Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng - Băn khoăn mô hình

Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (BVUT) có vốn đầu tư lớn, chủ yếu từ ngân sách nhưng chủ đầu tư lại thuộc ngoài công lập. Hơn nữa việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh (đơn vị được xem chủ sở hữu bệnh viện - gọi tắt là Hội) còn chưa rõ ràng, thiếu minh bạch.
Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng - Băn khoăn mô hình

Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (BVUT) có vốn đầu tư lớn, chủ yếu từ ngân sách nhưng chủ đầu tư lại thuộc ngoài công lập. Hơn nữa việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh (đơn vị được xem chủ sở hữu bệnh viện - gọi tắt là Hội) còn chưa rõ ràng, thiếu minh bạch.

Lúng túng trong đầu tư, quản lý

BVUT với cơ chế hoạt động phi lợi nhuận lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam đã giúp nhiều bệnh nhân ung thư nghèo được chữa bệnh miễn phí. Lúc đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã kêu gọi, vận động nhiều tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm góp kinh phí, giúp trang thiết bị. Với những bệnh nhân nghèo khu vực miền Trung, bệnh viện này thực sự mang nhiều ý nghĩa vì tại nhiều bệnh viện ở các thành phố lớn, bệnh nhân và người nhà đang phải “ngồi viện” vì quá tải và bệnh nhân ung thư nghèo không thể tiếp tục chữa trị vì không đủ tiền… “Bệnh nhân thuộc hộ nghèo được miễn phí hoàn toàn chi phí điều trị sau khi trừ phần được BHYT thanh toán, kể cả tiền thuốc không có trong danh mục thanh toán của BHYT. Ngoài ra, chúng tôi còn miễn phí chi phí ăn, ở cho bệnh nhân và người nhà thuộc diện hộ nghèo có BHYT. Còn với những bệnh nhân không có thẻ BHYT và không thuộc diện nghèo, chúng tôi sẽ căn cứ theo mức trần điều trị ở các bệnh viện có khoa ung thư khác để thu viện phí mức bằng hoặc thấp hơn” - ông Trịnh Lương Trân, Giám đốc bệnh viện, cho biết.

Đăng ký khám bệnh tại BVUT Đà Nẵng.

BVUT Đà Nẵng hoạt động theo Luật doanh nghiệp và do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố làm chủ đầu tư với vốn điều lệ 985 tỷ đồng, quy mô 500 giường, nguồn thu chính từ các dịch vụ khám chữa bệnh và các dịch vụ hợp pháp khác... Đến nay, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương và địa phương đầu tư vào bệnh viện đã lên đến con số trên 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2014, thành phố còn chi hỗ trợ (chi thường xuyên) cho bệnh viện 20 tỷ đồng để duy trì hoạt động của bộ máy. Và dự kiến trong năm 2015, ngân sách thành phố phải chi trên 20 tỷ đồng để bệnh viện duy trì hoạt động. Đó là chưa kể 15ha đất thành phố cấp cho bệnh viện không thu tiền sử dụng đất. Nhẩm tính với giá 3 triệu đồng/m2 thì 150.000m2 (15ha) đất thành phố cấp cho BVUT có giá trị khoảng 450 tỷ đồng. Như vậy, dù có hơn 90% nguồn vốn xây dựng bệnh viện đến từ ngân sách nhưng BVUT lại ngoài công lập (?).

Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của Hội còn nhiều điểm thể hiện sự lúng túng. Trong báo cáo ngày 1-6-2015 của Hội về “Tình hình hoạt động của BVUT và những đề xuất về cơ chế hoạt động bệnh viện” gửi lãnh đạo thành phố thì doanh thu năm 2014 của BVUT là 110.154.973.837 đồng. Còn chi phí trong năm của BVUT là 130.154.973.837 đồng, thiếu hụt đúng 20 tỷ đồng và thành phố đã phải trích ngân sách để hỗ trợ cho bệnh viện.

Tuy nhiên, theo số liệu của Hội cung cấp cho phóng viên thì doanh thu của BVUT năm 2014 là 113.886.105.688 đồng (từ nguồn BHYT và thu viện phí). Như vậy so với báo cáo gửi UBND thành phố thì doanh thu năm 2014 của bệnh viện chênh lệch hơn 3 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền 3,1 tỷ đồng thực hiện miễn giảm viện phí cho bệnh nhân nghèo thì được bà Nguyễn Thị Vân Lan, Chủ tịch Hội, khẳng định là không tính vào doanh thu của bệnh viện (!).

