Bình Phước: Tan hoang hàng trăm ha rừng khu vực biên giới

Vụ chuyển đổi hơn 575ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 69, Nông lâm trường Bù Đốp (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé) để chuyển sang trồng rừng thay thế, kết hợp chăn nuôi gia súc đã gây sự bức xúc cao độ trong dư luận. Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an nhận định chính quyền địa phương cấp phép sai quy định để doanh nghiệp tự ý khai thác rừng, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Bình Phước: Tan hoang hàng trăm ha rừng khu vực biên giới

(SGGPO).- Vụ chuyển đổi hơn 575ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 69, Nông lâm trường Bù Đốp (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé) để chuyển sang trồng rừng thay thế, kết hợp chăn nuôi gia súc đã gây sự bức xúc cao độ trong dư luận. Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an nhận định chính quyền địa phương cấp phép sai quy định để doanh nghiệp tự ý khai thác rừng, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Rừng xanh nay còn đâu…

Tháng 8, những cơn mưa rừng liên tục đổ xuống các lâm phần ở vùng biên giới của huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước). Vượt qua những cản trở của thời tiết, chúng tôi có mặt tại khoảnh 1, tiểu khu 69, nông lâm trường Đù Đốp vào ban trưa. Phía bên trái của con đường đất đỏ là vườn cao su chừng 3 năm tuổi, lá lên xanh mướt, còn bên phải con đường là những vạt rừng tự nhiên bị đốn hạ, từng đống gỗ còn chưa khô nhựa nằm la liệt, khiến người đi đường không khỏi xót xa. Nhẩm tính sơ bộ, có lẽ cả trăm m³ gỗ quý đã được “tận thu”.

Hiện trường vụ đốn hạ gần 130ha rừng tại khoảnh 1, tiểu khu 69 Nông lâm trường Bù Đốp trong ngày 11-8-2016

Với những thiết bị cơ giới còn nằm tại hiện trường, chúng tôi thấy năng lực “khai thác” cánh rừng này tương đối hùng hậu. Điển hình là đang vào cao điểm mùa mưa ở vùng Đông Nam bộ, nhưng chỉ trong vài mươi ngày, 129ha rừng tại khoảnh 1 đã cơ bản “xóa sổ”. Diện tích dự kiến tiếp tục được đơn vị khai thác đốn hạ là hơn 224,3ha (thuộc khoảnh 2 và 3, tiểu khu 69).

Ông Điểu Đưa, người dân ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước (huyện Bù Đốp), một hộ được ký hợp đồng giao khoán và bảo vệ rừng với Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp chua chát nói: “Rừng là của Nhà nước, họ phá thì mình làm gì được. Mình có muốn giữ lại cũng đâu có cản được họ. Rừng tự nhiên mà lại phá đi, rồi chuyển sang trồng rừng kết hợp chăn nuôi, sao tôi thấy vô lý quá. Ngày trước, cơ quan chức năng bảo đồng bào dân tộc thiểu số phá rừng làm rẫy, đã tổ chức ngăn chặn. Nay việc này không còn nữa, vậy sao lại tổ chức đốn hạ rừng tự nhiên, tôi thấy bức xúc quá. Bà con ở vùng đệm mong rằng, những diện tích rừng còn lại, hãy để người dân chúng tôi cùng bảo vệ nó”.

Trong khi đó, việc cả trăm ha rừng đã bị chặt hạ ở ngay vùng mình quản lý, khiến lòng ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp như bị dao cứa.

