Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2007)

Biệt động Sài Gòn – Gia Định: Ngày ấy bây giờ

Lãnh đạo TP thăm các đơn vị bộ đội không quân, biên phòng
Biệt động Sài Gòn – Gia Định: Ngày ấy bây giờ

Có một lực lượng vũ trang nằm ngay giữa lòng Sài Gòn trong những năm máu lửa. Đó là một đội quân có đủ mọi thành phần, lứa tuổi: em bé đánh giày, chị bán trái cây, cậu sinh viên hay có khi là anh lái xích lô… Từ trận đánh tàu “Cạc” Mỹ, Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, cư xá Brink cho đến trận đánh Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất… đều mang dấu ấn của lực lượng này. Họ chính là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Biệt động Sài Gòn – Gia Định: Ngày ấy bây giờ ảnh 1

Chiếc xe GA-0603 được đội 67 BĐSG sử dụng trong 1 trận đánh.

1. Hơn hai tháng trời, chiến sĩ biệt động Huỳnh Phi Long ngày nào cũng lân la quanh Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh đang neo đậu ở Bến Bạch Đằng để thăm dò tình hình. Đây là nơi ăn chơi của bộ sậu nhân viên cao cấp Mỹ - Ngụy. Đội 67 biệt động thành xác định: Phải đánh bằng được mục tiêu này.

Ngày 20-6-1965, địch xử bắn chiến sĩ biệt động Trần Văn Đang ngay tại chợ Bến Thành. Thời cơ đã đến. Phải đánh một trận lớn để trả thù cho anh! Ba ngày sau, đội 67 vào trận. Huỳnh Phi Long được giao nhiệm vụ tổ chức và trực tiếp đánh cùng anh Lê Văn Rãy. Kế hoạch được vạch ra: ta cho nổ hai trái DH10. Trái đầu nổ ngay sát tàu với mục đích dụ địch hoảng loạn rời tàu. Trái thứ hai nổ cách trái đầu 5 phút với độ sát thương lớn hơn sẽ “quét” sạch địch trên cầu tàu. Phương án bố trí mìn ở đâu để tránh sát thương cho thường dân vô tội cũng đã được tính tới.

Không ngờ, hôm ấy địch tăng cường kiểm soát khu neo đậu nhà hàng. Mật vụ rải khắp nơi. Cảnh sát khám xét tỉ mỉ những người khả nghi. Ngay ở gần cột cờ Thủ Ngữ, 2 xe thiết giáp của quân đội cộng hòa được bố trí. Biết khó, Long quyết nếu không đánh bằng kiểu “bỏ quên” (bí mật cài mìn hẹn giờ tại điểm đánh) thì cứ đánh “cường tập” (đánh xáp lá cà, một người giật mìn, người khác yểm trợ): “Dù có hy sinh cũng phải quyết đánh!”.

Bỏ súng ở nhà, Long và Rãy mỗi người thủ trong người 2 trái lựu đạn phòng trường hợp đánh “cường tập”. May mắn thoát qua chốt kiểm soát. 7 giờ kém 10 phút tối 23-6-1965, Huỳnh Phi Long cho chiếc mobilet của mình tiếp cận gần mạn tàu như một người qua đường dừng lại mua thuốc. Lợi dụng mấy tên cảnh sát lơ là, anh cài mìn đúng vị trí. Ngay lập tức, anh tiến đến quầy mua thuốc hút rồi men ra địa điểm tập kết có Tám Sâm đợi sẵn. Nhìn đồng hồ thì chưa đầy một phút nữa, mìn sẽ nổ. Bên kia đường, Rãy cũng đã cài trái mìn thứ hai đúng vị trí.

Không đầy 1 phút, trái mìn thứ nhất nổ. Tiếng la hét vang động khắp Bến Bạch Đằng. Lính tráng tìm cách thoát thân xuống cầu tàu. Khi chúng còn đang ngơ ngác thì trái mìn thứ hai đã nổ.

Chạy xe về ngang chợ Bến Thành, Huỳnh Phi Long nghẹn ngào: Đang ơi, chúng tôi đã trả thù cho anh!

Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang vào năm 1976. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn lực lượng có 5 anh hùng liệt sĩ, 7 anh hùng lực lượng vũ trang, 30 mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 800 gia đình thương binh liệt sĩ…

Hiện nay, CLB Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định có hơn 2.200 hội viên sinh hoạt.

2. Năm 1964, Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Cảng Sài Gòn trở thành nơi chung chuyển vũ khí, khí tài của các chiến hạm Hải Quân Mỹ. Tổ công tác gồm 4 người do anh Lâm Sơn Náo (Ba Náo) của phân đội biệt động 65 được giao nhiệm vụ đánh tàu chiến. Thuận lợi là tất cả thành viên trong tổ đều là công nhân hợp pháp làm việc trong cảng. Sau trận đánh tàu chiến hạm US Coree chở pháo, M113 và máy bay bất thành vì mìn không nổ, các anh trong tổ quyết thực hiện lại bằng được.