Cũng trong báo cáo tổng kết của Hội ngày 21-5-2015 “Về tình hình hoạt động của Hội, các đơn vị trực thuộc Hội và một số kiến nghị” gửi lãnh đạo thành phố thì từ khi thành lập đến nay (12 năm), Hội đã vận động được hơn 279 tỷ đồng quỹ hội. Thế nhưng, trong báo cáo ngày 1-6-2015 gửi lãnh đạo thành phố thì vốn do Hội vận động tài trợ (cả tiền và hiện vật) cho BVUT là 504,6 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng số tiền huy động cho BVUT đã gần gấp đôi số tiền quỹ hội vận động được trong 12 năm qua (?). Mặc dù trong 12 năm ấy, Hội đã thực hiện khá nhiều chương trình khác ngoài việc đầu tư cho BVUT.

Bệnh viện của nhân dân

BVUT là bệnh viện lớn, đẹp và hiện đại nhất Việt Nam, so với khu vực Đông Nam Á thì tương đương với các bệnh viện ở Thái Lan, Singapore… BVUT được thiết kế theo mô hình bệnh viện khách sạn với cảnh quan hài hòa, tiện nghi và thân thiện. Mọi phòng bệnh đều có phòng vệ sinh riêng, hệ thống điều hòa trung tâm và hệ thống khí trung tâm là điều mà không phải bệnh viện nào cũng có. Bệnh viện còn dành một khu nhà nghỉ gần 50 phòng (khoảng 400 giường) để người nhà bệnh nhân có điều kiện nghỉ ngơi trong thời gian chăm sóc bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh viện còn có hệ thống trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh ung thư như: máy CT-scan đa lát cắt, máy MRI 3,0T, máy tăng sáng truyền hình, máy siêu âm màu 4 chiều, máy nội soi can thiệp, máy đếm tế bào tự động 40 thông số, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy cắt lạnh, hệ thống phân tích gen…

Dẫu vậy, BVUT hiện phát huy công năng chưa đến 400 giường bệnh (trên tổng số 500 giường bệnh). Trong khi, theo thống kê của ngành y tế, hàng năm miền Trung có khoảng 15.000 bệnh nhân ung thư được phát hiện mới. Theo ghi nhận của chúng tôi tại BVUT, nhiều máy móc khá hiện đại chưa phát huy hết công năng. Chẳng hạn, máy cộng hưởng từ hay chụp cắt lớp 1 ngày có thể sử dụng để chữa trị cho khoảng 60-80 bệnh nhân nhưng ở BVUT chỉ thực hiện cho 6-8 bệnh nhân/ngày. Theo tìm hiểu được biết, hệ thống y tế quận, huyện tại TP Đà Nẵng hiện không gửi bệnh nhân lên đây vì cho rằng BVUT không thuộc hệ thống công lập.

GS-TS Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K., Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho rằng, nếu muốn BVUT phát triển bền vững, tạo được thương hiệu ở trong nước và khu vực, cần phải chuyển đổi mô hình quản lý là bệnh viện công, có thể trực thuộc Bộ Y tế, hoặc Sở Y tế thành phố mới có đủ nguồn lực để đầu tư dài hạn cho các hoạt động của bệnh viện. “Chuyển sang bệnh viện công lập sẽ tránh được tình trạng “chia năm xẻ bảy” và hoạt động minh bạch hơn. Vì Bệnh viện Đà Nẵng có thế mạnh đội ngũ cán bộ, còn BVUT có thế mạnh về cơ sở vật chất. Và như vậy, người nghèo hay giàu đều có thể vào đây chữa bệnh. Lúc đó người giàu sẽ đóng góp và nhờ đó hỗ trợ được người nghèo, chứ như hiện nay chủ yếu chỉ chữa cho bệnh nhân nghèo và giai đoạn nặng thì đến lúc nào đó bệnh viện sẽ khó tồn tại được” - ông Đức nhấn mạnh.

TÂM CHUYÊN

Tin cùng chuyên mục