Tại vùng biên giới giáp với nước bạn Campuchia, vô cùng gian nan và nguy hiểm, ông cùng cán bộ của Hạt mới bảo vệ được 6.400ha rừng rất hiếm hoi của tỉnh Bình Phước được nguyên vẹn. Trong tiểu khu 69, có một phần là những cánh rừng khộp, nhiều con suối vắt ngang, rất có giá trị đa dạng sinh học, là một đặc trưng của rừng vùng Đông Nam bộ. Nhiều thú rừng như bò tót, trâu rừng, nai và các loài thú có móng về kiếm ăn, sinh sống rất nhiều. Mặt khác, rừng tại khoảnh 1, 2, 3 của tiểu khu 69 tiếp giáp với rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đắk Quýt, là lá chắn bảo vệ lòng hồ thủy điện Cần Đơn mỗi lần có mưa lũ. Khoảnh 1 đã cơ bản… phá xong, nếu tiếp tục phá khoảnh 2 và khoảnh 3 nữa là chạm vào rừng phòng hộ sát suối đầu nguồn đưa nước ra sông Đắk Quýt. Thiên tai sẽ vô cùng khốc liệt!

Minh chứng cho điều này là trong quý 2-2016, vùng biên giới của các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) xảy ra các cơn mưa đá kèm lốc xoáy, khiến nhà cửa của bà con tan hoang, những vườn tiêu tiền tỷ đổ gục, thiệt hại vô cùng lớn. Nguyên nhân là do rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp.

Trở lại với việc gần 130ha rừng ở tiểu khu 69 vừa bị khai thác “sạch sẽ”, ông Nguyễn Văn Ách rầu lòng than: “Tôi cảm thấy rất hổ thẹn vì là người được Nhà nước giao nhiệm vụ giữ rừng, song nhìn rừng bị mất mà không có biện pháp ngăn chặn. Dù đó là khai thác hợp pháp hay bất hợp pháp thì tôi cũng cảm thấy có tội lớn lắm, nhất là với bà con Stiêng đã góp sức với Hạt trong công tác quản lý và bảo vệ rừng trong suốt những năm qua”.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Về việc Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé tự ý khai thác, phá rừng nằm trên địa bàn huyện Bù Đốp như trên nêu, ngày 12-8, C49 đã đưa ra một số kết luận quan trọng.

Theo đó, năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sài Gòn – Bình Phước khai thác rừng tự nhiên nhưng phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Tuy nhiên, sau đó công ty này không thực hiện dự án nên đã bị UBND tỉnh Bình Phước thu hồi.

Tiếp đến, tỉnh Bình Phước đã giao lại cho Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé khai thác hơn 575ha rừng tại tiểu khu 69 thuộc Nông lâm trường Bù Đốp (huyện Bù Đốp) để thực hiện dự án “chăn nuôi kết hợp trồng rừng”. Tại đây đã xảy ra hàng loạt sai phạm, như: UBND tỉnh Bình Phước đã vượt cấp cho phép Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé tự ý khai thác rừng mà không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đã cấp giấy phép sai trong việc cho doanh nghiệp khai thác rừng tự nhiên nhằm mục đích trồng cao su, chăn nuôi. Trong khi đó doanh nghiệp này không có chức năng chăn nuôi.

Thêm nữa, Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về môi trường và lập dự án trình các cơ quan chức năng phê duyệt, mà Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đã cấp phép khai thác rừng tự nhiên là vi phạm về trình tự thủ tục cấp phép khai thác rừng theo quy định của pháp luật.
 
Vì vậy, C49 đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước phải tạm ngưng cấp phép khai thác tận dụng lâm sản tại khoảnh 1, tiểu khu 69; tạm ngưng cấp phép khai thác mới, khai thác tận dụng lâm sản tại các khoảnh 2, 3 của tiểu khu 69 đối với Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé.

 Ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch UBND xã Phước Thiện (huyện Bù Đốp) nói: “Tôi mong các cấp có thẩm quyền nên ngưng lại, đừng có chuyển đổi rừng qua việc chăn nuôi kết hợp trồng rừng nữa. Bởi vì, diện tích rừng ở đây còn ít, mà đó là rừng phòng hộ của lòng hồ thủy điện Cần Đơn; hơn nữa tình trạng hạn hán và lũ lụt thì ngày càng gia tăng. Thực tế, đây là miền biên giới, mà nếu mình cứ chuyển đổi hết thì ngay cả con cháu của mình ở xứ rừng này cũng sẽ không biết rừng tự nhiên là gì”.


         ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục