Biết sự thật để hiểu đâu là lẽ phải

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng nói: “Chúng ta tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù. Chúng ta biết sự thật, để hiểu đâu là lẽ phải và để rút ra bài học cho các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh phức tạp ngày nay”.
Thiếu tướng Viktor Demyanenko (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng đội Việt Nam, tháng 3-1981. Ảnh do nhân vật cung cấp, TTXVN phát
Thiếu tướng Viktor Demyanenko (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng đội Việt Nam, tháng 3-1981. Ảnh do nhân vật cung cấp, TTXVN phát

Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979 - 17-2-2019), Câu lạc bộ Giám định - Phân tích dưới sự bảo trợ của Ủy ban Đối ngoại của TP Saint-Petersburg đã tổ chức một buổi tọa đàm tại Viện Hồ Chí Minh thuộc Trường Đại học Tổng hợp Saint-Petersburg, LB Nga.

Nhiều đánh giá chân thực

Tọa đàm do Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, giáo sư Vladimir Kolotov chủ trì, với sự tham gia của đại diện Ủy ban Quan hệ đối ngoại Saint-Petersburg, Trưởng khoa Lịch sử các quốc gia Viễn Đông Nguyễn Thị Minh Hạnh, các thầy cô giáo cùng các bạn sinh viên Khoa Phương Đông học, đại diện sinh viên Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại Saint-Petersburg.

Các bạn sinh viên Nga cũng rất hào hứng bàn luận về vấn đề lịch sử này. Đại diện các sinh viên Khoa Phương Đông học, Trường Đại học Tổng hợp Saint-Petersburg, Veronika Chechetko, đã có bài tham luận về những vấn đề tìm hiểu được qua sách báo, qua những tài liệu được học về lịch sử chiến đấu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Doussia Kalganova, sinh viên năm 3 Khoa Phương Đông học, từng tới Việt Nam học tiếng Việt, đã chia sẻ rằng bạn rất yêu thiên nhiên, đất nước, rất quý con người thân thiện nơi đây. Bạn đánh giá những vấn đề thảo luận trong buổi tọa đàm này rất quan trọng. Những chương trình như thế này là cơ hội để thế hệ sinh viên Nga ngày nay tìm hiểu thêm về Việt Nam, cũng là cơ hội để thế hệ trẻ hai nước tích cực giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Buổi tọa đàm kết thúc để lại nhiều cảm xúc cho những sinh viên Việt Nam. Anh Lê Văn Khánh, Bí thư Đoàn cơ sở TP Saint-Petersburg, chia sẻ rằng buổi gặp gỡ đã đưa ra những đánh giá chân thực và ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979, mà nếu như không được trực tiếp tham dự, các bạn trẻ sẽ không có cơ hội được mở mang và học hỏi.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng nói: “Chúng ta tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù. Chúng ta biết sự thật, để hiểu đâu là lẽ phải và để rút ra bài học cho các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh phức tạp ngày nay”.

Thế hệ trẻ Việt Nam tại Saint-Petersburg hiểu rằng ôn lại lịch sử là để hiểu và nắm rõ từng chặng đường mà dân tộc đi qua, lấy đó làm nền tảng để ngày hôm nay xây dựng được những mối quan hệ quốc tế tốt đẹp trong tương lai.

Tâm sự của những cựu binh

Thiếu tướng Nga Viktor Demyanenko, hơn 90 tuổi, người đã được tặng thưởng huân chương do đích thân Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Lê Trọng Tấn trao, hồi tưởng những ký ức về thời gian làm chuyên gia quân sự tại biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Tướng V.Demyanenko tự hào là một trong 3 người đã góp ý kiến tham vấn cho Tổng Bí thư Lê Duẩn để đi đến quyết định rút một quân đoàn chủ lực từ biên giới Tây Nam về chi viện cho biên giới phía Bắc. Lực lượng tăng cường đó cùng với đơn vị pháo phản lực BM-21 đã tạo thành tấm lá chắn bảo vệ thủ đô.

Tướng Demyanenko nhận định lực lượng chiến đấu ở các địa phương chủ yếu là dân quân tự vệ, nhưng đã thể hiện lòng dũng cảm và tinh thần sẵn sàng hy sinh cao độ. Dù ít hơn về số lượng, dù được trang bị kém hơn, nhưng chính bằng lòng dũng cảm và tự tin vào chính nghĩa khi bảo vệ lãnh thổ mà quân và dân Việt Nam đã từng bước làm suy yếu các cuộc tấn công của địch.

Cuộc chiến đã kết thúc, nhưng dư âm của nó vẫn còn trong tâm trí những con người sống trong bối cảnh lịch sử đó, trong nghiên cứu khoa học quân sự. Trang mạng Đại kỷ nguyên có đăng bài viết của tác giả Trung Quốc lấy nick là Thư Tính Hải Quy từng là cựu chiến binh tham gia cái gọi là Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam 1979 (cách gọi của chính quyền Bắc Kinh lúc ấy) nêu lên hàng loạt các câu hỏi không lời đáp về sự phi nghĩa của cuộc chiến.

Tác giả cho biết ông 16 tuổi vào lính, 19 tuổi bị thương trở thành thương binh, nhiều năm đã viết bài và đi khắp nơi đòi quyền lợi hợp pháp cho các cựu thương binh.

Cựu binh này viết: “Chúng tôi đã tuổi quá ngũ tuần, nhiều chiến hữu nhớ lại cuộc chiến mình trải qua năm xưa và rút ra những kết luận mà chính bản thân cũng cảm thấy lạ lẫm”.

Tác giả ý thức tự thấy mình là người tự thân trải qua cuộc chiến, cần phải đứng ra nói vài điều, sửa đổi tận gốc. Ông cũng cho biết năm 2010, ông viết 2 cuốn sách căn cứ vào những gì ông đã trải qua với tựa đề Ghi chép của một thương binh chiến tranh Việt Nam và Thực sắc, đăng lên mạng, gây tiếng vang khắp nước. Nhưng sau đó cuốn đầu được thông báo là “không thể xuất bản”.

Tin cùng chuyên mục