Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Không thể có đại học vô chủ

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT _ tự nhận mình là "người cũ của ngành giáo dục", là "một thầy giáo già", đã có nhiều ý kiến thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân

Sáng 6-11, Quốc hội đã thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học  (GDĐH).

Đại học như không có chủ sẽ rất nguy hiểm

Tại phiên thảo luận, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT _ tự nhận mình là "người cũ của ngành giáo dục", là "một thầy giáo già", đã có nhiều ý kiến thảo luận về dự án luật này.

Bí thư cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH là cơ sở để có một nền giáo dục hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của đất nước và nhân dân. “Nhưng có một vấn đề cần viết rõ hơn trong luật mà trong quá trình vận hành thực tiễn chúng tôi thấy rất rõ”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu.

Về cơ sở GDĐH công lập do Nhà nước là chủ sở hữu, đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, chữ “sở hữu” rất quan trọng, vì chủ sở hữu là người đề xuất và chấp nhận lập ĐH, là người đầu tư cho ĐH phát triển, “nhưng phải là người có quyền quyết định về mặt nhân sự”.

Chủ sở hữu mà không được quyết định nhân sự thì nhân sự đó sẽ hình thành ĐH theo hướng khác... do đó phải có khái niệm về chủ sở hữu.

ĐH tư thục cũng vậy, là do tổ chức cá nhân trong hoặc ngoài nước là chủ sở hữu đầu tư và bảo đảm điều kiện.

“Vấn đề sở hữu ĐH hay vấn đề sở hữu của doanh nghiệp nhà nước tuy có khác nhau nhưng có nét giống nhau. Chúng ta đã mất nhiều thời gian xác định ai là chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Trong thực tế đã phân công có những loại doanh nghiệp rất lớn thì Chính phủ là chủ sở hữu, như các tập đoàn trong các thời gian trước; có những loại khác thì các bộ là chủ sở hữu, sau nữa là UBND cấp tỉnh. Bây giờ chúng ta thấy quản lý nhà nước kiêm chủ sở hữu không phù hợp, nên chúng ta phải có một tổ chức riêng là cơ quan đại diện vốn nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do nhà nước đầu tư. Thực chất đó là chủ sở hữu”, Bí thư Thành ủy giải thích.

Vì vậy, theo Bí thư Thành ủy TPHCM, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH có đề cập đến chủ sở hữu nhưng không có định nghĩa, đề nghị Ban Soạn thảo lưu ý điều này.

“Chủ sở hữu có 4 quyền: quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và quyền xử lý chế tài đơn vị này khi vi phạm pháp luật. Nếu không làm rõ sẽ thấy ĐH như không có chủ, như thế rất nguy hiểm. Không thể có ĐH vô chủ, mà người chủ phải làm đúng quyền của mình”, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị điều chỉnh ở Điều 7 dự thảo luật.

 

Bầu Chủ tịch Hội đồng trường: Quy trình ngược?

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng thảo luận về vấn đề Hội đồng trường (HĐT) của ĐH công lập. Dự thảo nêu HĐT ĐH công lập là tổ chức đại diện cho quyền chủ sở hữu của nhà nước. Điều này là chính xác. Nhưng chủ sở hữu nhà nước là ai, trong dự thảo chưa xác định. Phải xác định ai là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để họ quản lý, giám sát các trường. Dự thảo chưa có định nghĩa, vì thế đề nghị có bổ sung.

Từ vấn đề chủ sở hữu cũng liên quan đến thành viên HĐT. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, HĐT là  tổ chức đại diện cho quyền chủ sở hữu của nhà nước, nên chủ sở hữu phải có một số quyền liên quan đến HĐT. Ví dụ HĐT họp sẽ bầu ra Chủ tịch HĐT và các thành viên, nhưng tất cả những  người  này về nguyên tắc phải bảo đảm yêu cầu của chủ sở hữu.

