Cần nhân rộng phiên chợ hàng Việt

Cần nhân rộng phiên chợ hàng Việt

Phiên chợ hàng Việt là một trong những chương trình xúc tiến thương mại nội địa quan trọng của TPHCM nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình góp phần hỗ trợ, đưa sản phẩm do các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất đến gần với người dân các quận, huyện và ngày càng khẳng định chất lượng của hàng hóa mang thương hiệu Việt.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), với mục đích từng bước đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và đầu tư đến các thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện để các DN mở rộng thị trường, hàng tháng, ITPC đã phối hợp với UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố tổ chức các phiên chợ hàng Việt để phục vụ cho việc mua sắm của người dân. Trong năm 2016,  ITPC đã tổ chức được các phiên chợ hàng Việt tại các quận: 3, 4, 11, Tân Bình, 6, 2, 10, huyện Củ Chi… với gần 100 DN đồng hành cùng các phiên chợ. Theo đó, hàng hóa tham gia bày bán, giới thiệu tại các phiên chợ chủ yếu là hàng thiết yếu trong các lĩnh vực như lương thực - thực phẩm, dệt may, da giày, văn phòng phẩm, thủ công mỹ nghệ... cùng sự tham gia các DN thuộc chương trình bình ổn giá của thành phố, từ đó tạo thêm các không gian mua - bán cho DN cũng như người tiêu dùng.

Theo ghi nhận, ở mỗi phiên chợ đều thu hút lượng lớn người dân trên địa bàn các quận xung quanh tới tham quan, mua sắm. Tâm sự với chúng tôi, chị Trần Thị Thanh, ngụ đường Nguyễn Thông, quận 3, cho biết: “Các sản phẩm của các DN Việt Nam hiện nay cũng khá đa dạng, phong phú, chất lượng cũng được chú trọng nên người tiêu dùng rất yên tâm khi mua sắm. Phần lớn DN tham gia phiên chợ này đều là những DN có uy tín như Vissan, Biti’s, Việt Sin, Fahasa…  Cái quan trọng nhất đối với người tiêu dùng là giá cả, thì phiên chợ đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản này”. Có cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Lan, cư trú tại đường Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4, cho hay, hàng Việt đã có sự cải tiến ngày càng rõ nét, mẫu mã đẹp hơn và giá cả cũng phù hợp. Sau khi mua nếu sản phẩm bị trục trặc gì đó cũng được bảo hành, đổi trả... đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Cũng theo ý kiến của nhiều người tiêu dùng, thành phố nên tổ chức và triển khai rộng rãi mô hình phiên chợ hàng Việt nhiều hơn nữa, không nhất thiết mỗi tháng chỉ có một lần, để tạo thêm kênh quảng bá, bán hàng cho DN Việt.

Các chuyên gia kinh tế đã khẳng định, khi người Việt sử dụng hàng Việt sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, giảm nhập khẩu, góp phần cân bằng cán cân thương mại, tạo công ăn việc làm; từ đó làm cho nhu cầu tăng, dẫn đến thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Đối với người tiêu dùng, ngoài lợi ích của sản phẩm đem lại, việc tiêu thụ hàng trong nước cũng góp phần giúp DN trong nước phát triển, nhà nước thu được nhiều thuế hơn, ngân sách dồi dào hơn và đến lượt, nhà nước lại sử dụng đồng tiền thuế đó để phục vụ trở lại người dân, tăng cường phúc lợi xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, hỗ trợ người nghèo, tạo thêm công ăn việc làm… nâng cao đời sống của chính người dân. Rõ ràng người Việt dùng hàng Việt không chỉ vì lợi ích của riêng người tiêu dùng, lợi ích của DN mà chính là lợi ích của toàn xã hội.

Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Giám đốc ITPC, cho biết thông qua phiên chợ, công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt và có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Phiên chợ không chỉ hỗ trợ các nhà sản xuất hàng Việt hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn, hỗ trợ người bán lẻ ở huyện nâng cao khả năng kinh doanh, kết nối nhà phân phối, nhà bán lẻ tại địa phương mà còn giúp nâng cao kiến thức tiêu dùng của người dân trên địa bàn huyện về việc phân biệt giữa hàng thật với hàng giả. Phiên chợ cũng là dịp để người dân được mua sắm nhiều sản phẩm Việt với giá cả hợp lý.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục