Vui vì thấy nông dân “sống khỏe”

Vui vì thấy nông dân “sống khỏe”

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt:

Hơn 20 năm làm nghề báo, tôi đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, nhiều doanh nhân thuộc các lĩnh vực, với tuổi đời khác nhau, nhưng người để lại ấn tượng mạnh mẽ, khiến tôi nể phục về cách nghĩ, cách làm sau mỗi lần gặp gỡ, đó chính là ông Trương Chí Thiện (ảnh), Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt.

Người tiên phong

Hẹn gặp tôi qua điện thoại lúc 9 giờ tối vào một ngày cuối năm 2016, ông Thiện bảo là vì lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp mời xuống để cùng làm việc với gần 20 hộ chăn nuôi vịt cứ nằng nặc đòi được hợp tác cùng nhau để thành lập HTX chăn nuôi mới. “Lãnh đạo tỉnh và nông dân tin tưởng thì khi họ gọi, tôi đều có mặt. Với lại dạo này thời gian tôi ở miền Tây còn nhiều hơn TPHCM. Nhìn các trang trại nuôi vịt đẻ trứng liên tục được nhân rộng, tổng đàn tăng mạnh, số lượng hộ nông dân liên kết để hình thành các HTX không ngừng lớn mạnh, khiến tôi quên hết mệt nhọc”, ông Thiện giải thích. Theo tìm hiểu của tôi, cái tên Trương Chí Thiện đang rất “hot” với đại đa số các hộ chăn nuôi gia cầm ở một số tỉnh như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang… bởi chính ông là người đã gầy dựng, tạo ra sự thay đổi rất lớn đối với nhiều nông hộ, cũng như nhu cầu sử dụng trứng gia cầm trên thị trường.

Chế biến trứng gà cung ứng hàng bình ổn thị trường tại Công ty Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: CAO THĂNG

Vào những năm 2005-2008, các tập đoàn nước ngoài cấp tập đầu tư đã làm “đảo lộn” ngành chăn nuôi Việt Nam. Hàng loạt trang trại chăn nuôi gia cầm công nghiệp nhỏ lẻ, quy mô dưới 5.000 con có nguy cơ phá sản hàng loạt vì không thể cạnh tranh với các trang trại lớn của doanh nghiệp FDI. Với sự nhạy cảm của một người chuyên đi thu gom và phân phối trứng gia cầm, ông Thiện là người khởi xướng để các hộ nông dân chuyển đổi chăn nuôi từ gà công nghiệp sang gà ác, gà ta. Để tạo niềm tin cho nông dân - đối tác chính của công ty, năm 2010, Vĩnh Thành Đạt chính thức tham gia đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, song song với việc bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân để phân phối.

Cùng với các sản phẩm quen thuộc như trứng gà công nghiệp, trứng vịt mang thương hiệu V-FOOD, Vĩnh Thành Đạt đã tung ra nhiều sản phẩm khác biệt như trứng gà ta, trứng gà ác, trứng cút… được người tiêu dùng ủng hộ mạnh mẽ. Nhờ đó, hàng loạt hộ chăn nuôi cũng lớn lên không ngừng. Từ tổng đàn gà ác tại 2 tỉnh Long An và Tiền Giang chỉ dừng ở mức vài chục ngàn con trong năm 2012, đến nay đã tăng lên vài triệu con.