“Trong dự thảo, quy trình này hơi ngược, tức là sau khi HĐT bầu xong, rồi mới gửi cho bộ hoặc UBND để duyệt danh sách, tôi cho rằng phải làm ngược lại. Tức trường đề xuất một danh sách các thành viên trong HĐT, mỗi vị trí có thể 2-3 người nhưng chủ sở hữu phải đồng ý nguyên tắc trước, sau đó HĐT bầu trong những người này. HĐT tuy có thể là người ngoài nhà nước nhưng phải đại diện chủ sở hữu nhà nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến.
Như vậy, quy trình thuận phải là danh sách dự kiến HĐT của trường được chủ sở hữu duyệt trước, sau đó HĐT bầu, bầu xong thì chủ sở hữu ra quyết định công nhận, do đó dự thảo luật cần xác định thẩm quyền của chủ sở hữu

Tương tự, vấn đề Chủ tịch HĐT, dự thảo quy định Chủ tịch HĐT do HĐT bầu trong số các thành viên, theo Bí thư Thành ủy TPHCM, quy định này cũng hơi ngược. Chủ tịch HĐT có thể dự kiến 2-3 người, nhưng họ phải được chủ sở hữu đồng ý, HĐT chỉ bầu trong số đó.

“Không phải HĐT bầu xong mới trình chủ sở hữu công nhận, lúc đó chủ sở hữu lại không đồng ý, vì cho rằng không xứng đáng. Vừa rồi đã xảy ra, rất đáng tiếc, đó là trường hợp một GS nước ngoài, về Việt Nam làm Phó Hiệu trưởng trường ĐH, được trường bầu làm Hiệu trưởng, nhưng trình sang cơ quan quản lý thì bị bác. Đó chính là do quy trình ngược”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, danh sách đó phải được chủ sở hữu đồng ý trước, còn trường có  bầu  hay không là chuyện của trường, chủ sở hữu phải làm đúng quyền của mình. Ở đây trong vấn đề chủ tịch HĐT thì chủ sở hữu chỉ làm quyền của mình là chọn danh sách đáp ứng yêu cầu của mình, còn HĐT trường bầu với nhau, lúc đó chủ sở hữu không can thiệp.

Về vấn đề tự chủ ĐH, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, dự thảo nêu cơ sở GDĐH chịu trách nhiệm giải trình theo quy định, quy định này đúng nhưng chưa đủ. Phải nêu rõ là chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, trước người học, trước xã hội và các cá nhân, cơ quan tổ chức liên quan. Tức là phải rõ trách nhiệm giải trình trước ai, lúc đó mới có cơ chế giám sát từ trong ra ngoài.

Về cơ quan quản lý Nhà nước về GDĐH, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng cho rằng dự thảo nêu đúng nhưng cũng chưa đủ, mà nên xác định rõ là chủ sở hữu nhà nước đối với ĐH công lập và cơ quan quản lý nhà nước. 

“Tóm lại, khái niệm chủ sở hữu phải được xác định rõ là ai, không nên dùng từ "cơ quan nhà nước có thẩm quyền". Đề nghị thay cụm từ "cơ quan nhà nước có thẩm quyền" bằng danh xưng cụ thể trong hệ thống của chúng ta, chỉ rõ đó là ai để làm cho dễ”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói.

Vừa qua, GS Trương Nguyện Thành được mời về làm Phó Hiệu trưởng điều hành của Đại học Hoa Sen từ tháng 1-2017. Đến tháng 4-2018, ông được Hội đồng Quản trị trường đại học tư thục này đề cử vào vị trí Hiệu trưởng với số phiếu 16/18. Tuy nhiên, theo quy trình công nhận vị trí hiệu trưởng theo luật Giáo dục GDĐH, ông "chưa đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý Khoa/Phòng của một cơ sở GDĐH Việt Nam” nên không được công nhận. Ông sau đó phải quay lại Mỹ.

Tin cùng chuyên mục