Chưa yên tâm chất lượng thực phẩm

Chưa yên tâm chất lượng thực phẩm

Gần đây, các sở, ngành chức năng của TPHCM đã triển khai hàng loạt chương trình, đề án nhằm ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP); từng bước tạo điều kiện cho các mặt hàng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP phát triển. Tuy nhiên, những sản phẩm sạch được đưa ra thị trường còn rất hạn chế; vì vậy, người tiêu dùng chưa thực sự yên tâm về chất lượng.

Lấy mẫu kiểm tra không nhiều

Trong tuần qua, HĐND TPHCM đã chia thành 2 đoàn liên tục đến nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp, đối tượng khác nhau để lắng nghe về các vấn đề liên quan đến ATVSTP. Tại các buổi làm việc, các đại biểu đã đặt ra hàng loạt câu hỏi nhằm làm rõ nguồn gốc thực phẩm, cách bảo quản, chế biến, công tác kiểm tra lấy mẫu cũng như các vấn đề cần ứng phó trong trường hợp xảy ra ngộ độc... Một trong những khâu khiến các đại biểu ưu tư, lo lắng nhất chính là việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc và chất lượng hàng hóa tại các chợ đầu mối của TPHCM.

Báo cáo với đoàn công tác, đại diện Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, cho biết hiện có 7 mặt hàng chủ lực được đưa về chợ để bán sỉ, bao gồm thủy hải sản, súc sản, hải sản khô, trái cây, hoa tươi và hàng nông sản. Tổng sản lượng hàng hóa về chợ mỗi đêm bình quân 2.400 tấn, trị giá 110 tỷ đồng. Để giám sát về chất lượng, các trạm kiểm tra của Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản đã được đặt tại chợ, có nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước thanh kiểm tra chuyên ngành, đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ. Năm 2016, các cơ quan này đã tiến hành kiểm tra định tính và định lượng bằng phương pháp test nhanh trên 790 mẫu rau củ quả và trái cây về dư lượng thuốc trừ sâu tại chợ Bình Điền, kết quả 100% mẫu đều đạt và nằm dưới ngưỡng cho phép.

Ở mặt hàng thủy hải sản, đã kiểm tra định lượng 489 mẫu, phát hiện 65 mẫu chứa dư lượng kháng sinh cao hơn mức cho phép. Nguyên nhân được xác định do các hộ nuôi cá đồng ở các tỉnh sử dụng nhiều kháng sinh bị cấm. Theo đại diện các cơ quan quản lý đặt tại chợ đầu mối Bình Điền, việc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ lấy mẫu kiểm tra thực tế tại chợ còn rất hạn chế so với tổng số 2.400 tấn hàng hóa về chợ mỗi đêm. Theo đó, việc tạm giữ lô hàng để chờ kết quả kiểm tra chính thức đối với mặt hàng rau củ quả, thịt súc sản, mất khá nhiều thời gian do kéo dài 2-4 ngày.

Cần thường xuyên lấy mẫu để kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ. Ảnh: THÀNH TRÍ

Theo Chi cục Thú y TPHCM, năm 2016, ngành này đã kiểm tra 462 mẫu thịt heo về 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, phát hiện 107 trường hợp heo bơm nước (nguồn gốc từ Long An chuyển về). Riêng chợ Bình Điền có đến 105 trường hợp vi phạm, đã xử lý tiêu hủy 15 tấn thịt heo. Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y TP, cho hay: “Việc giữ sản phẩm trong 48-72 giờ để chờ kết quả kiểm mẫu chính thức còn nhiều bất ổn vì nếu kết quả không vi phạm, hàng hóa lưu kho bị giảm chất lượng, hư hỏng thì cơ quan thú y phải chịu trách nhiệm”.

Với mặt hàng thủy hải sản, quy định hiện tại không có hình thức chế tài nào đối với các mẫu vi phạm tiêu chuẩn kháng sinh tồn dư trong sản phẩm. Theo đại diện Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM, mỗi mẫu phân tích định lượng phải mất từ 3-5 ngày mới cho ra kết quả. Do chưa có cơ chế cho tạm giữ lô hàng thủy hải sản nghi vi phạm nên đến khi cơ quan chức năng cầm kết quả trên tay thì hàng đã bán hết từ lâu, chỉ có thể xử lý bằng cách phản hồi về địa phương có lô hàng vi phạm để địa phương nhắc nhở, giám sát tại nguồn.

