Bình đẳng giới về việc làm và thu nhập

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam vừa công bố tại diễn đàn đa phương “Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập”, số lao động nữ làm việc trong các ngành có “rủi ro cao” nhiều hơn 2,4 lần so với lao động nam; tiền lương của lao động nữ thấp hơn lao động nam khoảng 12%. 

Hiện nay, lao động nữ chiếm trên 70% lực lượng lao động của các ngành dệt may, da giày, điện tử và trên 60% lao động nữ hiện đang làm việc trong các khu công nghiệp. Lao động nữ làm việc chủ yếu trong các ngành nghề có tay nghề thấp và có thu nhập không cao.

Sở dĩ như thế là vì trên thực tế, tình trạng bất bình đẳng giới trong giáo dục nói chung và trong việc đào tạo nghề vẫn còn ở mức khá cao, khiến cho lao động nữ khó có cơ hội làm việc ở những ngành nghề ít rủi ro và có thu nhập cao hơn.

Theo các số liệu thống kê, hiện tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề chỉ là 20,45%, bằng 30% so với nam giới; lao động nữ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chỉ bằng 42% so với nam giới. Bên cạnh đó, do tình trạng phân công lao động trong gia đình tại nước ta vẫn còn bất bình đẳng, phụ nữ gần như phải gánh vác hết các công việc nội trợ lẫn giáo dục con cái, nên họ phải mất nhiều công sức hơn, thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động gần như không có hoặc ít hơn nhiều so với nam giới, dẫn đến năng suất lao động của nữ thua kém so với lao động nam. Chính vì thế mà có tình trạng cùng bằng cấp, cùng trình độ chuyên môn, nhưng lao động nữ thường có thu nhập thấp hơn so với lao động nam.

Hiện nay tỷ lệ lao động nữ nước ta tham gia vào thị trường lao động khá cao so với mức trung bình chung của thế giới, nhưng thành quả mà họ được hưởng từ lao động lại chưa tương xứng với công sức. Để kéo giảm tình trạng bất bình đẳng giới về việc làm và thu nhập, một trong những việc cần làm trước tiên là phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới trong phân công lao động ở gia đình. Phải có các giải pháp thúc đẩy nam giới tham gia vào các công việc gia đình, giáo dục con cái, chứ không thể đổ hết các nhiệm vụ này cho người phụ nữ như lâu nay. Khi người phụ nữ được giảm bớt các công việc trong gia đình, họ mới có cơ hội tham gia vào các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, để có thể tiếp cận được các loại hình nghề nghiệp có chuyên môn cao. Nếu chỉ đơn giản là mở các khóa đào tạo nghề cho phụ nữ mà không tạo cơ hội cho họ tham gia, thì hiệu quả cũng không đạt như mong đợi. Khi được chia sẻ bớt các gánh nặng trong gia đình, lao động nữ mới có nhiều thời gian hơn để tái tạo sức lao động, từ đó làm tăng năng suất lao động và thu nhập cho họ.

Tin cùng chuyên mục