Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm công trình thoát nước ngầm khổng lồ nhất thế giới

Ngày 20-3, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, đoàn đại biểu cấp cao TPHCM do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Ban Quản lý dự án kênh xả ngầm ngoài khu vực đô thị (G-cans) tại tỉnh Saitama.
Đoàn đại biểu cấp cao TPHCM đang nghe giới thiệu về công trình thoát nước ngầm khổng lồ nhất thế giới (G-Cans). Ảnh: KIỀU PHONG

“Kênh xả ngầm ngoài khu vực đô thị” (Metropolitan Area Outer Underground Discharge Channel) thường được gọi là G-Cans thuộc sự quản lý của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản.

Trước đây khu vực ngoại ô Tokyo thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa do nước sông Tone, Are và Edo dâng cao. Đỉnh điểm là bão Mireilles vào tháng 9-1991 đã làm 30.000 ngôi nhà và 100km2 ở vùng ngoại ô phía Bắc của Tokyo ngập sâu, làm 52 người thiệt mạng. Do đó, Chính phủ Nhật Bản đã khẩn trương nghiên cứu xây dựng hệ thống G-Cans để giải quyết vấn đề ngập lụt.

Dự án này được xây dựng từ 1993 đến 2006, với chi phí khoảng 2,6 tỷ USD. G-Cans là công trình thoát nước ngầm khổng lồ nhất thế giới, bên dưới lòng đất của tỉnh Saitama, cách thủ đô Tokyo 38km, nhằm bảo vệ cư dân của TP và các khu vực lân cận khỏi nguy cơ ngập lụt.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm công trình thoát nước ngầm khổng lồ nhất thế giới ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu về công trình thoát nước ngầm G-Cans. Ảnh: KIỀU PHONG

Công trình gồm 5 hầm chứa bằng bê tông với chiều cao 65m và đường kính 32m, nối với nhau bằng các đường hầm dài 6,4km. Bên cạnh đó là một bể nước lớn cao 25,4m, dài 177m và rộng 78m mang tên gọi riêng “The Temple” (Ngôi đền).

Nâng đỡ bể nước tối quan trọng này là 59 cột trụ lớn kết nối với 10 máy bơm công suất cao có thể bơm tới 200 tấn/giây nước vào sông Edogawa.

Sau khi nhận lượng nước khổng lồ, các giếng này sẽ giúp điều tiết và đưa nước ra ngoài qua hệ thống cống ngầm đặc biệt. Quy trình vào - ra đều được xử lý bằng 78 máy bơm công suất lớn (10 MW - tốc độ: 200 tấn nước/s).

Theo tính toán của các chuyên gia, hệ thống thoát nước G-Cans có thể xử lý được số lượng nước mưa trên 550mm liên tục trong 3 ngày.

Ở cuối hệ thống, nước sẽ được trữ trong một bể kiểm soát áp lực khổng lồ. Bể này có chức năng giảm áp lực của nước chảy, cũng như kiểm soát dòng nước trong trường hợp chẳng may có một máy bơm bị vỡ. Bể chứa có kích thước dài 177m, rộng 78m và cao khoảng 22m dưới lòng đất.

Theo kỹ sư Kanazawa Hirokatsu, Tổng Quản lý hệ thống thoát nước G-Cans, công trình G-Cans là “quả đấm thép” giúp Nhật Bản giải quyết vấn nạn ngập nước ở Tokyo. Về hiệu quả kinh tế, kỹ sư Kanazawa Hirokatsu khẳng định công trình này đã giúp cho các trung tâm kinh tế, thương mại trong khu vực hoạt động ổn định, đóng góp cho kinh tế mỗi năm khoảng 40 tỷ Yên.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm công trình thoát nước ngầm khổng lồ nhất thế giới ảnh 3 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chụp hình lưu niệm tại công trình thoát nước ngầm G-Cans. Ảnh: KIỀU PHONG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tặng quà lưu niệm cho Ban Quản lý dự án kênh xả ngầm ngoài khu vực đô thị (G-cans). Ảnh: KIỀU PHONG

Sau khi tham quan thực tế, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự ấn tượng đối với công trình này.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết hiện nay lãnh đạo TPHCM đang rất quan tâm và tập trung nghiên cứu, tìm giải pháp chống ngập cho TPHCM. Giải pháp đưa nước xuống lòng đất để chống ngập của Nhật Bản là kinh nghiệm rất hữu ích đối với TPHCM.

“Trong các phương án chống ngập của TPHCM hiện nay chưa có phương án như công trình G-Cans”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin và khẳng định việc tham quan thực tế công trình G-Cans lần này là một gợi ý tốt đối với TPHCM.

Vì vậy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Quản lý dự án kênh xả ngầm ngoài khu vực đô thị (G-Cans) hợp tác với TPHCM để đánh giá thực trạng, đề xuất hướng giải quyết và triển khai các dự án hợp tác cụ thể để giúp TPHCM giải quyết tình tình trạng ngập tại TPHCM.

* Chiều cùng ngày, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cùng lãnh đạo một số sở ngành của TPHCM đã trao đổi chuyên môn đồng cấp với đại điện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI).
Đây là cơ quan phụ trách các chính sách liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm công trình thoát nước ngầm khổng lồ nhất thế giới ảnh 5 Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến tặng quà lưu niệm đối với chuyên gia phía METI
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến bày tỏ mong muốn có cơ hội tìm hiểu một cách trực tiếp cách thức Nhật Bản xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và các mô hình, sáng kiến thúc đẩy khởi nghiệp thành công.
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến thông tin, TPHCM đang triển khai nhiều giải pháp về tài chính, hạ tầng cơ sở và đào tạo nhằm hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, các dịch vụ hỗ trợ còn ở mức cơ bản. Vì vậy, đoàn đại biểu cấp cao TPHCM mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm để khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội phục vụ cho mục tiêu đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia của METI gợi ý trong chính sách khởi nghiệp, phía Nhật Bản tạo cơ hội liên kết giữa mọi người và liên kết giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp. Chính phủ Nhật Bản xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên mạng lưới hợp tác 4 bên, gồm Chính phủ - Nhà đầu tư - Trường đại học - Quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong đó, để đảm bảo khuyến khích hoạt động khởi nghiệp thì phải có khoản chi phí đầu tư mạo hiểm và chương trình đào tạo cho những nhà khởi nghiệp.
Đại diện METI cũng khẳng định Nhật Bản có các chuyên gia sang Singapore tìm hiểu, nắm bắt thị trường châu Á. Do đó, khả năng liên kết giữa Việt Nam và Nhật Bản trong hoạt động khởi nghiệp là hoàn toàn khả thi.

Tin cùng chuyên mục