Bệnh lý chuyển hóa - “Dịch bệnh” âm thầm

Mặc dù không phải bệnh cấp tính, lây lan như bệnh dịch nhưng các bệnh chuyển hóa đang được ví như những “dịch bệnh” âm thầm. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các bệnh lý rối loạn chuyển hóa và các bệnh không lây nhiễm đã được đưa vào các chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia, như: tiểu đường, mỡ máu, cao huyết áp.
Bệnh lý chuyển hóa - “Dịch bệnh” âm thầm

Mặc dù không phải bệnh cấp tính, lây lan như bệnh dịch nhưng các bệnh chuyển hóa đang được ví như những “dịch bệnh” âm thầm. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các bệnh lý rối loạn chuyển hóa và các bệnh không lây nhiễm đã được đưa vào các chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia, như: tiểu đường, mỡ máu, cao huyết áp.

Một trong những bệnh lý khá phổ biến hiện nay, theo TS-BS Phan Nguyễn Thanh Bình, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, là hội chứng chuyển hóa mỡ máu (lipid máu). Qua điều tra mới đây, TS Thanh Bình cho biết có tới 77,8% người béo phì bị rối loạn chuyển hóa lipid và 35,6% rối loạn chuyển hóa đường. Theo GS-TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, các nghiên cứu nhận thấy người có lượng cholesterol trong máu cao có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cao gấp 2 - 3 lần so với người bình thường, là nguyên nhân gây nên các bệnh cao huyết áp, đột quỵ, gan nhiễm mỡ, sỏi mật, tiểu đường, béo phì. GS-TS Phạm Gia Khải đánh giá trung bình cứ 2 người ở thành thị có 1 người thừa cholesterol, cứ 3 người cao tuổi lại có 2 người thừa cholesterol. Đây là tỷ lệ đáng lo ngại, bởi tình trạng cholesterol máu cao có thể dẫn đến rất nhiều nguy cơ khác cho sức khỏe, đặc biệt là về tim mạch. Thống kê sơ bộ của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy khoảng 26% người Việt Nam ở lứa tuổi 25 - 74 bị rối loạn mỡ máu. Tại các thành phố lớn, số người có tỷ lệ mỡ máu cao lên tới 44% - 45% như ở TPHCM, Hà Nội.

Tiêm thuốc cho bệnh nhân tại một bệnh viện

Cùng với bệnh lý chuyển hóa mỡ máu, cao huyết áp cũng là một hội chứng đang âm thầm gia tăng. Theo BS Nguyễn Huy Thắng, Tổng Thư ký Hội Đột quỵ Việt Nam, nếu không kiểm soát tốt tình trạng huyết áp, nguy cơ đột quỵ rất cao (gấp 4 - 6 lần so với bệnh nhân có huyết áp bình thường). Hàng năm tại Việt Nam, đột quỵ khiến hơn 200.000 trường hợp mắc mới, trong đó gần 11.000 người chết và để lại nhiều dị tật cho số còn lại. Ngay cả trẻ em, theo công bố mới đây của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, tình trạng tăng huyết áp ở học sinh các cấp tại TPHCM năm 2014 là 15,4%, đặc biệt tình trạng tăng huyết áp đã xuất hiện ở học sinh tiểu học với tỷ lệ 13,4%. “Những số liệu trên cho thấy có nguy cơ ẩn họa đối với thể chất của các thế hệ tương lai: phải gánh chịu những áp lực về bệnh tật, sức khỏe, ảnh hưởng đến trí tuệ, sức học tập, lao động về sau”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, lo lắng.

Tác nhân từ lối sống

Một trong những bệnh lý được ví như “đại dịch” mà PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), quan ngại tại hội nghị công tác khám chữa bệnh năm 2015 mới đây là tiểu đường. Trong vòng 3 năm qua, số người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở TPHCM đã tăng gần gấp 3 lần (gần 1 triệu người mắc, chiếm khoảng gần 9% dân số thành phố). Từ khoảng 2 năm trở lại đây, BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, nơi có hội đồng các chuyên gia hàng đầu về bệnh lý ĐTĐ, đã tiếp nhận mỗi năm gần 1.000 trường hợp mắc ĐTĐ. Trong đó, hầu hết bệnh nhân đến khám và điều trị không hề nghĩ rằng bị bệnh ĐTĐ, đến khi thử đường huyết mới biết. Thậm chí, có trường hợp khi đến bệnh viện thì chân đã biến chứng có dấu hiệu lở loét, mắt mờ hẳn nhưng người bệnh lẫn gia đình cứ tưởng bị bệnh nhiễm trùng. Theo Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh ĐTĐ quốc gia, ĐTĐ là một bệnh lý mãn tính không lây, là một trong bốn “đại dịch” của thế kỷ 21 do sự phát triển rất nhanh về tần suất mắc bệnh. Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, tình hình mắc ĐTĐ đang có chiều hướng gia tăng mạnh, đặc biệt ở các thành phố lớn. Năm 1990, tỷ lệ mắc ở khu vực nội thành là 2,5%, năm 2001 là 4%, nay đã là 8%. Điều đáng nói là hơn 65% người bệnh không hề biết bị bệnh.

Các chuyên gia y tế nhìn nhận lối sống hiện đại mất cân bằng, an toàn thực phẩm, stress, môi trường… là những tác nhân gây ra các bệnh lý chuyển hóa. “Một bộ phận người dân cứ “nạp” nhiều chất dinh dưỡng, chất béo nhưng ít hoạt động, cộng với hút thuốc lá và dùng thuốc men có tính sinh tiểu đường làm gia tăng mắc bệnh lý chuyển hóa”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết. Tuy nhiên, theo BS Diệp, các nguồn kinh phí để truyền thông về các bệnh lý chuyển hóa khá hạn hẹp! Tại hội nghị y tế dự phòng các bệnh chuyển hóa không lây nhiễm mới đây, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng nhấn mạnh ngoài sự ý thức của mỗi người về lối sống lành mạnh, thể lực, khuyến khích tiêu thụ rau quả và kiểm soát các thực phẩm gây hại, nhất là hạn chế đồ uống có đường, cần có sự chung tay của cộng đồng và hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, hỗ trợ để đẩy lùi các “dịch bệnh” chuyển hóa.

Ngay cả trẻ em, theo các chuyên gia y tế, tình trạng chuyển hóa mỡ máu cũng phổ biến. Theo số liệu tổng kết mới đây của Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện đã phát hiện nhiều trẻ mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Trong số 1.709 trẻ được điều tra, có 160 trẻ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, số còn lại chưa có triệu chứng lâm sàng nhưng có nguy cơ cao cần được xét nghiệm sàng lọc. Số trẻ mắc bệnh được chẩn đoán đã phát hiện 23 rối loạn chuyển hóa bẩm sinh khác nhau của các axit hữu cơ, axit amin, axit béo, thiếu hụt chu trình urea… Tuy nhiên, đáng quan ngại, đa phần trẻ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa được phát hiện muộn, có tới 90% chưa phát hiện bệnh tại cộng đồng.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, các bệnh lý rối loạn chuyển hóa đang gia tăng mạnh mẽ qua các năm, gồm: rối loạn lipid máu, béo bụng, tăng huyết áp, tăng axit uric máu, thừa cân, béo phì, rối loạn dung nạp đường huyết. Hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành...), đái tháo đường, gout. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa ở người từ 55 - 64 tuổi là hơn 20%.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục