Biến tướng hành nghề y, dược tư nhân

Thay tên, đổi họ
Biến tướng hành nghề y, dược tư nhân

Hàng loạt cơ sở dịch vụ hành nghề y, dược tư nhân vừa được Thanh tra Sở Y tế TPHCM phanh phui. Điều đáng nói, trong số đó có không ít cơ sở cố ý vi phạm, tái phạm, thậm chí có những hoạt động vi phạm mang tính “biến tướng”. Điều này đang đặt ra vấn đề: Công tác quản lý, hậu kiểm và chế tài liệu có những… kẽ hở!

Thay tên, đổi họ

Đã từng bị thanh tra, nhắc nhở nhưng “thói nào tật nấy”, cơ sở y học cổ truyền Tâm Đức (Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5) vẫn sai phạm. Tại cuộc kiểm tra mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện một loạt hành vi mà cơ sở Tâm Đức vi phạm, như bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì; sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Tương tự,  Phòng khám Đa khoa quốc tế SOS (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3) cũng vừa bị “sờ gáy” và Thanh tra Sở Y tế đã có quyết định xử phạt do không đảm bảo các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép…

Thanh tra một cơ sở hành nghề khám chữa bệnh

Theo ông Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, nhiều cơ sở hành nghề y, nhất là các phòng khám đa khoa, chuyên khoa được cấp phép một đằng nhưng hoạt động một nẻo, phổ biến nhất là hoạt động quá phạm vi chuyên môn được phép, hoặc sử dụng y bác sĩ nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề… Trong khi đó, hoạt động buôn bán thuốc cũng xảy ra nhiều vi phạm. Điển hình là trong đợt xử phạt từ ngày 1 đến 5-2-2016, trong 30 cơ sở hành nghề y, dược sai phạm bị xử phạt thì chiếm phần lớn là các nhà thuốc. Theo cơ quan chức năng, những vi phạm phổ biến trong hành nghề nhà thuốc vốn dĩ rất “cố hữu” lâu nay là tình trạng cho thuê mướn bằng dược sĩ. “Theo quy định, người đứng tên phụ trách chuyên môn nhà thuốc phải luôn túc trực khi nhà thuốc hoạt động. Tuy nhiên, một số lớn nhà thuốc là thuê bằng đứng tên, còn dược sĩ mất dạng”, một chuyên gia dược học cho biết.

Bắt cóc bỏ dĩa

Các chuyên gia y tế nhìn nhận việc kiểm tra xử phạt chỉ là “bắt cóc bỏ dĩa”. Mặc dù Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã liên tục chỉ thị về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc cấp phép, hậu kiểm hoạt động hành nghề y dược tư nhân, nhưng thực tế vẫn tràn lan vi phạm. Lý giải tình trạng này, báo cáo của Phòng Quản lý dịch vụ y tế (Sở Y tế TPHCM) cho rằng có những khó khăn, vướng mắc như các cơ sở hành nghề thay đổi nhân sự liên tục, có báo cáo hoặc không có báo cáo về Sở Y tế. Ngoài ra, Phòng Quản lý dịch vụ y tế chưa được trang bị phần mềm chuyên biệt, chỉ quản lý dữ liệu hành nghề trên file Access! “Các cơ sở hành nghề hoạt động quá phạm vi chuyên môn, không đúng phạm vi chuyên môn được phê duyệt vẫn phổ biến”, báo cáo cho biết. Trong khi công tác hậu kiểm, thanh tra lại mang tính chất “định kỳ” 2 lần/năm và đột xuất khi có phản ánh của dư luận, báo chí. “Với hàng ngàn cơ sở, việc không kiểm tra xuể là có, chưa nói đến việc vẫn còn tình trạng nể nang”, một cán bộ thanh tra thừa nhận.

Trao đổi với báo giới mới đây,  PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng các quy định hiện hành về hành nghề y, dược tư nhân là rất chặt chẽ. Trong đó, Thông tư 41/2011 của Bộ Y tế đã hướng dẫn chi tiết điều kiện, tiêu chuẩn các loại hình hành nghề y, dược tư nhân. “Có thể thẩm định đạt, cấp phép hoạt động rồi nhưng khi đi vào hoạt động, cơ sở lại không tuân thủ, hoạt động ngoài phạm vi chuyên môn. Vì vậy, đòi hỏi công tác hậu kiểm, thanh tra phải sâu sát”, ông Khuê cho biết.

Mặc dù các quy định đã siết chặt trong những năm gần đây nhưng tình trạng hành nghề y, dược tư nhân hoạt động quá phạm vi cho phép, sai phép vẫn tràn lan. Việc thanh tra, kiểm tra hạn chế về nhân lực, chuyên môn cũng như chế tài chưa đủ răn đe, thậm chí dư luận đặt ra nghi vấn có sự “bao che, bảo kê” đang là một thách thức lớn!

Tổng kết hoạt động thanh tra năm 2015, Sở Y tế TPHCM cho biết các đoàn kiểm tra của Sở Y tế và phòng y tế các quận, huyện đã thanh tra hơn 9.000 lượt cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Thế nhưng, con số báo cáo xử phạt chỉ là hơn 400 cơ sở (?!). Điều đáng nói, có những hình thức biến tướng đã được dư luận phản ánh như lợi dụng nhu cầu để kinh doanh vaccine  tiêm chủng đã được phát hiện tại Công ty cổ phần Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn; môi giới bán tinh trùng ở người…

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục