ. 

Tại thị trường Hà Nội lúc 9 giờ, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý cũng niêm yết giá vàng SJC ở các mức 42,66 triệu đồng/lượng mua vào và 42,72 triệu đồng/lượng bán ra. Ngoài ra, các thương hiệu vàng khác như Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tại thời điểm này cũng tăng lên mức 41,15 triệu đồng/lượng mua vào và 41,45 triệu đồng/lượng bán ra; Vàng AAA của Công ty Vàng bạc đá quý Agribank hiện cũng đang được Bảo Tín Minh Châu giao dịch bằng với giá của vàng Rồng Thăng Long. Vàng Phượng Hoàng-PNJ DongA Bank của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng được giao dịch ở mức 42,64 triệu đồng/lượng mua vào và 42,68 triệu đồng/lượng bán ra.

Đầu giờ chiều, giá vàng SJC liên tục điều chỉnh và vẫn giữ ở mức 42,9 triệu đồng/lượng mua vào và 43 triệu đồng/lượng bán ra vào lúc 14 giờ 30. Như vậy, so với giá vàng thế giới sau khi quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ trong nước đang cao hơn khoảng gần 2 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, vàng SJC đang ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 5.

  • Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Việc bắt giữ ông Kiên không ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng ACB

Trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều nay, 21-8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, ông đã chỉ đạo các biện pháp hỗ trợ thanh khoản đối với ACB và các tổ chức tín dụng nếu có hiện tượng rút tiền hàng loạt. Và thông tin này cũng được đăng tải công khai trên trang Web của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thống đốc Ngân hàng cũng cung cấp thông tin, ông Kiên là nguyên Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần ACB, song cơ chế Hội đồng sáng lập này không có trong bất cứ văn bản pháp luật nào. Theo luật, các ngân hàng thương mại cổ phần chỉ có Hội đồng Quản trị và Ban điều hành.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên hiện không nằm trong Hội đồng Quản trị hay Ban điều hành của ACB nên việc bắt giữ ông Kiên không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ACB.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, câu trả lời của Thống đốc trước mắt có thể giúp người có tiền gửi ở ACB yên tâm. Song việc NHNN để một “cơ chế không có trong luật” tồn tại lâu như vậy mà không có biện pháp xử lý cũng có trách nhiệm của Thống đốc.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong tham dự phiên họp cũng được chất vấn về căn cứ pháp lý của việc bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên.Tuy nhiên, đây là vấn đề nằm ngoài chủ đề phiên chất vấn nên chủ tọa phiên họp đã yêu cầu Viện Kiếm sát Nhân dân tối cao trả lời đại biểu Đỗ Văn Đương bằng văn bản.  

Ông Nguyễn Đức Kiên không tham gia quản lý, điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu ACB  
        
     
Liên quan đến thông tin bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), sáng 21-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã có văn bản thông báo, khẳng định ông Nguyễn Đức Kiên không tham gia quản lý, điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu ACB. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng khẳng định: quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố, bắt tạm giam bị can là hoạt động bình thường của Cơ quan điều tra. Việc bắt tạm giam ông Kiên chỉ liên quan đến vi phạm của 3 công ty có đơn tố cáo, do ông Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT).   
       
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, căn cứ vào đơn thư khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại 3 công ty do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B; Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, ngày 20-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Kiên, về tội kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ Luật hình sự, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 08/C46 (P10).  

TTX

Không ảnh hưởng đến hoạt động của VPF


Việc bầu Kiên bị bắt chỉ một ngày sau khi V-League 2012 kết thúc khiến giới bóng đá khá bất ngờ bởi trước đó, ông bầu này còn xuất hiện trên sân Tam Kỳ và Hàng Đẫy để đồng hành cùng hai đội Trẻ Hà Nội và CLB Hà Nội trong nỗ lực trụ hạng của mùa bóng 2012.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty VPF, cho biết: “Không nhất thiết phải nhóm họp ban lãnh đạo công ty trong lúc này khi anh Kiên là một trong 9 thành viên HĐQT. Về bộ máy điều hành chuyên môn, chúng tôi đã phân công anh Phạm Ngọc Viễn làm tổng giám đốc nên vấn đề vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công ty. Dù mùa giải 2012 thực tế còn 2 vòng đấu bán kết và chung kết ở Cúp Quốc gia vào cuối tuần này, vấn đề tổ chức không ảnh hưởng bởi mọi chuyện đã được phân công và các bộ phận cứ thế mà triển khai”.

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho rằng: “Ngay sau khi có được thông tin trên, tôi đã liên lạc qua điện thoại với các anh trong HĐQT của Công ty VPF. Trước mắt là động viên các anh và khuyên hãy bình tĩnh để cố gắng cùng nhau làm tốt cho đến kỳ tổng kết mùa giải”.

Theo ông Hỷ, ảnh hưởng trực tiếp của bầu Kiên với hai đội bóng này là rất lớn. Sắp tới sẽ xem tình hình như thế nào, sau đó sẽ phải làm việc với các đội bóng trên. Hiện tại đã bắt đầu vào giai đoạn chuyển nhượng và ắt sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại các đội bóng trên cũng như còn là vấn đề xã hội nữa. Thế nên VFF và VPF sẽ nỗ lực hết sức và tìm giải pháp để việc này không gây xáo trộn quá nhiều đến công việc, đặc biệt là tương lai của hai đội CLB Hà Nội và Trẻ Hà Nội”.

Thông báo của VPF về vấn đề bầu Kiên bị bắt có nêu rõ: Đại hội đồng cổ đông sáng lập Công ty VPF vào ngày 14-12-2011 đã chính thức bầu chọn 9 thành viên HĐQT. Theo đó, ông Nguyễn Đức Kiên, đại diện quản lý phần vốn góp của cổ đông Công ty cổ phần Bóng đá Hà Nội, với 117.000 cổ phần, chiếm 3,9% vốn điều lệ VPF. Việc hoạt động của VPF tuân thủ theo đúng điều lệ và quy chế hoạt động của công ty, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy, ban tổng giám đốc và cá nhân tổng giám đốc là người đại diện pháp luật của công ty, trực tiếp điều hành hoạt động VPF. Việc ông Nguyễn Đức Kiên gặp sự cố không hay trong thời gian vừa qua, không liên quan gì tới VPF, là chuyện cá nhân của ông Nguyễn Đức Kiên. Do đó, sự việc này sẽ không ảnh hưởng đến các thành viên khác của HĐQT cũng như hoạt động điều hành của ban tổng giám đốc công ty.

Tổng giám đốc Phạm Ngọc Viễn cho biết, VPF sẽ sớm có thông báo chính thức về vấn đề này trên website của công ty. Liên quan đến số tiền thu được từ bản quyền truyền hình trong mùa giải 2012 cũng như số tiền tài trợ mà VPF có được là 50 tỷ đồng trong mùa giải này, ông Viễn cho rằng, đó là số tiền đóng góp của Hội đồng bảo trợ cho bóng đá Việt Nam nên dù ông Kiên có bị bắt cũng không ảnh hưởng gì.

Q.Cường - Đ.Linh

NG. QUỐC - BÌNH AN - NG. NHUNG

Tin cùng chuyên mục