Năm 2017: Ngành công thương hoạt động theo hướng gọn nhẹ, tinh nhuệ, hiệu quả

Vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã chủ trì buổi làm việc với Sở Công thương về nhiệm vụ công tác và các giải pháp trọng tâm năm 2017.
Năm 2017: Ngành công thương hoạt động theo hướng gọn nhẹ, tinh nhuệ, hiệu quả

Vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã chủ trì buổi làm việc với Sở Công thương về nhiệm vụ công tác và các giải pháp trọng tâm năm 2017.

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương, năm 2017 ngành công thương TPHCM phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản. Cụ thể, chỉ số phát triển công nghiệp tăng trên 8% so với năm 2016; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1% - 8,2% và 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 8,4%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố phấn đấu tăng khoảng 9,5%; kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố xuất khẩu qua cửa khẩu của cả nước tăng 10%, xuất khẩu qua cửa khẩu thành phố tăng 10,5%; kiểm soát và kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng cả nước…

Chế biến chả giò xuất khẩu tại Công ty Cầu Tre. Ảnh: CAO THĂNG

Để đạt được các chỉ tiêu trên, năm 2017, Sở Công thương thực hiện 4 nhóm giải pháp trọng tâm, bao gồm tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN; nhóm giải pháp về công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; nhóm giải pháp về bình ổn và phát triển thị trường và nhóm các giải pháp thường xuyên khác.

Theo ông Phạm Thành Kiên, ngành công thương sẽ đổi mới hoạt động từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, bằng cách tìm đến các DN (thay vì DN phải tìm đến với sở) để tăng cường tiếp xúc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn về từng chuyên đề, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển sản xuất kinh doanh. Sở cũng yêu cầu các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc mỗi tháng phải đến ít nhất 10 DN, ban giám đốc mỗi tháng đến ít nhất 4 DN để nắm bắt hoạt động, ghi nhận khó khăn, vướng mắc. Triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố, trong đó phối hợp với Ban quản lý Các khu chế xuất - khu công nghiệp rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng bố trí ít nhất 10% quỹ đất tại 3 khu công nghiệp Đông Nam, Tân Phú Trung và Hiệp Phước để phân lô, bố trí cho các DN hỗ trợ trong khu công nghiệp. Tập trung cải cách hành chính; trong đó, 100% thủ tục sẽ được thực hiện ở cấp độ 3 và 4. Song song đó, ngành công thương triển khai thực hiện các chương trình đột phá của thành phố về thực hiện các giải pháp phát triển về dịch vụ và công nghiệp, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với thế mạnh và định hướng phát triển của thành phố nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố… Theo kế hoạch, trong quý 1-2017, Sở Công thương phấn đấu ra mắt hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thành phố. Đây sẽ là đơn vị đầu mối, bộ phận một cửa trong việc hướng dẫn cũng như hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ cần thiết cho DN khởi nghiệp. Sở cũng sẽ triển khai đường dây nóng để tiếp cận thông tin nhanh nhất từ DN.

Trong nhóm giải pháp về bình ổn và phát triển thị trường, tiếp tục triển khai 4 chương trình bình ổn thị trường theo hướng tăng số lượng DN tham gia, tăng lượng hàng hóa đảm bảo khả năng cung ứng, can thiệp thị trường khi xảy ra biến động. Nâng cao hiệu quả chương trình hợp tác thương mại, chương trình kết nối cung cầu đi vào chiều sâu; trong đó chú trọng phối hợp với các tỉnh - thành, liên kết với vùng nguyên liệu để thực hiện việc sơ chế, đóng gói nông sản tại chỗ nhằm thực hiện chiến lược truy xuất nguồn gốc hàng hóa...

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Lê Thanh Liêm đánh giá cao vị trí, vai trò của ngành công thương trong việc triển khai, thực hiện các chương trình chủ lực của TPHCM, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thể hiện qua việc đóng góp tới 79% mức tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố (GRDP) trong năm 2016.

Về kế hoạch năm 2017, đồng chí Lê Thanh Liêm cơ bản thống nhất các chỉ tiêu, phương hướng hoạt động và các nhóm giải pháp của ngành đề ra. Tuy nhiên, năm 2017, TPHCM đặt chỉ tiêu GRDP tăng từ 8,4% - 8,7%, thu ngân sách đạt gần 348.000 tỷ đồng nên đòi hỏi ngành công thương cùng các ngành chức năng khác phải phấn đấu nhiều hơn nữa. “Để làm được việc này, con người vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Ngành công thương cần tiếp tục cơ cấu bộ máy hoạt động theo hướng gọn nhẹ, tinh nhuệ, hiệu quả. Mặt khác, để hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng và doanh thu thì DN phải được xem là chủ thể của mục tiêu tổng thể; do vậy việc quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển DN, sản xuất - kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình làm việc, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc, ban giám đốc sở có thể gọi điện trực tiếp cho tôi để tìm biện pháp giải quyết nhanh nhất trên tinh thần tập trung toàn lực hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.

Năm 2017, Sở Công thương sẽ trình UBND TPHCM 9 danh mục nhiệm vụ sau: Đề án Cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ (trình tháng 1-2017); tờ trình xin chủ trương đầu tư dự án xây dựng trung tâm thời trang tại quận 9 (tháng 3-2017); quyết định, quy định về giá đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ (tháng 3-2017); báo cáo quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn TPHCM đến năm 2030 (tháng 4-2017); báo cáo đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 (tháng 6-2017); báo cáo đề án quy hoạch phát triển công nghiệp TPHCM đến năm 2030 (6-2017); báo cáo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TPHCM đến năm 2030 (tháng 6-2017); báo cáo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cơ khí TPHCM đến năm 2030 (tháng 6-2017); báo cáo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất TPHCM đến năm 2030 (tháng 6-2017).

Hải Hà

Tin cùng chuyên mục