Công ty quản lý chợ phải có trách nhiệm

Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh bị cấm ở mặt hàng thủy hải sản thì tình trạng lạm dụng các phụ gia trong quá trình sơ chế hàng hóa rất đáng lo ngại. Báo cáo với đoàn (số 2) HĐND TPHCM tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, UBND quận Thủ Đức cho biết, năm 2016 đã xử lý 7 trường hợp vi phạm về ATVSTP, với số tiền xử phạt 44 triệu đồng. Trong đó, có tới 6 trường hợp là điểm kinh doanh khu vực lân cận chợ đầu mối. Các vi phạm chủ yếu do sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng chất phụ gia vượt ngưỡng cho phép với các mặt hàng như măng, bắp chuối bào, xả… Theo UBND quận Thủ Đức, việc quản lý các cơ sở xung quanh chợ không dễ do các hộ thường xuyên đóng cửa, nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý thì đổi địa điểm, trữ hàng sang nơi khác.
Tại chợ nông sản Thủ Đức hiện có 1.322 sạp kinh doanh các mặt hàng nông sản, có 1.233 sạp được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (chiếm tỷ lệ 93%). Ngoài ra, còn nhiều cơ sở sơ chế nông sản cho các sạp bên trong chợ đầu mối dọc các tuyến đường Lê Thị Hoa, Ngô Chí Quốc, quốc lộ 13… do vướng quy hoạch, không thể cấp giấy phép kinh doanh nên không được xem xét cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại buổi làm việc với chợ đầu mối Bình Điền, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, bày tỏ ý kiến không đồng tình với lãnh đạo Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền khi cho rằng, công ty chỉ có nhiệm vụ tạo cơ sở vật chất, quản lý thương nhân, các vấn đề xử lý nước thải rác thải, phòng cháy chữa cháy…, còn trách nhiệm quản lý chất lượng ATVSTP tại chợ thuộc trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn. Công ty không phải cơ quan Nhà nước nên không có thẩm quyền quản lý vấn đề này mà chỉ có thể phối hợp với các chi cục để chế tài các đơn vị vi phạm. Theo đồng chí Phạm Đức Hải: “Trách nhiệm của công ty quản lý chợ là phải nắm chắc về nguồn gốc, chịu trách nhiệm về hàng hóa chợ mình bán ra. Giống như nhà hàng, khách sạn 5 sao phải chịu trách nhiệm về hàng hóa bán cho thực khách. Nếu khách ăn vào bị đau bụng thì nhà hàng, khách sạn phải chịu trách nhiệm”. Đồng chí Phạm Đức Hải cũng đề xuất tăng cường kiểm tra kiểm mẫu hàng hóa tại chợ bởi vấn đề ATVSTP đang trở thành vấn đề nóng bỏng.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND TPHCM cùng các sở, ngành chức năng với 3 chợ đầu mối, đại diện các chợ cũng đề xuất thành phố tăng cường việc lấy mẫu để kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, trong bối cảnh các lực lượng chức năng còn nhiều việc phải làm, cộng với kinh phí hạn chế thì chính các công ty quản lý chợ phải có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành để thực hiện tốt hơn nữa vấn đề này. Trên thực tế, ban quản lý chợ hoàn toàn có thể đầu tư một số trang thiết bị để test nhanh các mẫu như các siêu thị đã và đang làm khá tốt. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, các chợ có thể đề xuất ngưng kinh doanh.

Theo Sở Công thương TPHCM, hiện nguồn hàng từ 3 chợ đầu mối là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền cung cấp khoảng 60% tổng lượng thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của TPHCM. Do vậy, nếu thành phố hợp tác với các tỉnh, thành để định hướng lại sản xuất, thực hiện truy suất nguồn gốc, sơ chế và phân loại hàng hóa tại nguồn sẽ góp phần rất lớn trong việc loại trừ các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng.

Kim Chung

Tin cùng chuyên mục