Biến chứng viêm não do mắc cúm, sởi gia tăng

Ngày 20-2, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm 2019 tới nay, số bệnh nhi gặp biến chứng viêm não do virus cúm mùa H1N1 phải nhập viện điều trị có chiều hướng gia tăng. 
Bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: THÀNH AN
Bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: THÀNH AN

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết, hiện nay mỗi ngày khoa tiếp nhận trên 10 bệnh nhân bị cúm mùa nhưng đáng lo ngại là đã ghi nhận 3-4 trường hợp bị biến chứng viêm não sau khi mắc cúm. “Biến chứng viêm não sau khi mắc cúm năm nay tần suất gặp nhiều hơn các năm khác. Biến chứng xuất hiện vào ngày 2-3 sau sốt cao, trẻ ngủ nhiều, buồn nôn, nôn khan, co giật… và có những biểu hiện của nhiễm khuẩn thần kinh trung ương”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo các chuyên gia y tế, cúm là bệnh lây lan nhanh, triệu chứng giống như các trường hợp sốt virus nói chung. Triệu chứng viêm não là sau khi xuất hiện các biểu hiện cúm từ 2-3 ngày, trẻ bắt đầu chậm chạp, ngủ nhiều, có trẻ buồn nôn, nôn khan, co giật, có trẻ lại có một số biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng thần kinh trung ương như li bì, hôn mê, co giật. Sau 48 giờ chủ yếu chỉ điều trị hạ sốt và chăm sóc cho trẻ để phòng biến chứng, phụ huynh lưu ý chăm sóc trẻ nhiễm cúm bằng thuốc hạ sốt Paracetamol 6 giờ/lần để giảm nguy cơ co giật. Hầu hết trẻ mắc cúm nên điều trị tại nhà nhưng phải theo dõi một số dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục không hạ, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, khó thở, không chịu chơi… phải đưa trẻ đi viện để tránh biến chứng. Bởi lẽ, biến chứng viêm não sau cúm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng về thần kinh, nặng có thể gây tử vong.

Đối với tình hình dịch sởi, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận thêm 78 trường hợp mắc sởi, nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2018, Hà Nội chỉ ghi nhận 22 ca mắc sởi. PGS-TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, viêm não, màng não sau sởi là một biến chứng hiếm gặp nhưng khá nặng khi bệnh nhân bị rối loạn ý thức, phải thở ôxy và theo dõi sát sao tại phòng hồi sức cấp cứu. 

Để phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Tin cùng chuyên mục