Đo đạc và kiểm soát chặt chẽ khí nhà kính

Ưu tiên giảm ngập và sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường
Đo đạc và kiểm soát chặt chẽ khí nhà kính

Có lẽ năm qua là một trong những năm mà người dân TPHCM cảm nhận rõ ràng nhất ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với thành phố. Những trận mưa như trút nước gây ngập kinh hoàng là một ví dụ điển hình. Làm gì để hạn chế đến mức tối đa tác động tiêu cực của BĐKH cũng như làm giảm được nguy cơ gây BĐKH? TPHCM đã có kế hoạch hành động gì trong năm 2017?

Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng (ảnh), Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH TPHCM, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM.

Ưu tiên giảm ngập và sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường

* Phóng viên: Thưa ông, 10 lĩnh vực hành động ứng phó với BĐKH của năm 2017 sẽ được triển khai như thế nào? Triển khai đồng loạt các lĩnh vực hay có chọn ra chương trình trọng điểm, ưu tiên thực hiện?

- Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG: Kế hoạch hành động đề ra các giải pháp ứng phó trên 10 lĩnh vực, gồm có: (1) Quy hoạch đô thị; (2) Năng lượng; (3) Giao thông; (4) Công nghiệp; (5) Quản lý nước; (6) Quản lý chất thải; (7) Xây dựng; (8) Y tế; (9) Nông nghiệp; (10) Du lịch. Các lĩnh vực này có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của thành phố và đều bị tác động đan xen bởi BĐKH. Triển khai đồng thời trên nhiều lĩnh vực là nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó tổng hợp vì các vấn đề liên quan đến BĐKH có tính chất đa ngành, đa lĩnh vực. Tuy nhiên, các chương trình, dự án trong các lĩnh vực sẽ được tổ chức thực hiện theo giai đoạn dựa trên nhu cầu các vấn đề ưu tiên và khả năng sẵn sàng của thành phố. Mặt khác, do Ban Chỉ đạo là một tập hợp mạng lưới nhiều sở, ban ngành nên khi triển khai Kế hoạch hành động thì các chương trình, dự án sẽ được phân bổ về từng sở ngành chủ trì thực hiện với sự phối hợp của các đơn vị có liên quan. Do đó, áp lực triển khai nhiệm vụ sẽ được chia sẻ giữa các bên.

Cụ thể trong năm 2017, trên cơ sở Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH được phê duyệt, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhóm giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và nâng cao năng lực cán bộ về ứng phó với BĐKH trong các lĩnh vực. Đối với nhóm chương trình, dự án chuyên ngành thì sẽ ưu tiên các dự án quản lý nước, giảm ngập và giao thông, trong đó có chương trình chuyển đổi xe buýt sử dụng nhiên liệu truyền thống thành xe buýt sử dụng khí thiên nhiên nén (CNG), xây dựng bản đồ cảnh báo rủi ro ngập lụt do Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố chủ trì.

Một nội dung hết sức quan trọng phải thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 là Sở Tài nguyên và Môi trường/Thường trực Ban chỉ đạo sẽ chủ trì thực hiện dự án Xây dựng hệ thống quy định về kiểm kê khí nhà kính và quy trình Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định (MRV) các dự án giảm phát thải khí nhà kính cấp thành phố. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho TPHCM nhằm đáp ứng lộ trình đạt được mục tiêu đóng góp giảm phát thải khí nhà kính mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung Liên hiệp quốc về BĐKH (UNFCCC) lần thứ 21 (COP21) tại Paris vào cuối năm 2015. Theo đó đến năm 2030, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ 8% (nếu chỉ có nội lực) đến 25% (nếu có hỗ trợ quốc tế). Đồng thời, hệ thống quản lý khí nhà kính nếu được duy trì bền vững sẽ giúp tạo nên bộ cơ sở dữ liệu để theo dõi hiệu quả ứng phó với BĐKH của TPHCM. Đồng thời, đó cũng là tiền đề mở ra những cơ hội kêu gọi đầu tư và hợp tác quốc tế cho các chương trình, dự án có hiệu quả ứng phó với BĐKH cho TPHCM.

Thi công cống kiểm soát triều giải quyết ngập có xét yếu tố biến đổi khí hậu. Ảnh: THÀNH TRÍ

Hợp tác để thích ứng hiệu quả hơn

* Cơ chế phối hợp làm việc của Văn phòng BĐKH với các sở ngành liên quan trong năm 2017 có gì mới? Cơ chế này đã giúp TPHCM vận hành đồng bộ các chương trình thích ứng với BĐKH?

- Vai trò điều phối của Văn phòng BĐKH rất quan trọng. Văn phòng BĐKH có vai trò phối hợp với các sở, ban ngành, UBND quận, huyện để đề xuất Ban chỉ đạo tham mưu UBND thành phố các hoạt động ứng phó với BĐKH ở từng lĩnh vực và từng địa bàn; và chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động, chương trình, dự án của Ban chỉ đạo triển khai đến từng sở ngành; đồng thời có vai trò là nơi đầu mối để liên hệ hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH. Trong thời gian qua, Văn phòng BĐKH thực hiện được nhiều chương trình trong nước với sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và chương trình hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế. Hiện nay, Văn phòng BĐKH còn hạn chế về số lượng nhân lực nên chưa phối hợp đầy đủ, cập nhật thông tin các chương trình/dự án mà các sở, ban ngành đã, đang và sẽ triển khai. Năm 2017, Văn phòng BĐKH sẽ phối hợp mạnh mẽ hơn nữa với các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo. Một mặt là nghiên cứu đề xuất các chương trình/dự án từng ngành lĩnh vực, một mặt phải nắm được đầy đủ các thông tin về chương trình/dự án có liên quan đến BĐKH để có thể kết hợp và chia sẻ thông tin, tổ chức điều phối được tốt hơn, đảm bảo tính đồng bộ và tránh trùng lắp. Đặc biệt là các dự án này có thể dùng để tính toán việc đóng góp giảm phát thải khí nhà kính của thành phố cho quốc gia. Đây là vấn đề hết sức quan trọng cần phải làm được trong giai đoạn tới. Hơn nữa, Văn phòng BĐKH phải phối hợp mạnh với các sở, ban ngành tham mưu được các chính sách quan trọng trong việc quản lý khí nhà kính.

* Hợp tác quốc tế trong năm 2017 có gì đặc biệt? Những dự án mà các nước cũng như các tổ chức quốc tế về môi trường giúp TPHCM thích ứng với BĐKH đã và đang được thực hiện như thế nào?

- Trước hết phải khẳng định rằng hoạt động ứng phó với BĐKH không thể tách rời hoạt động hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế trong ứng phó với BĐKH có vai trò đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ, tranh thủ các nguồn vốn, nguồn quỹ quốc tế mà hầu hết các nguồn vốn này đều ưu tiên cho các dự án ứng phó với BĐKH. Cũng lưu ý rằng Ban chỉ đạo không trực tiếp làm chủ đầu tư hoặc quản lý các dự án đầu tư thích ứng với BĐKH, mà các dự án đầu tư công trình này được UBND TP giao cho các sở ngành thành viên, các đơn sự nghiệp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ từng lĩnh vực.

Từ năm 2009 đến nay, trong chương trình ứng phó với BĐKH, Thường trực Ban chỉ đạo hợp tác mạnh với Hà Lan (thành phố Rotterdam) về quản lý nước thích ứng với BĐKH; với Nhật Bản (thành phố Osaka) về quản lý chất thải, các dự án đầu tư khác các sở, ban ngành hợp tác trực tiếp với đối tác như dự án vệ sinh môi trường (WB - Ngân hàng thế giới), dự án MRT (Nhật Bản)… Trong đó, Tổ chức C40, Tổ chức CDC có vai trò thúc đẩy hình ảnh của TPHCM với quốc tế. Giai đoạn 2017-2020, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Tổ chức C40, dự kiến sẽ xem xét ký Biên bản ghi nhớ với Tổ chức C40 mà họ đã đề xuất. Thành phố Rotterdam, TP Osaka và TPHCM đã có ký Biên bản ghi nhớ hợp tác và sẽ triển khai thành nội dung cụ thể trong giai đoạn này.

Năm 2017, Thường trực Ban chỉ đạo phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để tiếp tục thực hiện Dự án SPI-NAMA (Dự án Hỗ trợ xây dựng kế hoạch và thực hiện hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia) cấu phần tại TPHCM. Đây là dự án hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và JICA. Nội dung chính là kiểm kê khí nhà kính các năm 2013, 2014 và 2015, xây dựng Quy trình kiểm kê khí nhà kính và Mô hình quản lý các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính tại TPHCM. Đây là kết quả quan trọng của Dự án, làm cơ sở để tham mưu UBND TP xây dựng các chính sách trong việc quản lý khí nhà kính.

Hợp tác “thành phố - thành phố” (city to city) có vai trò quan trọng, để giảm tính thủ tục và rút ngắn thời gian chuẩn bị và thực hiện các dự án. TPHCM đã rất thành công với phương thức này và sẽ kiên trì thực hiện.

Với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH (gọi tắt là Ban chỉ đạo), năm 2016,  Thường trực Ban chỉ đạo đã xây dựng hoàn thành Bản dự thảo Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch hành động này được xây dựng trên cơ sở thực hiện Quyết định số 2838/QĐ-UBND ngày 11-6-2014 của UBND TP về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 34-CTrHĐ/TU của Thành ủy và Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

TÂM ĐỨC - MINH CHÂU

Đo đạc và kiểm soát chặt chẽ khí nhà kính ảnh 3

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục