Biến đổi khí hậu có thể khiến dân số TPHCM “phình” thêm

Bên cạnh các chính sách linh hoạt để thu hút đầu tư, thu hút lao động thì biến đổi khí hậu cũng tác động làm gia tăng dân số TPHCM…
Chạy trốn thiên tai
Khi miền Bắc và miền Trung luôn bị tổn thất lớn do hứng chịu thiên tai, bão lũ thì TPHCM với khí hậu ôn hòa, điều kiện tự nhiên thuận lợi là vùng đất hứa của người dân từ nhiều nơi đổ về.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, PGS-TS Lê Thanh Sang, môi trường tác động nhiều nhất đối với những người trong khu vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.
Ở góc độ trực tiếp, môi trường thay đổi làm mất sinh kế, mất thu nhập, buộc người dân phải di cư. Ở góc độ gián tiếp, môi trường bất lợi mang đến nhiều rủi ro trong nuôi trồng, sản xuất khiến chi phí gia tăng nhưng thu nhập thấp, đời sống bấp bênh, dần dà người dân sẽ chuyển đến những vùng đất khác.
Bên cạnh đó còn có tác động lan tỏa do giảm nhu cầu của thị trường việc làm tại chỗ như giảm nhu cầu thuê mướn, giảm nhu cầu đầu vào và đầu ra cũng khiến người dân chọn quyết định di cư. Trong tương lai, TPHCM sẽ tiếp tục là điểm đến của các cuộc di cư vì tác động của môi trường, chủ yếu là từ khu vực ĐBSCL và Trung bộ - 2 vùng xuất cư chính đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường ngày càng tăng.
Kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cho thấy, ĐBSCL là khu vực chịu tác động nặng nề và nghiêm trọng nhất từ biến đối khí hậu. Nếu nước biển dâng lên 1m thì khoảng 39% diện tích (gần 1,6 triệu ha) ĐBSCL bị ngập, khoảng 35% dân số (gần 6,3 triệu người) sẽ bị tác động trực tiếp.
Biến đổi khí hậu có thể khiến dân số TPHCM “phình” thêm ảnh 1   Một khu dân cư ven sông tại quận 7, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ   
Cộng hưởng vào đó là việc Trung Quốc xúc tiến xây hàng loạt đập thủy điện trên thượng nguồn và quốc gia Lào cũng đang xây dựng 3 đập thủy điện ở hạ nguồn sông Mê Công, khiến ĐBSCL càng thêm “chao đảo”. Đã có nhiều nghiên cứu, tính toán cho thấy các đập thủy điện sẽ chặn dòng chảy, gây giảm lượng phù sa và thiếu nước nghiêm trọng. Nước và phù sa là 2 thành tố chính làm nên sự tồn tại của đồng bằng và duy trì đời sống người dân. Những cuộc di cư vì thế sẽ còn tiếp tục và với số lượng người lớn hơn. 
Đất lành cũng nhiều… cám cảnh
Thực tế những năm gần đây, đô thị TPHCM trong quá trình phát triển cũng phát sinh nhiều vấn đề nan giải, một phần nguyên nhân gắn với sự “phình to” nhanh của dân số.
Chẳng hạn, phát triển thành phố về các vùng thấp khiến ngập lụt gia tăng: thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây nên khu vực Nam - Tây Nam và những quận mới ngập nặng nhất. Khai thác nước ngầm gây sụt lún và ô nhiễm nguồn nước cũng khiến nhiều khu vực bị lún cục bộ trên dưới 1cm/năm, từ năm 1992 đến nay, nhiều khu vực đã bị lún 20 - 30cm, gây ô nhiễm nguồn nước, giảm mực nước ngầm và làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn.
Thiếu không gian cây xanh đô thị và bê tông hóa quá mức bề mặt đô thị cũng làm tăng tình trạng ngập lụt, tăng nhiệt độ và đô thị thiếu gắn kết, thiếu thân thiện với môi trường. Phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, trong khi quá nhiều phương tiện giao thông cá nhân làm tăng tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và sức khỏe dân cư.
Các khu dân cư mới chưa được quy hoạch đồng bộ với năng lực của hạ tầng giao thông khi tăng nhanh dọc theo các trục đường chính, làm tăng tình trạng tắc nghẽn giao thông khi tập trung dân số với mật độ cao. Nhiều khu dân cư tự phát quanh các khu công nghiệp và địa bàn còn nhiều đất nông nghiệp, không đi kèm với các cơ sở hạ tầng, nhất là nước sạch, nước thải, xử lý rác.
Chưa xây dựng được các mô hình xử lý chất thải bền vững, đặc biệt là chất thải công nghiệp nguy hại, bao gồm dạng rắn và lỏng. Đây là một số tồn tại điển hình của TPHCM mà PGS-TS Lê Thanh Sang điểm lại. 
Trong tương lai, TPHCM vẫn tiếp tục là nơi đón nhận người dân từ các vùng chịu tác động bởi thay đổi môi trường, biến đổi khí hậu. Thế nhưng, chính thành phố cũng là khu vực chịu tác động bởi biến đổi khí hậu với mức độ chỉ sau ĐBSCL.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nếu mực nước biển dâng thêm 1m thì hơn 17% diện tích TPHCM sẽ bị ngập; trong đó, có tỷ lệ ngập cao là các quận ven và ngoại thành, như quận 2 ngập khoảng 26,6%, Hóc Môn ngập 31,7%, Bình Chánh ngập 36,4%..., nặng nhất là quận Bình Thạnh ngập hơn 80,8% diện tích. Vành đai kéo dài từ huyện Nhà Bè, quận 7 về huyện Hóc Môn, Củ Chi. Trùng hợp là vùng ven và các huyện ngoại thành cũng chính là khu vực dân số tăng nhanh và là nơi phân bố của người dân di cư đến TPHCM. 
Như vậy, việc gia tăng lao động đổ về TPHCM có thể góp phần vào gia tăng sản xuất, tăng trưởng kinh tế của thành phố, nhưng cũng gia tăng sức ép đối với các kế hoạch bố trí không gian, tổ chức cuộc sống. Vì thế, cần có các chính sách, chiến lược giải quyết các vấn đề tồn đọng, an sinh đời sống để phát triển bền vững. 
Tại tọa đàm khoa học “Di cư và các vấn đề môi trường tại các khu vực đô thị” do Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ tổ chức mới đây, PGS-TS Lê Thanh Sang cho hay, trong khi tỷ lệ dân số cả nước giảm một nửa thì riêng TPHCM tỷ lệ tăng dân số gần gấp đôi. Giai đoạn tăng mạnh nhất là 1999-2009, chiếm đến 1/5  dân số tăng thêm của cả nước. Dân số tăng chủ yếu do người di cư từ các vùng miền trong nước.

Tin cùng chuyên mục