Bệnh viện Ung bướu TPHCM: “Khổ” vì… quá tải!

Bệnh viện Ung bướu TPHCM: “Khổ” vì… quá tải!

Hàng ngày tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cả ngàn bệnh nhân chờ khám bệnh không có chỗ ngồi, phải vá víu vào bất cứ chỗ nào còn trống ở hành lang và sân bệnh viện. Bên trong phòng bệnh 3 bệnh nhân nằm trên một chiếc giường bề ngang… 0,5m. Sự quá tải ở đây đã vượt ngưỡng và đáng báo động!

Chỗ ngồi không có, lấy đâu ra... giường!

Bệnh viện Ung bướu TPHCM: “Khổ” vì… quá tải! ảnh 1
Bệnh nhân chờ đến phiên mình khám bệnh

11g trưa ngày đầu tuần, chúng tôi vào khu khám bệnh A nằm ngay cổng Bệnh viện Ung bướu TPHCM (số 3 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) sự quá tải hiện ra ngay trước mắt khi những con người bất hạnh, mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác đang chen lấn nhau, kẻ đứng, người ngồi chờ được gọi tên để khám bệnh.

Khoảng sân của bệnh viện vốn rộng nhưng đã trở nên ngột ngạt, nhỏ bé trước cả ngàn người ngồi chờ khám. Có tiếng la ó của bệnh nhân tại phòng khám bệnh khu B, chúng tôi đến và phát hiện một bệnh nhân lớn tuổi đứng chờ đến lượt mình làm xét nghiệm máu đã… xỉu vì mệt mỏi. Ông tên Phạm Kim, 70 tuổi, ở Trà Vinh lên khám bướu cổ.

Chị Lê Thị Lý, 42 tuổi, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định bị u ở ngực, cho biết: “Nghe nói bệnh viện đông lắm nên khi đến Bến xe Miền Đông, tôi đã gọi xe ôm đến ngay bệnh viện để nộp hồ sơ từ lúc 5g30 sáng, nhưng gần 12g vẫn chưa thấy gọi tên”. Vừa mệt vì bệnh, vì… không có chỗ ngồi, chị Lý than thở: “Nếu biết như thế này chắc tôi đã ở nhà… chờ chết cho xong. Chứ ở đây chờ điều trị thì chắc cũng chết!”.

Bên trong phòng bệnh càng thê thảm hơn. Chị Nguyễn Thị Lụa, quê ở Cần Thơ, bị K cổ tử cung, ở phòng 202, Khoa xạ 2 cho biết: “Tôi đã nằm ở khoa xạ được 2 tuần rồi nhưng chưa có lịch xạ. Phòng rất chật hẹp, chỉ khoảng chừng 20m² mà tới… 34 bệnh nhân”.

Còn chị Trần Thị Liên Hoa, quê Nha Trang, than thở: “Cao điểm phòng này còn có hơn 50 bệnh nhân. Trên một chiếc giường rộng 0,5m phải chứa tới 3 bệnh nhân. Những bệnh nhân còn khỏe thì trải chiếu nằm dưới đất, nhường giường cho những bệnh nhân nặng hơn hoặc già yếu. Còn những người khỏe… hơn thì phải chọn giải pháp xách chiếu ra hành lang “tạm trú”.

Dự án giảm tải: Còn… trên giấy!

Bệnh viện Ung bướu TPHCM không chỉ nhận bệnh nhân TPHCM mà còn cả các tỉnh thành phía Nam bị mắc các bệnh liên quan đến ung bướu. Tuy nhiên do cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện không được đầu tư tương xứng với tên tuổi của một bệnh viện, gây ảnh hưởng lớn đến việc khám và điều trị. Thậm chí các bệnh nhân phải chờ đến cả tháng mới tới lượt mình được điều trị. Quá bức xúc nên có bệnh nhân đã gọi đây là bệnh viện… quá tải mới đúng.

Tình trạng quá tải ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã được các cơ quan ban ngành nhìn thấy. Cách đây 4 năm, ngày 3-9-2004, UBND TPHCM đã phê duyệt dự án xây dựng khu khám, chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh ung thư hiện đại, gồm 2 tầng hầm và 7 tầng lầu ở số 47 Nguyễn Huy Lượng (Bình Thạnh) để nhằm mở rộng diện tích phục vụ bệnh nhân.

Song song đó, Thành ủy, HĐND TP cũng đã chỉ đạo các ban ngành, Sở Y tế xây dựng thêm một bệnh viên ung bướu mới, có sức chứa 1.000 giường, tọa lạc ở quận 9. Sau một thời gian tìm kiếm, Sở Y tế TPHCM đã có tờ trình UBND TP về dự án xây dựng Bệnh viện Ung bướu 2 với quy mô 1.000 giường trên diện tích 5-10ha tại phường Tân Phú, quận 9,TPHCM. Dự tính trong thời gian 3 năm, bệnh viện này sẽ ra đời…

Tuy nhiên theo tìm hiểu, kế hoạch này khó khả thi vì sau 3 năm thực hiện, dự án này vẫn chỉ mới xong ở trên… giấy tờ. Như dự án xây dựng khu khám bệnh hiện đại tại số 47 Nguyễn Huy Lượng từ khi trình lên đã phải vướng bao nhiêu thủ tục nhiêu khê và đến nay kết quả cũng giống như bao công trình khác do tổng dự toán cho công trình thay đổi… nên phải báo cáo lại. Vừa rồi, Sở Kế họach và Đầu tư TPHCM đã đến làm việc và hy vọng khoảng… 2 năm nữa sẽ xong!

Thực trạng “rùa bò” như thế nên một chuyên gia trong ngành đã tâm sự: 3 năm vẫn chưa hoàn thành được khu khám bệnh nhỏ như thế thì việc xây dựng một Bệnh viện Ung bướu 2 sẽ hoàn thành vào năm 2010 như ngành y tế thành phố dự tính là điều… khó khả thi. Chỉ có một điều chắc chắn là người bệnh sẽ tiếp tục chịu khổ dài dài khi đến khám, chữa bệnh tại đây!.
 

Khu vực Bệnh viện Ung bướu có diện tích 10.000m2, mỗi ngày khám khoảng 1.500 bệnh nhân, điều trị gần 7.000 bệnh nhân nội/ngoại trú. Nếu mỗi bệnh nhân có ít nhất một thân nhân đi kèm thì tổng số lên đến 17.000 người. Tính cả gần 1.000 nhân viên bệnh viện, tổng số người ra vào hằng ngày tại bệnh viện lên đến 18.000 người! Vì thế mọi khoảng trống trong bệnh viện, từ hành lang, lối đi, cầu thang đều bị chiếm dụng để ngồi, nằm, sinh hoạt!  

Việt Nhân

Tin cùng chuyên mục