Thành công này cho phép ông Thiện dấn thêm bước nữa là phát triển tổng đàn vịt nhằm tăng sản lượng trứng. Để thực hiện, ông Thiện đã bàn bạc với một số đối tác thử nghiệm mô hình trang trại chăn nuôi vịt bán công nghiệp, thay cho cách nuôi truyền thống là thuê ruộng để thả vịt chạy đồng. Với 5ha đất tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, công ty đã đầu tư một trang trại khép kín, nuôi thử nghiệm 20.000 con vịt. Kết quả, sản lượng trứng tăng tới 20%, chất lượng trứng vượt trội, công ty hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh, mang lại sự an toàn cho người tiêu dùng. Theo ông Thiện, đây mới chỉ là phép thử trong suốt 5 năm vì chưa có ai làm. Làm thế nào để thuyết phục được người dân cùng tham gia, nhân rộng được mô hình mới có thể xem là thành công. Cũng may là lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nhìn thấy cái lợi rất lớn từ nuôi vịt bán công nghiệp, đã mở thêm một hướng đi mới. Tính đến nay, công ty đã hình thành được rất nhiều trang trại nuôi vịt bán công nghiệp ở 2 tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng, trong đó tỉnh Đồng Tháp chọn mô hình chăn nuôi vịt đẻ trứng là một trong 5 ngành nông nghiệp mũi nhọn.

Cùng với việc không ngừng liên kết phát triển tổng đàn để đảm bảo tự cung 100% sản lượng trứng gà công nghiệp, gà ác, gà ta, và tự cung 50% đối với mặt hàng trứng vịt; trong 3 năm qua, ông Thiện tiếp tục nghiên cứu, đầu tư mạnh cho kế hoạch gia tăng giá trị cho quả trứng nhằm tăng thu nhập cho người dân. Ông cho rằng, giá trứng của ta vẫn còn thấp, nghèo nàn về chủng loại so với các nước trong khu vực.

Từ trăn trở đó, ông Thiện đã khăn gói đến một số nước có thế mạnh về chế biến trứng gia cầm để học hỏi. Trứng vịt kho, trứng gà tiềm, trứng cút phá lấu, trứng gà ác tiềm thuốc bắc… phù hợp với khẩu vị của người Việt đã ra đời. Hiện có khá nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào chuỗi cửa hàng tiện lợi và lấy các sản phẩm trứng chế biến của Vĩnh Thành Đạt để bán. Họ cũng đã làm việc với công ty nhiều lần về việc đầu tư dây chuyền hiện đại, khép kín quy trình sản xuất và chế biến, kiểm soát tốt chất lượng để có thể xuất khẩu, đưa sản phẩm trứng chế biến của Vĩnh Thành Đạt phân phối trong chuỗi các siêu thị, cửa hàng tại các nước. Theo ông Thiện: “Đây là việc phải làm trong năm 2017. Chỉ khi nào chúng tôi đi vững bằng 2 chân, tức mở rộng thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu vào các nước trong khu vực; vừa tạo đầu ra ổn định vừa nâng cao giá trị gia tăng thì người chăn nuôi mới có thể làm giàu từ quả trứng”. Hiện ở kênh phân phối, các sản phẩm mang thương hiệu V-FOOD chiếm khoảng 50% sản lượng về trứng gà, vịt; chiếm 70% đối với trứng gà ác, gà ta cùng hàng chục mặt hàng khác nhau. Vĩnh Thành Đạt là một trong 2 doanh nghiệp chủ lực cung ứng nguồn trứng gia cầm cho chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM.

Hãy làm giàu trên chính mảnh đất cha ông để lại

Trong suốt buổi nói chuyện, ông Trương Chí Thiện rất tâm tư khi cho rằng, trước đây miền Tây có thế mạnh trong việc cung ứng trứng vịt hơn là trứng gà, nhưng chỉ sau đại dịch cúm gia cầm năm 2002, tỷ lệ này đã giảm mạnh. Cụ thể, sản lượng cung ứng của trứng vịt và gà tương ứng với mức 6-4, thì nay bị đảo ngược chỉ còn 3-7. Làm thế nào để từng bước khôi phục dần tỷ lệ này để tạo ra thế cân bằng, kéo giảm sự chênh lệch về 2 loại trứng nhằm tạo lợi thế tốt nhất cho quả trứng vịt, vốn là sản phẩm ít có đối thủ cạnh thủ cạnh tranh, vì làm ra quả trứng vịt quá vất vả chứ không như trứng gà công nghiệp. Mặt khác, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ trứng vịt muối, trứng bắc thảo, trứng chế biến ở thị trường trong nước và các nước lân cận còn rất lớn, trong khi nguồn cung còn rất hạn chế. “Nếu đa dạng hóa được sản phẩm, người nông dân sẽ mặc sức phát triển tổng đàn, làm trứng”, ông Thiện nói.

“Gần đây cũng có nhiều quỹ đầu tư tìm đến Vĩnh Thành Đạt đặt vấn đề rót vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi và chế biến nhưng tôi không đồng ý. Bởi lẽ, mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược phát triển của riêng mình. Với Vĩnh Thành Đạt không có tiền để PR, chỉ chú trọng nâng chất lượng sản phẩm, đảm bảo ổn định về giá và mang lại đồng lời cao nhất để nông dân có thể yên tâm sản xuất. Nếu công ty dùng vốn của các quỹ, chắc chắn phải đi theo chiến lược của họ nhằm đạt mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất. Và như vậy, tôi cũng sẽ chẳng còn là tôi nữa!”, ông Thiện trải lòng.

Trả lời câu hỏi của tôi: “Có bí quyết gì làm nên quả trứng của V-FOOD thơm ngon hơn hẳn các sản phẩm cùng loại?”, ông Thiện khẳng định là không có, bởi ngay cả thức ăn chăn nuôi cho gà ác cũng đặt hàng từ chính đối tác là CP sản xuất thì không có gì là bí mật trong kinh doanh cả. Nhưng điều giúp Vĩnh Thành Đạt thành công, đó chính là cái tâm của người làm. Con vịt tuy được nuôi bán công nghiệp nhưng vẫn có thể tung tăng bơi lội và có đủ thời gian trưởng thành để cho trứng. Thức ăn không pha tạp, đầy đủ dinh dưỡng; từ lúc quả trứng được đẻ ra cho đến khi đưa ra thị trường được bảo quản ở môi trường tốt nhất, vệ sinh sạch sẽ, lưu kho với thời gian ngắn nhất… Tất cả những yếu tố nêu trên sẽ cho ra quả trứng tươi, thơm và ngon.

Xuất thân từ một sinh viên đi bán trứng ngay từ năm thứ nhất của Trường Đại học Tài chính - Kế toán, ra trường đi làm kế toán cho một công ty nhà nước nhưng rồi vẫn quay lại với nghiệp trứng của gia đình ở Sóc Trăng, bằng cách mở vựa trứng lớn tại TPHCM, rồi lập công ty; đến nay ông Trương Chí Thiện có đầy đủ điều kiện để sống một cuộc sống sung túc. Nhưng ông không làm vậy. Ông và vợ vẫn gom góp những đồng tiền lời để hỗ trợ cho từng nông hộ, lăn lộn trên những cánh đồng để hướng dẫn họ chăn nuôi, phát triển tổng đàn. Nhìn những trang trại đang được nhân rộng, các nhà máy mới sẽ hoàn thành trong năm 2017, ông bảo đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến khi công sức cùa mình đã được nhiều người nhìn nhận. Ông tâm sự: “Kinh doanh để làm giàu cho mình thôi thì chưa đù mà cần san sẻ đến cộng đồng. Thành công bước đầu của tôi chính là giúp người dân có được “của ăn, của để”, điều quan trọng là họ phải làm chủ ngay chính trên đồng ruộng của họ, thay vì phải cho thuê hoặc bán đi để lấy tiền sinh sống. Hội nhập sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh, song cũng mang lại nhiều cơ hội để phát triển. Tôi mong sẽ có nhiều bạn trẻ có học thức, hãy không ngừng sáng tạo, học hỏi và mạnh dạn cày xới để có thể làm giàu trên chính mảnh đất của ông cha mình để lại”.

46 tuổi đời, với hơn 20 năm tuổi nghề, ông Trương Chí Thiện đang tiến gần đến giấc mơ đưa quả trứng gia cầm của miền Tây quê ông tới bàn ăn của người dân các nước.


Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục