Dấu ấn của sự năng động, sáng tạo

Sau 15 năm kiên trì, bền bỉ thực hiện và từng bước hoàn thiện, chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) tại TPHCM thực sự là một trong số ít chương trình thành công về nhiều mặt, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước. BOTT đã trở thành cụm từ “thời thượng”, được nhiều điểm bán “ăn theo” để minh chứng cho hàng hóa có thương hiệu, bán đúng giá, đủ trọng lượng và đảm bảo chất lượng. Là phóng viên theo dõi xuyên suốt chặng đường 15 năm triển khai, thực hiện CTBOTT tại TPHCM, tôi cho rằng, thành công của chương trình sẽ khó có thể thống kê, biểu thị hết thông qua những bản báo cáo, các con số, bởi đây là chương trình nói thật và làm thật!

Logo chương trình Bình ổn thị trường TPHCM treo trước một cửa hàng Co.opFood

Những năm 2000, trong điều kiện nguồn cung hàng hóa chưa bền vững, hệ thống hạ tầng thương mại chưa hoàn thiện, lưu thông hàng hóa chưa thông suốt, ý thức văn minh thương mại chưa cao… đã tạo cơ hội cho các đối tượng đầu cơ, gây bất ổn, găm hàng trục lợi, tạo ra những cơn sốt hàng hóa; đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Thực tế này đã tác động tiêu cực đến thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội của thành phố, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, do tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, sự ổn định của nền kinh tế trong nước luôn chịu tác động bởi sự vận hành của kinh tế toàn cầu. Trong những năm qua, nhiều loại nguyên liệu, hàng hóa trên thị trường thế giới tăng nhanh, thiên tai, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi xảy ra liên tiếp đã kéo theo sự tăng giá ở mức cao của các mặt hàng thiết yếu trong nước. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn. Thành phố trở thành nơi chịu nhiều tác động đầu tiên, trực tiếp từ những biến động giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu của thị trường trong nước và thế giới.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh nhiệm vụ tập trung thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư phát triển, Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác ổn định thị trường, chăm lo an sinh xã hội. Một trong những công cụ thực hiện mục tiêu này là triển khai thực hiện CTBOTT, với mục tiêu cung cấp các hàng hóa thiết yếu nhất trong cuộc sống của nhân dân với số lượng dồi dào, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý, tiếp cận dễ dàng; đồng thời là công cụ điều tiết, ổn định thị trường khi có biến động không hợp lý về giá. Đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ và chính quyền thành phố, thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chương trình nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, được cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở kiên trì tổ chức, chỉ đạo, nâng chất lượng và rút kinh nghiệm qua từng năm, hoàn thiện chính sách và ngày càng lan tỏa khắp các địa phương trong cả nước.

Từ CTBOTT, TPHCM đã tập hợp và từng bước xây dựng được đội ngũ DN hùng hậu ở nhiều ngành hàng, nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất và chế biến nhờ có chiến lược đầu tư bài bản theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, Organic, nhiều DN đã thực sự trở thành những “cánh chim đầu đàn” của thành phố. Có thể kể đến các đơn vị như Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân (chuyên cung cấp trứng gia cầm); Vissan (thịt gia súc và thực phẩm chế biến); Phạm Tôn, San Hà (thịt gia cầm); Vinamilk, Nutifood (sữa và các chế phẩm từ sữa); Hami, Miti, Mr.Vui, Vĩnh Tiến, Fahasa, Saigon Co.op tổ chức kết nối và đầu tư với các hợp tác xã, DN ở các tỉnh thành để có đủ nguồn hàng cung ứng cho CTBOTT như Hợp tác xã Anh Đào, Công ty Thảo Nguyên, DNTN Phong Thúy…

Trong chiến lược phát triển các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP còn có sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổng công ty lớn của TP như Satra, Sargi, Thanh niên Xung phong… Chính nhờ vậy, các nhóm hàng BOTT ngày đa dạng về chủng loại, hoàn thiện về mẫu mã bao bì và chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người dân. Theo Sở Công thương TPHCM, hiện nhiều nhóm hàng bình ổn đã có sức chi phối từ 35% - 52% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (chiếm 59,6%), đường (43,4%), trứng gia cầm (48%), thực phẩm chế biến (38,3%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (33,3%)... Cũng nhờ việc thực hiện CTBOTT, TPHCM đã khống chế thành công việc thiếu hụt đối với thịt gia súc, gia cầm những năm 2000-2003; khan hàng, sốt giá ở các nhóm hàng thiết yếu như gạo, đường năm 2008, trứng giá cầm năm 2013.

Để có được kết quả ngày hôm nay, đó là sự đóng góp không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo, của đội ngũ DN vào cuộc mạnh mẽ cùng những niềm vui, nỗi buồn và cả những giọt nước mắt trong suốt quá trình triển khai thực hiện. Theo đó, hàng loạt những chuyến “lên rừng, xuống biển” của các vị lãnh đạo thành phố đến các DN và nhiều tỉnh thành; không dừng lại ở việc kiểm tra, giám sát năng lực, mà còn được mở rộng thành những cuộc hội thảo đầu bờ để mở đường, tìm hướng đi đúng cho sản phẩm bình ổn, sản phẩm sạch, từ đó manh nha cho những cách làm mới ngày càng hiệu quả.

15 năm - một chặng đường chưa phải là dài, song vẫn đủ thời gian để khẳng định sự thành công, sức lan tỏa mạnh mẽ của CTBOTT đã trở thành thương hiệu, gắn với sự năng động, sáng tạo của TPHCM trong giai đoạn đầu của mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục