“Dò ý” thời tiết để ứng phó thiên tai

Việc xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu về khí tượng - thủy văn (KTTV) và vận hành phần mềm phân tích, dự báo, cảnh báo sớm về nguy cơ và diễn biến của thiên tai, sẽ giúp chính quyền sớm đưa ra những phương án ứng phó, giảm thiểu đáng kể các thiệt hại cho một đô thị lớn như TPHCM.

Việc xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu về khí tượng - thủy văn (KTTV) và vận hành phần mềm phân tích, dự báo, cảnh báo sớm về nguy cơ và diễn biến của thiên tai, sẽ giúp chính quyền sớm đưa ra những phương án ứng phó, giảm thiểu đáng kể các thiệt hại cho một đô thị lớn như TPHCM.

UBND TPHCM vừa có văn bản chỉ đạo liên quan đến việc xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về KTTV phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, chỉ huy, điều hành, phòng chống và ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố.

Phần mềm cần thiết cho thành phố

Chỉ đạo này là kết luận của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, sau khi chủ trì cuộc họp về vấn đề này với lãnh đạo các sở ngành, đơn vị liên quan. Theo đó, UBND TP thống nhất việc cần thiết xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu KTTV để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn thành phố. Do đó, giao Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố phối hợp với Đài KTTV khu vực Nam bộ sớm tiếp thu ý kiến các đơn vị, hoàn thiện đề cương thông qua các cấp thẩm quyền thẩm tra khối lượng, đơn giá, nguồn vốn trước khi trình UBND TP.

Đài KTTV khu vực Nam bộ cũng được đề nghị sẽ phối hợp cùng Trung tâm điều hành chương trình chống ngập, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khẩn trương gia cố, cải thiện hệ thống radar, nghiên cứu phương án dự báo, cảnh báo về khả năng có thể xảy ra mưa lớn trong thời gian sớm nhất để kịp thời thông tin cho chính quyền và nhân dân thành phố kịp thời ứng phó.

Trung tâm điều hành chương trình chống ngập cũng được chỉ đạo rút ngắn thời gian xây dựng hệ thống radar trong đầu năm 2017. Song song đó, phối hợp cùng các Sở NN-PTNT, Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Đài KTTV khu vực Nam bộ nghiên cứu phương án dự báo, cảnh báo ngang tầm với hệ thống quốc tế để trình UBND TP xem xét.

Theo dõi biến đổi thời tiết khí hậu TPHCM và vùng Nam bộ. Ảnh: THÀNH TRÍ

Chuẩn hóa số liệu đầu vào

Theo các chuyên gia, để vận hành cũng như tăng cường độ chính xác của phần mềm dự báo, cảnh báo sớm cần phải có dữ liệu số liệu đầu vào về KTTV. Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Sở TN-MT cũng đề xuất hoàn thiện cơ sở dữ liệu về KTTV và các trạm quan trắc trên địa bàn thành phố thông qua việc xây dựng một quy định mới về việc quản lý hoạt động KTTV trên địa bàn thành phố.

Năm 2007, thành phố đã ban hành Quyết định số 107, Quy định quản lý Nhà nước về hoạt động KTTV trên địa bàn TPHCM nhưng chưa quy định chi tiết về sử dụng số liệu này đối với các đề án, quy hoạch nên các đơn vị không xây dựng các trạm KTTV chuyên dùng. Hiện tại, ngoài các công trình do Đài KTTV khu vực Nam bộ quản lý và khai thác, còn lại hầu hết là các điểm đo khí tượng thủy văn chuyên dùng để quan trắc, phục vụ theo nhu cầu khai thác riêng của chủ thể thực hiện.

Việc khai thác theo nhu cầu riêng này cũng khó tiến hành cấp giấy phép cho các công trình KTTV chuyên dùng: từ năm 2007 đến nay thành phố cấp 6 giấy phép gồm 72 vị trí công trình nhưng thực chất cũng chỉ là các điểm đo mà thôi. Vả lại, quy định hiện hành cũng chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện giữa các cấp, các cơ quan quản lý về KTTV, đơn cử như giữa Sở TN-MT và Đài KTTV khu vực Nam bộ; việc phối hợp thực hiện giữa các cấp về công tác thanh tra, kiểm tra cũng chưa được chú trọng.

Điều quan trọng nhất là Quyết định 107 được xây dựng trên cơ sở Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình KTTV năm 1994 và các văn bản pháp quy khác nhưng hiện nay các văn bản này đã hết hiệu lực thi hành.

Do vậy, thành phố cần xây dựng quy định mới về quản lý hoạt động KTTV. Quy định này vừa góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa tạo cơ sở pháp lý cho các sở - ngành - địa phương chủ động quản lý, khai thác mạng lưới các trạm, thông tin, dữ liệu phòng chống thiên tai và giám sát biến đổi khí hậu, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Sở TN-MT khẳng định, dự thảo quy định mới đảm bảo tính kế thừa, khả thi, phù hợp với các quy định hiện hành và khả năng thực tế của thành phố, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý KTTV.

Theo Sở TN-MT, Quyết định số 107 chưa quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí chung về các hoạt động quan trắc KTTV. Chủ thể, quan trắc chỉ quan trắc theo tiêu chí của ngành mà không có chuẩn thống nhất nên không thể phục vụ cho cơ sở dữ liệu nền của thành phố cho nên vẫn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Do vậy, dự thảo quy định mới sẽ đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn quan trắc cụ thể các thông số và tần số quan với các công trình KTTV chuyên dùng. Chẳng hạn, đo lượng mưa với tần suất 2 ngày/lần, liên tục trong 24 giờ. Đo mực nước triều và nước biển 2 lần/tháng, đo 2 lần đỉnh triều và 2 lần chân triều. Nhiệt độ, tốc độ gió sẽ được quan trắc hàng ngày vào lúc 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ.

Quan trắc môi trường không khí (gồm các chỉ số SO2, NO2, NOx, CO, chỉ số PM10) với tần suất 1 lần/tháng, vào lúc 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ. Môi trường nước mặt và nước biển ven bờ được quan trắc với tần suất 1 lần/tháng, với các chỉ số pH, DO, độ mặn, độ đục, tổng nitơ, tổng photpho, BOD5.

KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục