Tỷ phú trên cánh đồng hoang

Bàu Sấu

Bàu Sấu

Năm 1993, anh Út Huy (Võ Quan Huy) đang làm chủ một trang trại cao su ở Bình Dương, một trang trại mía ở Tây Ninh, thêm một trang trại 30 ha nuôi tôm sú ở Bạc Liêu, bỗng bỏ về sục sạo vào cánh đồng hoang Bàu Sấu. Người ta bảo anh dùng lợi nhuận của ba trang trại trên để “nuôi lớn” trang trại Bàu Sấu (Long An) ngốn nhiều tiền của nhưng còn “nằm ấp lẫm”chờ ngày bội thu. Ở tuổi 50, cao lớn, chắc nịch như lực điền, việc gì ở trang trại anh Út Huy cũng tự làm được.

Bàu Sấu ảnh 1

Tỷ phú Võ Quan Huy

1. Còn nhớ vào một buổi trưa hè năm 1998, đứng giữa trang trại nuôi trồng nông-lâm-thủy sản Võ Quan Huy, ông Bảy Diệp (Nguyễn Văn Diệp), Bí thư Huyện ủy Đức Huệ (Long An) lúc đó, đã nói với tôi: “Thời chống Mỹ, đây là vùng căn cứ chồng lên căn cứ tức nhiều cơ quan, đơn vị vũ trang trung ương, vùng miền và địa phương cùng trú đóng. Sau ngày giải phóng, ta đưa nhiều lượt dân các nơi đi kinh tế mới đến đây khai hoang lập ấp, nhưng chỉ được một thời gian là họ bỏ chạy vì khó khăn chịu không xiết.

Lúc đó, Út Huy từ Đức Hòa tìm đến, Đức Huệ hãy còn mấy chục ngàn héc ta đất hoang “da beo” đang kêu gọi các nhà đầu tư đến mở trang trại. Tôi đưa Út Huy vào đây, hỏi cậu có sức làm bao nhiêu đất. Sau mấy ngày ngược xuôi trong khu Bàu Sấu chỗ lồi chỗ lõm, cỏ ngập lút đầu, Út Huy đến gặp tôi: “Anh Bảy cho em 400 ha”. Tôi nói được, nhưng cậu phải để cho số hộ hiện hữu sử dụng phần đất họ đã khai khẩn, còn bao nhiêu cậu cứ làm. Út Huy “dạ” gọn lỏn, sau đó đưa máy móc vô đào kinh xẻ mương cho cả số hộ này sản xuất, lại còn tạo công ăn việc làm cho họ ở trang trại cậu ta nữa”.

Khi vào lán làm việc của trang trại, ông Bảy Diệp nói vui: “Út Huy trồng mía giỏi ghê, mỗi héc ta đạt năng suất tới... 3- 4 tấn (!), cây nào cây nấy to tày... cây bắp!”. Út Huy cười: “Anh Bảy ghẹo em hoài. Đó là mấy năm đầu, chớ hiện nay thu hoạch mỗi héc ta bình quân 6-7 chục tấn mía cây, Công ty Đường Hiệp Hòa bao tiêu hết. Tụi em đang nghiên cứu lai tạo giống mía mới, năng suất mỗi hécta phải là 100 tấn và chất lượng tăng 15-16 chữ đường”.

Mới rồi, gặp lại ông Bảy Diệp (đã nghỉ hưu mấy năm nay), tôi hỏi ông thấy Út Huy thế nào, ông Bảy cười: “Cái thằng chịu thương chịu khó, có niềm tin ghê gớm chứ nếu không thì lúc đó nó chỉ cần để  bao nhiêu  tỷ bạc đó gởi ngân hàng, nằm phè ra hưởng lãi suất cho khỏe. Tôi biết Út Huy bị thất bại bầm dập bao nhiêu lần  mà nó không bỏ cuộc”.

2. Mùa đông năm 2005. Út Huy lái chiếc xe du lịch đời mới bám đầy bụi đường, đưa tôi đi Bàu Sấu. Đến Bình Hòa Hưng, không còn đường bộ, anh kéo tôi xuống chiếc tắc ráng. Phải chạy qua nhiều con kinh, tắc ráng mới đưa chúng tôi đến một vùng đất có nhiều bờ đê bao ngang dọc phô màu sỏi đỏ, hai bên viền những hàng cây tràm rợp bóng.

Dừng lại trước dãy lán làm việc, Út Huy kêu một cậu người làm lấy xe Honda chở tôi đi một vòng qua trang trại. Xe chạy trên những bờ đê thẳng, dài tăm tắp chia đất thành từng lô riêng biệt; mỗi lô trồng một loại cây. Lô trồng tre mạnh tông đang cho măng trông như  một vạt rừng xanh mướt. Đẹp mắt nhất là lô trồng ớt. Có hơn 7 ha ớt lên liếp như thước kẻ, đầy bóng người chăm sóc, thu hoạch, đa số là lao động nữ. Út Huy bảo anh đang có một hợp đồng với thị trường EU xuất 1 ngàn tấn ớt bột. Lớn quá! Để đủ số ớt đó, phải có số ớt tươi nhiều gấp mấy lần. Trên đất Bàu Sấu, chưa có ai trồng được ớt như  Út Huy.  Rời lô trồng ớt, Út Huy lái xuồng máy đưa tôi đến lô đất nuôi cá rộng hơn 10 ha.

Bàu Sấu ảnh 2

Một góc trang trại Bàu Sấu. Ảnh: QUANG HẢO

Đứng đầu này nhìn sang đầu kia, từng dãy ao đào ngay hàng thẳng lối như bản đồ quy hoạch trải mút tầm nhìn. Trong lúc Út Huy kêu các tổ trưởng phụ trách khu ao cá lại để “giao ban”, tôi tranh thủ xem vài ao. Ao nào cá cũng ăn móng tợ nồi cơm sôi, toàn rô và sặt rằn. Tôi nhớ năm rồi, trong một bữa cơm thân mật, Út Huy có giới thiệu tôi với anh Năm Hưng, một chuyên gia về nuôi cá từ Cần Thơ đến.

Trong bữa cơm, anh Năm Hưng say sưa nói về con rô và con sặt rằn cao giá trên thị trường. Anh Năm Hưng cam đoan mỗi héc ta mặt nước nuôi con rô và con sặt rằn thu lãi ròng không dưới 150 triệu đồng/năm. Nhưng trên thực tế hiệu quả kinh tế còn cao hơn. Út Huy cho biết, toàn khu ao cá này được làm dưới sự hướng dẫn của anh Năm Hưng. Cá giống cũng do anh ấy cung cấp. “Mình phải rước thầy về dạy, anh à”.

3. Năm 1993, Út Huy đặt chân lên vùng đất căn cứ kháng chiến cũ Bàu Sấu. Toàn vùng có đến 3.000 ha đất hoang hóa. Lúc này, Đảng bộ huyện và tỉnh Long An thấy rằng, để dân trên 5 xã biên giới của Đức Huệ không bỏ đất hoang để đi buôn lậu, không gì hiệu quả bằng đào tuyến kinh dẫn nước hồ Dầu Tiếng về Mỹ Bình, Rạch Tràm. Lúc Út Huy đổ cơ giới vào làm hạ tầng cho trang trại cũng là lúc dự án kinh Mỹ Bình - Rạch Tràm được phóng tuyến băng qua đây (không có nguồn nước kinh này, trang trại Út Huy sẽ khó tồn tại được). “Nhưng thú thật với anh, 4-5 năm đầu mở đất, tui  trồng thử nghiệm đủ thứ giống cây mà chưa có giống nào đứng được lâu. Từ thất bại này tui gặp thất bại khác.

Hết đi hỏi các bậc lão nông trong vùng tui lại tìm đến các bậc thầy nổi tiếng về khoa học nông nghiệp ở các nơi để trình bày, xin ý kiến chỉ dạy. Phải lấy kinh nghiệm của nông dân cùng bài bản của nhà khoa học mà tìm đáp án cho cánh đồng hoang Bàu Sấu. Khi ấy, Chính phủ định hướng phát triển lên một triệu tấn mía cây/năm mà cả nước mới đáp ứng được chừng phân nửa. Út Huy thấy đưa cây mía vào Bàu Sấu là hợp lý.

Công ty Đường Hiệp Hòa mới đầu kêu anh làm hạ tầng, cải tạo đất trồng mía, họ tài trợ hoàn toàn.Thế nhưng làm xong hơn 20 km kinh mương, tốn gần 3 tỷ đồng do họ ứng trước, họ lại buộc anh phải thanh toán sòng phẳng bằng sản phẩm mía cây. Từ năm 1995 trở đi, năm nào cũng có lũ, phải tu bổ hệ thống  đê bao trang trại. Tới lũ năm 2000 quá dữ, đê bao bị bứt từng đoạn, mía ngập từng lô, anh phải thuê lực lượng đến chống lũ muốn hụt hơi.

Tôi hỏi Út Huy bây giờ đất Bàu Sấu đã “mỉm cười” với anh chưa; anh bảo: “Trang trại tự trang trải được. Trong nông nghiệp, mình phải chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi thích hợp, có năng suất, có thị trường. Sau hơn mười năm cải tạo liên tục, bây giờ trên đất Bàu Sấu cam, quýt, bưởi, chuối cau tui  trồng đều phát triển tốt .Trồng cây kiểng thấy cũng hay”. “Nghe  đồn anh trồng ớt thu nhập hàng trăm triệu đồng trên mỗi héc ta”? Út Huy cười: “Trồng ớt phải có kỹ thuật cao. Có người chỉ cách, tui trồng thành công, còn người đó trồng lại thất bại”.

Út Huy bảo: Hiện nay trang trại của anh trồng mấy chục héc ta thơm, thu nhập không dưới 50 triệu đồng/ha/năm. Rồi 10 ha dưa hấu trồng vụ Tết, thu 18-20 tấn/ha nhưng tiêu thụ khó khăn do Bàu Sấu là vùng sâu, vùng xa chưa có đường giao thông; sản phẩm của trang trại vận chuyển đến nơi nhận hàng rất khó khăn và tốn kém.

- Tui nói thật với anh, mình dư sức mở trang trại nuôi trâu, bò, cá sấu, quy mô hàng ngàn con, thậm chí nuôi được một số thủy sản đặc chủng cao cấp ngay trên đất Bàu Sấu này nhưng vì chưa có đường giao thông, đành chịu! Út Huy nói - Nếu Nhà nước làm đường vào Bàu Sấu, tui sẽ làm ủng hộ một cây cầu bêtông nối trang trại với khu kinh tế mới Mỹ Bình.

Tôi tin vào thiện chí của Võ Quan Huy. Anh đã dám nhận cánh đồng hoang Bàu Sấu mà nhiều người cho là “đất chết” đầy hố bom, hố pháo, ổ phèn và cỏ dại ngút ngàn để mở trang trại đầy tiềm năng như thế. Anh còn cắt một phần đất đáng kể nhường cho những hộ nông dân khác (chỉ giữ lại gần 230 ha) cho thấy sự hào phóng và sẵn sàng chia sẻ của anh. Tôi  tin mai này nhất định sẽ có điện và đường giao thông đến Bàu Sấu. Lúc đó, kỳ vọng của tỷ phú Võ Quan Huy sẽ trở thành hiện thực.

QUANG HẢO

Tin cùng chuyên mục