Bế mạc APPF-26: Thống nhất đẩy mạnh đối thoại và hành động chung

Chiều 20-1, hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) đã chính thức bế mạc, thông qua 17 văn kiện quan trọng, trong đó có Tuyên bố Hà Nội “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với tuyên bố chung được các quốc gia ký kết Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với tuyên bố chung được các quốc gia ký kết Ảnh: TTXVN
Khẳng định quyết tâm biến lời nói thành hành động
Phát biểu bế mạc APPF-26, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF 26 nhấn mạnh, sau 3 ngày làm việc, Hội nghị APPF-26 đã hoàn thành tốt đẹp các công việc đề ra trong chương trình nghị sự. Hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “biến lời nói thành hành động”, kêu gọi sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển đối với các nước đang phát triển trong việc chung tay thực hiện chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030 và Thỏa thuận Paris. Các đại biểu khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh đối thoại và hành động chung nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh lương thực, an ninh năng lượng, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, gia tăng nỗ lực phòng ngừa và chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan; tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo.
Hội nghị đã thống nhất thông qua bản Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương”. Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, xác định một tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển. Tuyên bố đã điểm lại những thành tựu nổi bật của APPF, khẳng định sự đóng góp của APPF vào các cơ chế toàn cầu và khu vực, như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên hiệp quốc, Diễn đàn APEC, ASEAN. Tuyên bố cũng đã đưa ra một bức tranh phát triển hiện nay của khu vực và quốc tế, nêu rõ giai đoạn tới, APPF cần phải tiếp tục đổi mới nội dung nghị sự, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các thể chế đa phương. Trong tiến trình đó, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tích cực cùng APPF và Nghị viện các nước để hiện thực hóa tầm nhìn, biến các khuyến nghị, nghị quyết của APPF trở thành hành động cụ thể.
Thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội gửi lời cảm ơn Nghị viện, các vị nghị sĩ Quốc hội các nước, cùng toàn thể nhân dân các nước trong khu vực về những tình cảm hữu nghị dành cho đất nước và con người Việt Nam với sự hợp tác ngày càng hiệu quả và tình cảm tốt đẹp.
Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu
Trước đó, trong ngày làm việc cuối cùng, hội nghị đã tập trung thảo luận vào các chủ đề lớn như “Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” và “Đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực”. 
Tại phiên họp “Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”, phát biểu đề dẫn tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các nước cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định rõ quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; ưu tiên nguồn lực cho phát triển bền vững; lồng ghép các vấn đề phát triển bền vững vào các chương trình chi tiêu công; tăng cường đầu tư tư nhân, hợp tác công tư cho phát triển bền vững. Tại phiên họp này, Tổng Thư ký Liên minh nghị viện thế giới (IPU) Maritin Chungong khẳng định, IPU sẵn sàng tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác nghị viện trong khuôn khổ lớn hơn tại IPU, nhằm tăng cường thể chế và thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các nước trong ứng phó biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai. 
Với chủ đề về “Đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực”, các nghị sĩ đã trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm tốt trong hành động của nghị viện để nâng cao hiệu quả hợp tác về văn hóa và du lịch. Nghị sĩ Mexico Arturo Santana Alfaro cho rằng, du lịch và văn hóa có đóng góp quan trọng trong thương mại. “Di sản văn hóa là nhân tố thúc đẩy kinh tế xã hội và môi trường, giúp gắn kết người dân giữa các quốc gia, xây dựng thành công mối quan hệ lâu dài để giải quyết các vấn đề chung. Để đạt được điều này, một yếu tố quan trọng là thúc đẩy giao thông vận tải để có thể kết nối giữa các thành viên APPF”, nghị sĩ Mexico nhìn nhận.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới và lãnh đạo Nghị viện các nước
Ngày 20-1, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong nhân dịp ông sang Việt Nam tham dự Hội nghị APPF-26. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Tổng Thư ký IPU đã tham dự hội nghị, thể hiện tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ của IPU đối với Quốc hội Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế và vai trò của Quốc hội Việt Nam.
Tổng Thư ký IPU Martin Chungong cho biết, luôn dành tình cảm nồng ấm cho Việt Nam; khẳng định, mối quan hệ hợp tác giữa IPU và Việt Nam thời gian qua đã và đang phát triển rất tốt đẹp. Đề cập đến việc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), Tổng thư ký IPU nêu rõ, thúc đẩy việc thực hiện SDGs đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của IPU. IPU luôn ủng hộ các nước thành viên trong việc hiện thực hóa các mục tiêu này. Về kinh phí, nguồn vốn để thực hiện các chương trình, IPU sẽ kêu gọi sự tài trợ của các nước dành cho Việt Nam.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tiếp Phó Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia Tep Ngorn, Trưởng đoàn Campuchia tham dự APPF-26; Chủ tịch Hạ viện Chile Fidel Espinoza Sandoval và Đoàn đại biểu Chile tham dự APPF-26; Chủ tịch Thượng viện Mexico Ernesto Cordero và Đoàn đại biểu Thượng viện Mexico…
                                                                                                            ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục