Biến động nhân sự có thể “hủy diệt” doanh nghiệp

Sự biến động nhân sự của doanh nghiệp (DN) không chỉ khiến chi phí nhân sự của DN tăng lên, giảm hiệu quả kinh doanh mà thậm chí có thể “hủy diệt” DN.

Tại buổi toạ đàm “Làm sao bình yên trước biến động nhân sự” do Saigon Times Group và ManpowerGroup Việt Nam tổ chức sáng ngày 14-12, nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế ngày càng hội nhập, thị trường lao động ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn nên biến động nhân sự là khó tránh.

Rất nhiều DN đối diện với chuyện đi - ở như cơm bữa của nhân viên. Năng suất lao động giảm sút vì biến động nhân sự xảy ra liên tục.

Trong nhiều năm trước, biến động nhân sự chủ yếu diễn ra trong các công ty thâm dụng lao động, nhưng hiện nay, nhiều DN vừa và nhỏ (SME) cũng đang đối diện với câu chuyện biến động nhân sự.

Theo các chuyên gia nhân sự, tỷ lệ nghỉ việc tại một DN ổn định ở mức 4-6% là phù hợp. Tuy nhiên theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực, thông tin thị trường lao động TPHCM, ở nhiều công ty trong các ngành như tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản hiện tượng biến động nhân sự xảy ra liên tục, tỷ lệ thôi việc ở nhiều công ty lên đến trên 10%, có khi vài chục phần trăm. Điều đó gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, nhất là việc khó tuyển được đủ nhu cầu nhân sự chất lượng để thay thế.
Biến động nhân sự có thể “hủy diệt” doanh nghiệp ảnh 1 Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: NHUNG NGUYỄN
Lý giải việc biến động nhân sự, ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng, Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động TPHCM (ManpowerGroup Việt Nam) cho biết, lao động nhảy việc do nhiều nguyên nhân như trào lưu khởi nghiệp hút nguồn vốn ứng viên muốn khởi nghiệp, hoặc do ứng viên so sánh danh tiếng giữa các công ty, cũng có thể do ứng viên mong đợi sự linh hoạt, được trao quyền quyết định, phát triển năng lực và sáng tạo. Ngoài ra người lao động nhảy việc còn do các yếu tố mà họ cảm thấy chưa thỏa mãn liên quan đến phúc lợi, văn hóa doanh nghiệp, kế hoạch phát triển sự nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, khi nền kinh tế ngày càng hội nhập, thị trường lao động ngày càng cạnh tranh thì việc biến động nhân sự là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, theo ông Trần Bằng Việt, Giám đốc Điều hành Công ty DongA Solusions, bài toán về nhân sự luôn được các DN đề cao nhằm phát triển bền vững hơn. Bởi lẽ, sự biến động nhân sự của DN không chỉ khiến chi phí nhân sự của DN tăng lên, giảm hiệu quả kinh doanh mà thậm chí dẫn đến chất lượng và số lượng nhân sự thiếu và yếu có thể “hủy diệt” DN.

Tại đây, các DN cũng đã chia sẻ nhưng kinh nghiệm để đối phó với tình trạng biến động nhân sự. 

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), 5 năm vừa qua, PNJ đã xây dựng một hệ thống quản trị phụ thuộc vào hệ thống, không phụ thuộc vào con người.

Việc điều hành, quản trị của PNJ hiện nay đi theo một chuỗi giá trị, chứ không phụ thuộc vào một cá nhân nào. Đây cũng là cách giúp cho việc biến động nhân sự không quá ảnh hưởng đến hoạt động chung của PNJ.

Theo bà Lê Thị Kim Thúy, Giám đốc Nhân sự Bosch Vietnam, bí quyết của Bosch trong việc quản trị nhân sự là xây dựng đội ngũ nhân tài gắn bó và yêu mến công ty, có chính sách nhân sự phù hợp, chủ động tránh những biến động nhân sự đột ngột.

Trong khi đó, ở góc độ công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự, khoán việc và cho thuê lại lao động, ông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, đối với lao động phổ thông, DN nên tận dụng nguồn nhân lực tạm thời - ngắn hạn để giải quyết nhu cầu nhân sự trong mùa cao điểm, trong khi duy trì nguồn nhân lực then chốt.

Trong khi đó, đối với nhân viên văn phòng, doanh nghiệp nên tổ chức đào tạo và phát triển kỹ năng, chuyên môn liên tục, phải có các chính sách phúc lợi và kế hoạch phát triển sự nghiệp rõ ràng, phù hợp. Đặc biệt, DN nên ghi nhận ý kiến của nhân viên và giải quyết thỏa đáng những quan tâm này.

Báo cáo từ Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cũng cho thấy, hiện tượng chuyển dịch lao động Việt Nam trong giai đoạn 2013-2017 diễn ra chủ yếu ở 3 nhóm ngành kinh tế chính, đó là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Tỷ trọng lao động làm việc ở hầu hết các nhóm nghề đều tăng, tăng mạnh nhất là: nhóm thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị, nhóm chuyên môn bậc cao, tiếp đến là lao động dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng…

Tỷ trọng lao động có xu hướng giảm nhiều nhất ở nhóm nghề giản đơn, tiếp đến là nhóm nghề trong nông, lâm, ngư nghiệp. Các nhóm nghề cần nhiều lao động có trình độ hơn thì đều có số việc làm gia tăng với tốc độ cao.

Tin cùng chuyên mục