Đầu tư nhiều công trình cấp nước ứng phó biến đổi khí hậu

Những diễn biến thời tiết bất thường có thể gây ra tình trạng thiếu nước và suy giảm chất lượng nguồn nước cấp tại TPHCM - một trong mười thành phố trên thế giới chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Đầu tư nhiều công trình cấp nước ứng phó biến đổi khí hậu

Những diễn biến thời tiết bất thường có thể gây ra tình trạng thiếu nước và suy giảm chất lượng nguồn nước cấp tại TPHCM - một trong mười thành phố trên thế giới chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Nguồn cung căng thẳng

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) cho biết, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn chiếm 90% tổng lượng nước cấp cho thành phố. Hai nguồn chính này có nguy cơ ô nhiễm, đặc biệt là sông Sài Gòn: các chỉ tiêu về hữu cơ, amoni, vi sinh… đã gia tăng vượt quá quy chuẩn chất lượng nước mặt dùng cho cấp nước sinh hoạt. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của BĐKH khiến xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, gây ảnh hưởng đến các nhà máy cấp nước thô. Các tác động này biểu hiện ngày càng khó lường, tiềm ẩn nhiểu rủi ro cho ngành cấp nước thành phố. Mặt khác, năng lực dự phòng của hệ thống cấp nước hiện hữu còn hạn chế: chưa đủ nguồn nước thô và công trình xử lý nước dự phòng, chưa có các bể chứa nước sạch dự trữ và phân phối trên mạng…

Theo TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích ứng BĐKH, sông Đồng Nai tuy là sông lớn của Việt Nam nhưng lượng nước bình quân đầu người trong lưu vực Đồng Nai lại rất thấp: 2.296m3/người/năm (lượng nước bình quân cả nước là 9.300m3/người/năm, còn theo tiêu chuẩn của Hội tài nguyên nước quốc tế thì dưới ngưỡng 4.000m³/người/năm là thiếu nước). Dự báo, đến năm 2020, lượng nước bình quân này có thể giảm xuống mức 1.770m³/người/năm và đến năm 2040 xuống 1.475m³/người/năm.

Dẫn kịch bản BĐKH, ông Hoàng  Xuân Hồng, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Hội đập lớn Việt Nam, cảnh báo trong tương lai dòng chảy năm của các sông ở phần phía Nam (từ Hà Tĩnh trở vào) có xu thế giảm, riêng sông Đồng Nai mức giảm tương đối nhiều: khoảng 5% trong thời kỳ 2040-2059 và 7% trong thời kỳ 2080-2099. Mặc dù hồ Dầu Tiếng tham gia cắt giảm lũ, nhưng ảnh hưởng tổng hợp của nước biển dâng cùng lũ thượng nguồn đã làm ngập lụt hạ du sông Đồng Nai ngày càng trầm trọng. Diện tích ngập tăng từ 13% vào năm 2050 lên đến 18% vào năm 2070 (với dạng lũ năm 2000). Thêm vào đó, kết quả tính toán cho thấy, dưới tác động của nước biển dâng và thay đổi nguồn nước ở thượng lưu do BĐKH, vào cuối thế kỷ 21, chiều sâu xâm nhập ứng với độ mặn 1‰ có thể tăng lên khoảng 10 km ở sông Đồng Nai.

Sawaco sẽ đầu tư đường ống dẫn nước thô từ hồ Dầu Tiếng về cấp cho cụm Nhà máy nước Tân Hiệp. Ảnh: THÀNH TRÍ

Muốn lâu dài, cần vốn lớn

Ông Bạch Vũ Hải, Phó giám đốc Sawaco cho hay, đơn vị này đã xây dựng phương án ứng phó của ngành cấp nước với BĐKH theo lộ trình ngắn hạn và dài hạn. Phương án này hiện đã trình lên UBND TPHCM xin chủ trương. Theo đó, trước mắt Sawaco sẽ thực hiện một số giải pháp cấp bách như lấy nước từ hồ đầu nguồn thông qua hệ thống kênh thủy lợi. Đơn vị này sẽ phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác dịch vụ thủy lợi thành phố cải tạo kênh N31A (Củ Chi) để khai thác nước thô từ kênh Đông cấp cho Nhà máy nước Tân Hiệp, xây dựng cống lấy nước và ống bê tông ly tâm, xây dựng hồ chứa nước thô dung tích 1,7 triệu m3 tại xã Tân Phú Trung, Củ Chi và xây trạm bơm cấp nước thô về nhà máy với công suất 350.000m3/ngày. Nếu được thành phố chấp thuận chủ trương, hạng mục này dự kiến thực hiện trong vòng 2 năm, chi phí 1.150 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Sawaco cũng đề xuất di dời điểm lấy nước thô và xây hồ dự trữ nước thô quy mô nhỏ nhằm đảm bảo nguồn cấp nước cho các nhà máy từ 3-5 ngày trong tình hình nguồn nước bị xâm nhập mặn hoặc ô nhiễm. Trên sông Sài Gòn, điểm lấy nước thô sẽ được dời lên xã Phú Hòa Đông, Củ Chi, đồng thời xây trạm bơm nước thô công suất 300.000m3/ngày (có thể mở rộng lên 600.000m³/ngày) và đường ống dẫn nước về trạm Hòa Phú. Công trình này hiện đang được lập nghiên cứu khả thi, dự kiến triển khai thực hiện sau năm 2017, tổng vốn khoảng 1.916 tỷ đồng. Còn trên sông Đồng Nai sẽ tận dụng 2 hồ hình thành do quá trình khai thác đá tại khu vực làng Đại học Thủ Đức làm hồ dự trữ nước thô, sau đó xây trạm bơm công suất 650.000m3/ngày để dẫn nước về nhà máy nước. Phương án này không cần đầu tư nhiều, dung tích chứa có thể lên đến 4 triệu m3, cung cấp được 50%  công suất cho cả cụm Nhà máy nước Thủ Đức khoảng 5 ngày trong trường hợp sông Đồng Nại bị ô nhiễm hoặc nhiễm mặn. Hạng mục này đã hoàn tất nghiên cứu khả thi, dự kiến triển khai xây dựng vào năm 2017, tổng vốn khoảng 634 tỷ đồng.

 

Sawaco đề xuất 3 giải pháp cần tập trung thực hiện trước. Đó là, lấy nước thô từ hồ Dầu Tiếng bằng giải pháp ngắn hạn, triển khai giải pháp dự trữ nước thô cho cụm Nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức. Song song đó, triển khai lập quy hoạch điều chỉnh hệ thống cấp nước của thành phố để làm cơ sở triển khai các giải pháp. Đồng thời, thực hiện thí điểm bể chứa phân phối tại Công viên Văn hóa Gò Vấp.

 

Song song đó, Sawaco cũng xây dựng phương án dài hơi với tổng vốn đầu tư khá lớn với hai chiến lược. Thứ nhất là lấy nước sạch từ các hồ đầu nguồn: đầu tư đường ống dẫn nước thô từ hồ Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn về cấp cho cụm Nhà máy nước Tân Hiệp với chi phí từ 18.000 - 25.000 tỷ đồng và xây dựng đường ống dẫn nước trực tiếp từ hồ Trị An trên sông Đồng Nai về cụm Nhà máy nước Thủ Đức, chi phí ước tính gần 28.000 tỷ đồng. Thứ hai là xây dựng các hồ dự trữ nước thô ở khu vực đầu nguồn để đảm bảo khả năng dự trữ nước thô cấp liên tục cho các nhà máy, đồng thời tiền xử lý cải thiện chất lượng nước. Đối với nước sông Sài Gòn, đơn vị này đề xuất xây dựng 3 hồ dự trữ nước thô với tổng dung tích 15 triệu m3, có thể trữ nước trong 25 ngày tại xã Phú Hòa Đông, Củ Chi để trữ nước kết hợp tiền xử lý (sơ lắng, cải thiện chất lượng nước). Phương án này vừa thích ứng với BĐKH vừa tạo cảnh quan sinh thái cho địa phương, đồng thời có thể làm bể chứa nước trung chuyển cho phương án lấy nước từ hồ Dầu Tiếng. Tổng chi phí khoảng 4.167 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giải pháp phi công trình cũng quan trọng không kém, chính là rà soát quy hoạch. Ông Hải cho hay, quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước thành phố đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, do hệ thống cấp nước đã có nhiều thay đổi nên quy hoạch này đến nay đã không còn phù hợp, cần điều chỉnh, bổ sung. Đây là khâu quan trọng, cấp thiết để làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư, phát triển hệ thống, nhất là các giải pháp chiến lược cung cấp nước trong tình hình mới. Nội dung trọng tâm: rà soát các giai đoạn phát triển đến năm 2030, xây dựng phương án nguồn nước thô an toàn và bền vững, lộ trình phát triển các nhà máy nước hợp lý, tái cấu trúc mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước sạch, chuẩn hóa phát triển hệ thống cấp nước nói riêng và góp phần đồng bộ hóa phát triển hạ tầng kỹ thuật của thành phố nói chung. Nếu được thành phố chấp thuận chủ trương, sẽ triển khai trong vòng 20 tháng.

KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục