“Bộ đội về làng” tạc “Dáng đứng Việt Nam”

“Bộ đội về làng” tạc “Dáng đứng Việt Nam”

“Các anh đi/ Ngày ấy đã lâu rồi/Xóm làng tôi còn nhớ mãi”…

…“Các anh về mái ấm nhà vui/Tiếng hát câu cười/Rộn ràng xóm nhỏ/

Các anh về tưng bừng trước ngõ/ Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau/ Mẹ già bịn rịn áo nâu/ Vui đàn con ở rừng sâu mới về”…

Đó là những câu thơ trong bài thơ “Bao giờ trở lại” của Hoàng Trung Thông (1925-1993) và ấy cũng là câu hát trong ca khúc “Bộ đội về làng” của Lê Yên. Bài thơ được Hoàng Trung Thông viết sau ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Sức thu hút và lan tỏa của bài thơ thật sâu rộng. Năm 1952, nhạc sĩ Lê Yên đã hình thành bản hợp xướng hoành tráng, nổi tiếng “Bộ đội về làng”. Nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Phụng… cũng đã phổ nhạc bài thơ này của Hoàng Trung Thông. Có thể nói, đây là bài thơ hay nhất của Hoàng Trung Thông và là ca khúc thành công nhất của Lê Yên.

Nữ dân quân đưa bộ đội qua sông Cam Lộ. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

Nữ dân quân đưa bộ đội qua sông Cam Lộ. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

Nói đến bộ đội Cụ Hồ là chúng ta nghe vang rền giai điệu hành quân. Ấy là “Hành quân xa” (Đỗ Nhuận), “Hành khúc ngày và đêm” (Phan Huỳnh Điểu), “Hành quân đêm” (Xuân Hồng-Trí Thanh), “Đường ra trận mùa xuân” (Cẩm La), “Cùng anh tiến quân trên đường dài” (Huy Du-Xuân Sách), “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” (Huy Thục), “Hát mãi khúc quân hành” (Diệp Minh Tuyền)…

Nhưng với Hoàng Trung Thông, anh chọn khoảnh khắc “Bộ đội về làng” trong nỗi chờ mong “Bao giờ trở lại”. Rõ ràng, để có “nỗi chờ mong” ấy, các anh bộ đội Cụ Hồ trước đó đã để lại ấn tượng rất đẹp đối với người dân. Bài thơ đầm ấm tình quân dân, ân tình chuyện hậu phương tiền tuyến mà mỗi làng quê Việt Nam là “quê hương anh bộ đội”. Thông thường khi chọn thơ để phổ nhạc, các nhạc sĩ chọn tư tưởng chủ đề của thơ trước yêu cầu của thời đại và hợp điệu với tâm hồn nhạc sĩ.

Bên cạnh đó, thể thơ cũng có yêu cầu của công việc phổ nhạc. Hoàng Trung Thông viết “Bao giờ trở lại” theo thể thơ tự do. Ấy là một thử thách đối với nhạc sĩ phổ nhạc. Vốn là nhạc sĩ có tài và đậm chất dân ca truyền thống, Lê Yên đã thành công khi sáng tác “Bao giờ trở lại” thành hợp xướng “Bộ đội về làng”.

***

Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến, 1940-1968) nổi tiếng với những bài thơ có tứ thơ hoành tráng, giàu chất sử thi. Từ hình ảnh có thật, được Hoài Vũ phát hiện và thể hiện trong bài ký viết về cuộc tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Lê Anh Xuân nâng cao tầm khái quát tạc nên “Dáng đứng Việt Nam”. Đây là một trong những hình tượng nghệ thuật, tứ thơ đẹp nhất về bộ đội Cụ Hồ của văn học cách mạng Việt Nam.

Có những bài thơ hay, được nhạc sĩ phổ nhạc trọn vẹn, càng hay. Cũng có những bài thơ hay, nhạc sĩ chọn lọc, trích thơ, thêm lời, phổ nhạc càng hay hơn. Ấy là trường hợp thơ Hoàng Trung Thông - nhạc Lê Yên và thơ Lê Anh Xuân - nhạc Nguyễn Chí Vũ:

…“Anh tên gì hỡi anh yêu quý/ Anh vẫn đứng lặng yên như bức thành đồng/ Như đôi dép dưới chân anh dẫm lên xác thù/ Mà vẫn một màu bình dị sáng trong/ Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại chi trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”… “Anh Giải Phóng quân ơi/ Tên anh đã thành tên đất nước/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”…

Nhà thơ Lê Anh Xuân sáng tác bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” tháng 3-1968. Có thể xem đây là bài thơ cuối cùng của nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân. Cuộc đời nhà thơ Lê Anh Xuân, Ca Lê Hiến đẹp, anh hy sinh trong chiến dịch lớn, bài thơ tạc bức tượng có ý nghĩa và trở thành điển hình của cuộc sống và hình tượng nghệ thuật trong chiến tranh giành độc lập tự do và dựng xây phát triển hôm nay.

Nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ biết chọn lọc và thêm lời nên bài hát hay hơn, nổi tiếng hơn. Máu đỏ và mồ hôi mặn của cuộc sống chiến đấu và lao động đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, có sức sống mãnh liệt.

Hoàng Trung Thông - Lê Yên hát ca “Bộ đội về làng” để thấy được “Dáng đứng Việt Nam” về bộ đội Cụ Hồ, mà Lê Anh Xuân - Nguyễn Chí Vũ tạc trên quê hương Việt Nam!

Vũ Ân Thy

Tin cùng chuyên mục