Doanh nghiệp bình ổn thị trường TPHCM: Tăng nguồn cung, chốt giá bán

Còn hơn 1 tuần nữa mùa kinh doanh cao điểm Tết Nguyên đán 2017 sẽ kết thúc. Tại hầu hết các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) đều đã hoàn thành kế hoạch hàng tết. Ngoài việc chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường chung, các DNBOTT còn phải dự trữ một lượng hàng khá lớn để thực hiện nhiệm vụ chính trị là giữ ổn định về cung - cầu, giá cả trong trường hợp thị trường có dấu hiệu biến động.
Doanh nghiệp bình ổn thị trường TPHCM: Tăng nguồn cung, chốt giá bán

Còn hơn 1 tuần nữa mùa kinh doanh cao điểm Tết Nguyên đán 2017 sẽ kết thúc. Tại hầu hết các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) đều đã hoàn thành kế hoạch hàng tết. Ngoài việc chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường chung, các DNBOTT còn phải dự trữ một lượng hàng khá lớn để thực hiện nhiệm vụ chính trị là giữ ổn định về cung - cầu, giá cả trong trường hợp thị trường có dấu hiệu biến động.

Hàng tết đã sẵn sàng

Liên tục trong thời gian vừa qua, Sở Công thương TPHCM phối hợp với các sở, ngành đi thực tế, kiểm tra và làm việc về kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết Đinh Dậu 2017. Theo Sở Công thương, do thời tiết thất thường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng, chất lượng nên dẫn đến rau củ quả tăng giá nóng vào đầu quý 4-2016. Điều này cũng đồng nghĩa, rau củ quả được xem là một trong những mặt hàng được quan tâm đặc biệt cả về sản lượng, lẫn giá bán trong mùa tết năm nay. Tuy nhiên, trên thực tế không hẳn vậy.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực nhà lưới, ông Trần Văn Thích, Chủ tịch HĐQT HTX Phước An (huyện Bình Chánh, TPHCM), cho hay, bên cạnh các loại rau ăn lá, trồng ngoài trời, HTX Phước An đã đầu tư được 14 nhà lưới, tổng diện tích hơn 10.000m2 để trồng các loại rau có mùi như hành, ngò gai, rau cần, tía tô, rau húng...  Các loại rau thơm đã lên khá xanh tốt, chuẩn bị thu hoạch để cung ứng cho thị trường tết. Mặt khác, HTX cũng đầu tư 2 kho lạnh để có thể thu mua và dự trữ hàng hóa, đảm bảo cung ứng đủ số lượng cho CTBOTT của TPHCM và các đối tác. Riêng về hàng tết, HTX cũng đã tăng diện tích gieo trồng các loại rau củ quả mà người dân có nhu cầu sử dụng nhiều như bầu bí, rau thơm các loại, dưa leo, cà chua, khổ qua... với sản lượng tăng từ 30% - 50% tùy mặt hàng. Theo ông Thích, với sự chuẩn bị chu đáo về nguồn hàng, chắc chắn lượng rau củ quả sẽ đảm bảo tốt cho khả năng cung cầu trong dịp tết.

Dây chuyền phân loại và sơ chế rau VietGAP tại HTX Phước An, TPHCM. Ảnh: TƯỜNG DÂN

Tương tự, tại các hộ xã viên thuộc HTX Phú Lộc (huyện Bình Chánh, TPHCM), các liếp rau xanh như cải ngọt, cải bẹ xanh, mồng tơi, bồ ngót, dưa leo, khổ qua... đang trong kỳ tăng trưởng cho kịp tết. Theo ông Trần Quang Chánh, Chủ tịch HĐQT HTX Phú Lộc, nếu những năm trước các hộ xã viên trồng rau xanh gặp khó bởi thiếu nguồn nước tưới do hạn hán, thì năm nay mưa muộn nên khá thuận lợi trong việc xuống giống, tưới tiêu. Hiện HTX đều đã tăng sản lượng gieo trồng đối với mặt hàng rau và quả để có thể bù đắp sang phần củ quả cung ứng từ Đà Lạt (rau củ quả ôn đới) bị giảm nhẹ vì mưa kéo dài.

Một số đơn vị tham gia CTBOTT nhưng có trang trại đặt tại Lâm Đồng như Công ty Thảo Nguyên, HTX Anh Đào cho biết, do nhiều loại củ quả (cà rốt, bông cải, xu hào...) đòi hỏi phải được trồng dài ngày nên nguồn cung cho thị trường tết năm nay có thể giảm khoảng 10% so với kế hoạch ban đầu, bù lại các đơn vị này cũng đã chuẩn bị sẵn phương án sẽ tăng sản lượng nhóm các mặt hàng rau ăn lá để cân đối cung cầu cho thị trường tết.

Ở nhóm các mặt hàng thịt gia súc, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vissan cho hay, năm nay, công ty cung ứng ra thị trường tết 3.000 tấn thịt tươi sống và 3.200 tấn thực phẩm chế biến các loại. Ngoài ra, Vissan còn dự trữ thêm từ 15% - 20% sản lượng hàng hóa dự phòng. Tổng giá trị hàng hóa mà công ty dự trữ cho đợt tết năm nay là 650 tỷ đồng. Hiện lượng heo hơi chuẩn bị đạt 100% kế hoạch, riêng nhóm thực phẩm chế biến, công ty vẫn đang sản xuất hết công suất nhẳm đảm bảo đưa hàng hóa ra thị trường theo đúng kế hoạch.

Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng, trong dịp tết năm nay, Vissan tung ra thị trường những dòng sản phẩm mới, đó là xúc xích happy, xúc xích phô mai, giò hoa để làm phong phú thêm thực phẩm ngày tết của người tiêu dùng. Vissan cũng là DN đầu tiên triển khai việc truy xuất nguồn gốc thịt heo đối với 100% sản lượng thịt heo tươi sống ra thị trường.

Ở nhóm các mặt hàng trứng và thịt gia cầm, được cung ứng từ các DN uy tín như Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân, Phạm Tôn, San Hà… đều khẳng định, nguồn cung rất dồi dào, phong phú với sản lượng tăng bình quân từ 20% - 30% so với cùng kỳ tết năm 2016. Giá bán sẽ không biến động kể từ nay đến sau tết.

Chốt giá hàng bình ổn từ ngày 1-1 đến 28-2-2017

Theo các DN, năm 2016 được xem là năm giá cả ít có sự biến động, không xuất hiện tình trạng giá nguyên liệu tăng “hỗn” như trước. Riêng với CTBOTT, từ đầu chương trình đến nay, Sở Tài chính mới chỉ điều chỉnh 3 lần đối với nhóm thịt gia súc, trong đó 1 lần điều chỉnh tăng và 2 lần điều chỉnh giảm. Các mặt hàng BOTT khác, giá bán tương đối ổn định. Cụ thể, trong lần điều chỉnh gần nhất, tức ngày 4-1-2017, sở này đã điều chỉnh giảm giá bán đối với 8 loại thịt heo nằm trong danh sách BOTT, được cung ứng từ các đơn vị gồm Công ty Vissan, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM, hệ thống siêu thị Big C. Theo đó, mức giảm bình quân đối với các loại thịt heo là 3.000 đồng/kg so với mức giá hiện hành: thịt heo đùi hiện còn 82.000 đồng/kg; thịt vai và thịt nách 76.000 đồng/kg; thịt nạc (dăm, vai, đùi) 92.000 đồng/kg; thịt cốt lết 82.000 đồng/kg; sườn già 77.000 đồng/kg; chân giò 67.000 đồng/kg; thịt ba rọi 86.000 đồng/kg. Mức giá này đã được áp dụng đồng loạt kể từ ngày 5-1-2017.

Cũng theo Sở Tài chính, việc điều chỉnh giảm giá bán thịt heo là do giá nguyên liệu đầu vào giảm. Nếu từ nay đến giáp tết giá heo hơi tiếp tục giảm, giá bán heo thành phẩm cũng sẽ giảm theo, nhưng trong trường hợp giá heo hơi biến động tăng thì hàng bình ổn vẫn phải giữ ở mức giá hàng tết đã được chốt, kể từ lần điều chỉnh sau cùng.

Bên cạnh mặt hàng thịt heo, giá bán hàng tết trong CTBOTT Tết Đinh Dậu 2017 đã được các sở, ngành chức năng chốt giá bán trong 2 tháng tết (1 tháng trước tết và 1 tháng sau Tết Đinh Dậu 2017, tức kể từ ngày 1-1-2017 đến ngày 28-2-2017). Mức giá này đã được các DN rà soát lại các cơ cấu giá thành, tính toán tác động từ mức giảm giá dầu đến chi phí vận chuyển và các khoản chi phí khác cấu thành nên giá bán các mặt hàng, từ đó kê khai lại mức giá bán cho phù hợp với chi phí đầu vào và diễn biến thị trường. Trong trường hợp giá chi phí đầu vào tăng, các DN sẽ không được điều chỉnh theo nhằm đảm bảo mục đích, tiêu chí của chương trình là chăm lo an sinh xã hội, dẫn dắt thị trường.

Tính toán của Sở Công thương cho thấy, tổng giá trị hàng hóa dành riêng để BOTT tết năm nay là gần 7.000 tỷ đồng. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị với sản lượng lớn, chi phối từ 35% - 52% nhu cầu thị trường, như: thịt gia cầm (chiếm 59,6%), đường (43,4%), trứng gia cầm (48%), thực phẩm chế biến (38,3%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (33,3%)...

Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu cách nhau gần 1 tháng nên sức mua đã bắt đầu tăng khá cao ngay sau Tết Dương lịch. Theo Bộ Công thương, dự báo sức mua trên thị trên thị trường cả nước trong dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng 10% - 15% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 8% - 10% so với Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Với sự chuẩn bị hàng hoá từ rất sớm và chu đáo, các sở, ngành chức năng hy vọng, thị trường tết tại TPHCM sẽ không xảy ra tình trạng khan hàng - sốt giá, đảm bảo một mùa tết an lành và đầm ấm.

HẢI HÀ - HÙNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục