Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Bến Tre phải tổ chức thành công “Đồng Khởi mới” về kinh tế

 

Với tiềm năng đang có, với nền văn hóa đặc sắc, con người Bến Tre anh dũng kiên cường, luôn muốn làm giàu và khát vọng cống hiến, góp sức cho sự phát triển của tỉnh, các nhà đầu tư có thể tìm thấy ở Bến Tre cơ hội đầu tư đầy triển vọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HÀM LUÔNG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HÀM LUÔNG

Ngày 20-7-2017, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bến Tre năm 2017 nhằm tuyên truyền, giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh và chính sách mời gọi đầu tư của tỉnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Phát biểu chào mừng, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre giới thiệu tiềm năng, lợi thế và chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư.

Theo ông Trọng, Bến Tre là tỉnh nằm trong vùng ĐBSCL, nằm liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách TPHCM 87 km, đặc trưng giao thông thủy bộ thuận lợi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 5,64%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 1.200 USD, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 60.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt gần 2.700 triệu USD, doanh thu du lịch đạt 2.400 tỷ đồng.

Trong 5 năm 2011-2015, có 1.400 doanh nghiệp (DN) đăng ký mới nâng tổng số DN hiện có là 3.200 DN. Có 54 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 820 triệu USD; 137 dự án trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 13.700 tỷ đồng. Thế mạnh chính của tỉnh là nông nghiệp bao gồm kinh tế vườn với cây dừa diện tích hơn 70.000ha, sản lượng hơn 600 triệu trái là thế mạnh đặc trưng của tỉnh đạt kim ngạch xuất khẩu gần 200 triệu USD, sản xuất khoảng 40 sản phẩm từ dừa xuất khẩu.

Bến Tre có 65 km bờ biển tạo thế mạnh về kinh tế biển cả lĩnh vực nuôi trồng, khai thác biển và chế biến thủy hải sản. Nông nghiệp đóng vai trò chính và từng bước chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng dần tỉ trong công nghiệp, dịch vụ.

Về công nghiệp, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng 2 khu công nghiệp là Giao Long và An Hiệp diện tích 240ha, đã lắp đầy 100%, xác định xây dựng hạ tầng khu cụm công nghiệp là một trong những ưu tiên mời gọi, hợp tác đầu tư giữa Bến Tre với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt trên 80.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và Bến Tre chứng kiến ký kết hợp tác đầu tư vào Bến Tre. Ảnh: HÀM LUÔNG

Để thu hút đầu tư vào Bến Tre, UBND tỉnh có chính sách kêu gọi đầu tư thuận lợi, thông thoáng như: nhà đầu tư được tiếp cận bộ máy chính quyền “năng động – đổi mới – đồng hành cùng DN”, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng tổ dịch vụ công theo cơ chế một đầu mối tại Trung tâm xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp để phục vụ DN; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30%-50% so với quy định; hỗ trợ DN xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, giới thiêu sản phẩm nhờ đó Bến Tre đạt chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2016 đứng vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành; chỉ số PAPI đứng thứ 6/63 tỉnh, thành trong cả nước là dấu hiệu tích cực, khẳng định quyết tâm cao của bộ máy chính quyền các cấp, tạo lập môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Bến Tre tìm cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và biểu dương việc Bến Tre tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư gắn với tổ chức ngày hội Đồng khởi - Khởi nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bến Tre cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; có chính sách thông thoáng thu hút nhà đầu tư đến Bến Tre tìm cơ hội đầu tư. Bến Tre cần tạo quỹ đất cho nhà đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển công nghiệp chế biến.

Bên cạnh đó, Bến Tre cần huy động nhiều nguồn vốn để phát triển hạ tầng điện và giao thông; Các cấp chính quyền phải thực sự cầu thị, ba cùng cùng DN: cùng ăn, cùng làm, cùng chia sẻ với DN; Bến Tre cần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phát động cuộc “Đồng khởi mới” về kinh tế và khởi nghiệp, tập trung vào các giải pháp trí tuệ, biến nguy thành cơ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; …

Bến Tre cũng cần chú ý khai thác lợi thế hệ thống sông rạch; kết nối giữa Bến Tre với các tỉnh trong vùng, nhất là và với TPHCM trong phát triển kinh tế.

Dịp này, lãnh đạo tỉnh trao quyết định cho 30 nhà đầu tư vào Bến Tre với tổng vốn trên 20.000 tỉ và 240 triệu USD.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bến Tre về tình hình kinh tế - xã hội. Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bến Tre cần có chương trình công tác để thích nghi với biến đổi khí hậu, biến nguy cơ thành thời cơ để phát triển, từ đó có cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình mới, cùng với Trung ương và các nguồn lực khác để xử lý hiệu quả, bền vững tác động của biến đổi khí hậu. Nêu lên một số hạn chế, tồn tại của Bến Tre, như quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thách thức về nguồn nhân lực, thách thức quản lý xã hội…
Thủ tướng gợi ý một số giải pháp cho Bến Tre thời gian tới. Trong đó, Bến Tre cần phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nước ngọt, quy hoạch đô thị ven sông và ven biển gắn với mô hình kinh tế tiềm năng của dịch vụ du lịch, năng lượng sạch, dịch vụ hậu cần, thị trường bất động sản. Tỉnh cũng cần nhiều hơn nữa mô hình hợp tác xã kiểu mới, nông nghiệp đa chức năng, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh; cần có tiêu chí đảm bảo nông sản an toàn để có đầu ra cho sản phẩm.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã dâng hương, dâng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre.

Tin cùng chuyên mục