Ngày 30-4-1964, tàu US Card (ta gọi là tàu “Cạc”) cập bến chở toàn máy bay trực thăng và khu trục cơ. 6 giờ chiều, Ba Náo và Hai Hùng quyết định phải đánh ngay. Do mìn đã được giấu sẵn ở gầm sân cảng nên thuận lợi hơn rất nhiều. Hai người cho xuồng ra sông thì gặp xuồng tuần tra của địch:

“Dừng lại không tao bắn!”

Ba Náo nghĩ ngay trong đầu: nếu chúng nghi ngờ khám xuồng, mình phải dùng lựu đạn quyết sống mái một phen chứ không được để lộ kế hoạch đánh tàu chiến Mỹ.

Anh đon đả: “Trời, đưa đỡ mấy sếp vài trăm uống nước trước, để anh em tui qua bến kiếm chút hàng về chia anh em xài đỡ nghen”.

Thấy lợi, đám lính đồng ý thỏa thuận ăn chia. Thoát địch, hai anh lội ra cầu tàu, lấy hai trái mìn cột ngay vào hai cây cột ràng neo tàu chiến. Vừa làm vừa quan sát. May là lo chuyển vũ khí nên không ai phát hiện ra. Hai anh hẹn đồng hồ 30 phút sau nổ, rồi rút. Gần về đến nhà thì hai trái mìn nổ vang trời. Ba Náo và Hai Hùng ôm chặt lấy nhau: “Thành công rồi, đồng chí ơi”…

Lãnh đạo TP thăm các đơn vị bộ đội không quân, biên phòng

Chiều 21-12, các đồng chí Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP đã đến thăm Bộ đội Biên phòng TP, Sư đoàn không quân 370 và Sư đoàn phòng không 367 nhân dịp Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2007). Đồng chí Phạm Phương Thảo đã bày tỏ sự trân trọng trước những hy sinh thầm lặng trong thời bình của người lính không quân, biên phòng để bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Đồng chí cũng cho rằng để làm tốt nhiệm vụ được nhân dân giao phó trong mọi tình huống người lính phải chủ động để đối phó. Chỉ huy các đơn vị rất xúc động trước sự quan tâm của lãnh đạo TP và hứa luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ sự bình yên của TP, của đất nước.

TR.T.

3. Đã 32 năm sau khi miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, các chiến sĩ biệt động năm nào lại tìm về nhau để cùng ôn lại quá khứ và chia sẻ hiện tại. Điểm sinh hoạt của CLB Truyền thống kháng chiến TP khối vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định trong khuôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự TP luôn nhộn nhịp bởi sự xuất hiện của họ. Trong những câu chuyện bên ấm trà thường đầy ắp kỷ niệm về quá khứ hào hùng, về những người đồng đội còn sống và đã mất.

Sau 30-4-1975, do yêu cầu của thời kỳ mới nên lực lượng biệt động đã bị giải thể. Những chiến sĩ có cấp bậc được thuyên chuyển công tác đến đơn vị mới. Trong khi đó, những anh lái xe xích lô, em bé đánh giày… hoạt động bí mật ngày nào trở lại với cuộc sống mưu sinh đầy lo toan. Nói như đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), nguyên Phó Tư lệnh Phân khu 6 thì chính những người lính biệt động giấu mặt như chuyển vũ khí, cảnh giới này đã góp phần làm nên những chiến thắng đi vào lịch sử của biệt động…

Mấy chục năm qua, lịch sử ghi công của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định với những chiến công oanh liệt ngay giữa sào huyệt địch năm nào. Những người ấy, ai còn sống, lại về với đời thường. Hơn 10 năm, căn bệnh ung thư vòm họng quái ác không làm người chiến sĩ biệt động Tư Chu gục ngã. Ông vẫn sống để làm nhân chứng lịch sử xác nhận cho những chiến sĩ – đồng đội năm xưa không rõ họ tên thật mà chỉ có bí danh được công nhận là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Còn anh Ba Náo ngày nào đánh chìm tàu “Cạc” ở Cảng Sài Gòn vẫn miệt mài với công việc phu phố, dù nhỏ nhưng thật ý nghĩa. Anh Huỳnh Phi Long, người đã có hơn 40 trận đánh lớn nhỏ cùng lực lượng biệt động trở về nhà sau 7 năm ở Côn Đảo lại đối diện với nỗi đau khôn nguôi khi vợ và 1 người con do bị đánh đập, tra khảo nên thần kinh không được bình thường…

Và vẫn còn những người chiến sĩ biệt động ưu tú khác vẫn đang sống ở khắp mọi miền đất nước đã làm nên một lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định huyền thoại.

Thạch Thảo

Tin cùng chuyên mục