Bệnh dại quay trở lại: Lỗ hổng trong công tác phòng ngừa

Là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tỷ lệ tử vong gần 100%, sau nhiều năm được khống chế, năm nay bệnh dại xuất hiện trở lại và diễn biến phức tạp. 
 
Phụ huynh đưa con đến tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Viện Pasteur TPHCM ảnh: HOÀNG HÙNG
Phụ huynh đưa con đến tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Viện Pasteur TPHCM ảnh: HOÀNG HÙNG
Tử vong do bệnh dại tăng cao

Mới đây, một phụ nữ 52 tuổi tại TPHCM đã tử vong do mắc bệnh dại. Trước đó hơn 1 tháng, người này bị chó nhà hàng xóm cắn và con chó đã chết sau đó vài ngày. Tuy nhiên, do chủ quan, người phụ nữ vẫn không đi chích ngừa và đã phát bệnh, dẫn đến tử vong. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010 đến nay, TPHCM ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại. Tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM, tính đến cuối tháng 7-2017, BV đã tiếp nhận 5 bệnh nhân mắc bệnh dại và tất cả đều tử vong, tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, có 2 trường hợp được chuyển đến từ tỉnh Bình Phước, 2 ca từ tỉnh Đắk Nông, 1 ca từ tỉnh Gia Lai. 

Đang nằm theo dõi nghi mắc bệnh dại tại Khoa Nhiễm D (BV Bệnh nhiệt đới TPHCM), anh Châu Văn Chỗ (quê ở Kiên Giang, tạm trú tại Dĩ An, Bình Dương) cho biết cách đây hơn 2 tuần, anh bị chó của chủ nhà trọ cắn. Sau khoảng 1 tuần, con chó cắn anh bị chết, còn anh thì bắt đầu lên cơn co giật, sùi bọt mép. Ngay lập tức, anh được người nhà đưa đến BV Bệnh nhiệt đới điều trị. Tại đây, dù chưa phát hiện ra virus dại trong cơ thể nhưng anh Chỗ vẫn được tiêm huyết thanh kháng virus dại SAR và theo dõi liên tục.
Theo bác sĩ Dương Bích Thủy, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn (BV Bệnh nhiệt đới TPHCM), các nạn nhân đa số bị chó nhà, chó của hàng xóm tấn công, cắn hoặc cào nhưng không đi tiêm phòng sớm. Đáng lưu ý, có trường hợp bị chó dại cắn vào mùa mưa, không phải trong đợt cao điểm nắng nóng, nhưng vẫn phát bệnh và tử vong. “Bệnh nhân bị chó cắn quá 1 tuần mà không đến chích ngừa thì khả năng bị bệnh dại là rất cao. Khi bị bệnh dại thì đáng sợ nhất là biến chứng viêm não, nếu bị biến chứng viêm não thì hầu như tử vong 100%”, bác sĩ Dương Bích Thủy cho hay.

Cũng theo bác sĩ Dương Bích Thủy, thời gian gần đây, y văn thế giới đã ghi nhận hơn 10 trường hợp mắc bệnh dại được sống sót nhờ vào phác đồ điều trị mới. Do vậy, từ tháng 5-2017, BV Bệnh nhiệt đới đã thử áp dụng phác đồ điều trị này đối với các trường hợp mắc bệnh dại. Mặc dù chưa cứu sống được bệnh nhân nào, nhưng phác đồ này đã giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân được trên 21 ngày, thay vì chỉ 1 - 2 ngày như trước đây. Các bác sĩ hy vọng trong thời gian tới sẽ áp dụng phác đồ thành công, tăng cơ hội sống cho các bệnh nhân mắc bệnh dại.

Nên chích ngừa vật nuôi hàng năm 

Theo thông tin từ Viện Pasteur TPHCM và BV Bệnh nhiệt đới, thời gian gần đây, số lượng người dân tìm đến chích ngừa vaccine phòng bệnh dại tương đối đông. Tại BV Bệnh nhiệt đới, từ tháng 4 đến nay, trung bình mỗi tháng có khoảng 170 - 270 trường hợp bị chó, mèo cắn được tiêm huyết thanh kháng virus dại SAR. Bên cạnh đó, có khoảng 200 - 800 người được tiêm vaccine phòng bệnh dại Verorab. Đang ngồi chờ đến phiên chích ngừa vaccine phòng bệnh dại tại Viện Pasteur TPHCM, anh Huỳnh Hiếu Tân (ngụ quận 8) cho biết trong lúc đùa giỡn với con chó do gia đình nuôi, anh bị chó quơ trúng tay chảy máu. “Dù chó nhà mình được chích ngừa đều đặn hàng năm, nhưng mình thấy hơi lo nên đi chích phòng bệnh dại cho yên tâm”, anh Tân chia sẻ.

Bác sĩ Phan Công Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TPHCM, cho biết từ xưa đến nay việc nuôi chó, mèo tại gia đình trong cộng đồng người Việt Nam khá phổ biến. đây chính là nguồn lây bệnh dại, nếu như chó, mèo không được chích ngừa đầy đủ. Ngoài ra, tình trạng thả rông chó, mèo cũng diễn ra khá nhiều trong các khu dân cư. Mặc dù pháp luật nghiêm cấm việc thả rông chó, mèo tại các khu vực công cộng, khu dân cư, nhưng nhiều người dân vẫn phớt lờ quy định này, mà không biết rằng đang tạo ra mối nguy hiểm cho người khác. Do vậy, bác sĩ Hùng cảnh báo, bên cạnh việc phải chích ngừa vật nuôi theo định kỳ, thì khi cho chó, mèo ra đường cần phải có dây xích hoặc rọ mõm chúng lại.

Còn theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, nhiều người dân vẫn chủ quan, dù bị súc vật cắn nhưng không đi chích phòng bệnh dại, do nghĩ là chó nhà nuôi đã được tiêm phòng. Các bác sĩ cảnh báo dù chó, mèo đã được tiêm phòng bệnh dại đầy đủ thì khi bị cắn hoặc cào hoặc liếm trên vùng da bị trầy xước, người dân cần rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng; sát trùng bằng dung dịch Povidin; sau đó đến ngay cơ sở y tế có tiêm phòng dại để được tư vấn tiêm vaccine. Tiếp tục theo dõi sát tình trạng sức khỏe của con chó, mèo trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn, nếu con vật bị bệnh, bị mất hoặc bị chết thì thông báo ngay cho cơ sở tiêm phòng dại để được tư vấn. Trong trường hợp bị chó hoang, mèo hoang không rõ lai lịch cắn, thì cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để tiêm phòng bệnh dại.

Tin cùng chuyên mục