Biển nhộn nhịp trở lại

Cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) đã nhộn nhịp trở lại sau những ngày đìu hiu vì chịu vạ lây bởi sự cố môi trường ở Formosa. Những con tàu công suất lớn liên tục cập cảng chở sản vật của biển về bờ. Cùng lúc đó, những chủ tàu khác lại tranh thủ tiếp nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt... để quay trở lại Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt.
Biển nhộn nhịp trở lại

Cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) đã nhộn nhịp trở lại sau những ngày đìu hiu vì chịu vạ lây bởi sự cố môi trường ở Formosa. Những con tàu công suất lớn liên tục cập cảng chở sản vật của biển về bờ. Cùng lúc đó, những chủ tàu khác lại tranh thủ tiếp nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt... để quay trở lại Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt.

Nhiều ngày qua, cảng cá Thọ Quang, một trong những cảng cá lớn nhất miền Trung, tấp nập, nhộn nhịp hẳn. Dù là dịp lễ nghỉ đến 3 ngày nhưng cảng cá đông đúc từ sáng sớm đến tận tối.

Trong cái nắng hầm hập kèm theo gió biển rát bỏng, anh Trần Văn Chung (42 tuổi, trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 94743TS đang sửa lại giàn đèn cao áp để chuẩn bị chuyến khơi. Trong khi đó, hàng chục ngư dân đang vớt cá từ trong khoang lên phân phối cho thương lái đang đợi sẵn trên cầu cảng. Cũng phải mấy tháng rồi, anh Chung và các bạn tàu mới vui trở lại sau những ngày biển vắng đìu hiu. Anh Trung bảo, từ khi thông tin biển nhiễm bẩn, dù tàu anh hành nghề lưới vây tận ngư trường Hoàng Sa về nhưng bán chẳng ai mua. Thế là đành phải nằm bờ. Khoảng chừng gần 2 tháng nay, người dân bắt đầu ăn cá trở lại, anh huy động thêm 10 bạn tàu dong tàu ra Hoàng Sa đánh bắt. Cứ mỗi chuyến/năm, bảy ngày là về. Chuyến này, tàu anh về 7 tấn cá, bán ngót nghét được 100 triệu đồng.

Cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) chen chúc tàu thuyền đánh bắt cá trên biển trở về
Ảnh: NGUYÊN KHÔI

“Cứ mỗi chuyến đi năm, bảy ngày về lãi được hơn 5 chục triệu đồng. Một tháng làm được 5 chuyến, coi như bù lại những ngày nằm bờ không biết làm chi. Chuyến này đi từ ngày 28-8, ngày 4-9 về, được 7 tấn cá. Bán xong, anh em chúng tôi quay ra liền. Tranh thủ chứ tháng tới là mưa bão rồi”, anh Chung tâm sự.

Đang giúp chồng soạn mâm cúng để chuẩn bị ra khơi, chị Nguyễn Thị Nguyệt (49 tuổi, trú Sa Huỳnh, Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg 94295TS vui mừng: “Tháng qua đi đúng 1 tháng, trừ mấy ngày trú bão, về bán cá, mực các loại được 700 triệu đồng. Chi phí hết một nửa, còn lại chia cho anh em bạn mỗi người được 13 triệu đồng. Lâu lắm rồi mới có chuyến biển mà anh em bạn được hơn chục triệu đồng. Ai cũng mừng”.

Tàu chị Nguyệt có công suất 450CV, hành nghề giã cào. Mỗi chuyến biển hơn hai chục ngày là vào bờ. Cũng như nhiều tàu thuyền khác của ngư dân miền Trung, mấy tháng liền vợ chồng bà Nguyệt phải cho tàu nằm bờ. Đến khi thấy thị trường bắt đầu tiêu thụ cá trở lại, vợ chồng bà Nguyệt mới cho tàu ra khơi trở lại. Dù thị trường hải sản đã hồi phục trở lại, nhưng theo bà Nguyệt, chắc còn lâu mới trở lại như hồi năm ngoái vì giá cá hiện nay chỉ bằng 3/4 năm trước.

Chợ hải sản Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) đã nhộn nhịp trở lại

Anh Nguyễn Văn Giàu (37 tuổi, trú huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), chủ tàu hậu cần TTH 95799TS, công suất 900CV cũng bớt lo lắng khi biển đã nhộn nhịp trở lại. Anh Giàu cho biết, một chuyến tàu của anh đi 5 - 7 ngày. Từ đất liền, anh chở lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và dầu ra vùng biển Hoàng Sa để cấp cho như dân và thu mua cá, mực trở về. Chuyến vừa rồi, anh đi từ ngày 30-8 đến trưa ngày 4-9 tàu cập cảng Thọ Quang với 18 tấn hải sản các loại. Theo anh Giàu, so với trước đây thì sản lượng chỉ đạt khoảng 70% vì sức mua ở bờ vẫn còn thấp. “Sau mấy tháng tàu đánh bắt của ngư dân nằm bờ nên tàu hậu cần của tôi cũng phải nằm bờ theo. Tàu nằm bờ mà xót cả ruột, vì cũng phải trả lãi ngân hàng. Làm nghề biển có khó khổ đến mấy cũng phải cùng nhau vượt qua. Mấy ngày rồi, dù là lễ quốc khánh nhưng ngư dân và anh em chúng tôi cũng ra khơi vì đây là dịp sức mua tăng lên đáng kể” - anh Giàu nói.
 
Chiều 4-9, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, cho biết, mặc dù Đà Nẵng không nằm trong số các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp trong vụ biển ô nhiễm vừa qua nhưng thiệt hại đối với ngành thủy sản là không nhỏ. Sau sự cố môi trường do Formosa gây ra, các tàu thuyền từ Đà Nẵng đến Bình Định cũng bị vạ lây vì hải sản về bán không được. Trong cơn khủng hoảng, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân và tiểu thương để họ có thể bám trụ và vượt qua giai đoạn khó khăn. Đến nay, thị trường thủy hải sản Đà Nẵng đã phục hồi trở lại gần bằng trước đây. Duy chỉ giá cả là do thị trường quyết định nên có phần giảm hơn trước.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục